Cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Duterte
“Thành tích” này đang khiến cho hầu hết các tổ chức nhân đạo và nhân quyền ở Philippines cũng như thế giới phải lên tiếng cảnh báo và yêu cầu ông Duterte phải dừng ngay chiến dịch “trấn áp” mang lại nhiều thương vong của mình. Nhưng có vẻ như ông Duterte đang phớt lờ những lời kêu gọi này.
Cuộc chiến chống ma túy đang diễn ra gay gắt ở Phillipines đã bắt đầu được tiến hành ngay sau khi ông Rodrigo Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines ngày 9-5-2016, là cách ông Duterte thực hiện lời hứa của mình khi tranh cử. Từng nổi danh với biện pháp lãnh đạo “bàn tay sắt” khi còn làm Tỉnh trưởng Davao, Duterte đã triển khai các đội dân phòng vũ trang để sẵn sàng hành quyết bất cứ ai bị nghi là tội phạm. Các tổ chức nhân quyền ở Philippines cho rằng hơn 1.000 người đã bị giết bởi các biệt đội dân phòng đó.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. |
Duterte được thế giới chú ý kể từ khi ông bắt đầu tham gia cuộc vận động tranh cử Tổng thống Philippines với những phát biểu gây sốc giống y như tỉ phú người Mỹ Donald Trump. Một trong những phát biểu gây sốc đó là ông nói rằng 100.000 người sẽ chết trong chiến dịch bài trừ tội phạm, chống những kẻ buôn bán ma túy, nếu ông giành chiến thắng. Để thực hiện mục tiêu chết người này, Duterte thực thi quyền lực tuyệt đối của Tổng thống, áp dụng biện pháp ra lệnh trực tiếp cho lực lượng bảo vệ pháp luật “xử tử” tại chỗ những kẻ bị nghi là buôn bán ma túy.
Khi tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng 5, Duterte đã có bài phát biểu nảy lửa, thể hiện quyết tâm trấn áp tội phạm và ma túy của ông. Ông đã phát động một chiến dịch “giết người nghiện ma túy”, và kêu gọi người dân Philippines nếu phát hiện kẻ nào nghiện ma túy thì giết ngay, “đừng để cha mẹ chúng phải làm việc đó, vì quá đau lòng”.
Ngay sau những lời tuyên bố cứng rắn đó, cảnh sát đã tiến hành ruồng bố lùng bắt những kẻ buôn bán ma túy. Các đội dân quân vũ trang cũng “hăng say” tham gia chiến dịch tìm và giết những kẻ nghiện ma túy sau khi được Tổng thống hứa miễn trách nhiệm giết người. Hàng chục người đã bị giết chết ngay trong đợt đầu tiên.
Các nhóm dân quân tham gia truy lùng ma túy. |
Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống Philippines, đã có ít nhất 700 người bị giết chết, theo thống kê của mạng tin tức lớn nhất Philippines ABS CBN News. Đa số những kẻ bị giết đã tham gia buôn bán ma túy nhưng cũng có không ít người nghiện ma túy cũng bị “dính chùm”.
Cảnh tượng thường thấy tại các khu nghèo khó ở Manila hay các thị trấn, thành phố khắp Philippines là những xác chết nằm la liệt, bên cạnh là người thân khóc than thảm thiết. Một xác người đàn ông được phủ bằng một tấm cạc-tông ghi dòng chữ “Tôi là một người bán ma túy”.
Một người phụ nữ trẻ ôm xác chồng gào thét, người chồng trẻ vốn làm nghề chạy xe ôm nhưng nghiện ma túy. Hình ảnh đó được báo chí đăng tải, lan truyền khắp Philippines và thế giới, đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte.
Ở Philippines, ma túy đã trở thành một vấn nạn quốc gia khi số người sử dụng tăng cao, ma túy được cho là nguồn gốc của tội phạm và bạo lực hằng ngày ở đất nước nghìn đảo này. Tình trạng bạo lực do tội phạm ma túy gây ra đã làm cho cuộc sống của dân thường trở nên khó khăn hơn, việc làm ăn kinh tế cũng bị ảnh hưởng.
Chính vì thế, việc ông Duterte tung ra chiến dịch bài trừ ma túy, trấn áp tội phạm được đông đảo dân chúng ủng hộ. Cho đến nay, cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã cho kết quả rất ấn tượng: hơn 4.400 người bị bắt, gần 600.000 người đã ra đầu thú với cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu tốt đẹp bằng biện pháp bạo lực, lấy bạo lực đẫm máu để khống chế bạo lực đôi lúc lại gây tác dụng ngược. Những vụ hành quyết kiểu “luật rừng” như thế đã gây phẫn nộ và bất bình trong nhiều giới. Một trong những nghị sĩ nhiều ảnh hưởng nhất Philippines là Leila de Lima, cựu Bộ trưởng Tư pháp, đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt hành động của ông Duterte gây không khí ngột ngạt, tang thương khắp Philippines.
Dẫn ra những trường hợp cảnh sát giết lầm cả người vô tội, bà Leila yêu cầu mở cuộc điều tra đối với những hoạt động giết người này. Trong một tuyên bố vào hạ tuần tháng 7-2016, Hội đồng Quyền công dân ở Philippines cáo buộc ông Duterte và các quan chức dưới quyền ông đã bỏ qua quy trình điều tra, xét xử, bỏ qua yếu tố quyền con người trong cuộc chiến chống ma túy “quá cuồng nhiệt” của ông.
Tuyên bố này viết: “Các đơn vị cảnh sát quốc gia Philippines, dưới sự chỉ huy của tướng Ronald “Bato” de la Rosa, một đồng minh thân cận của ông Duterte, đã biến nhiều khu vực dân cư thu nhập thấp thành những khu bắn giết tự do”. Phía cảnh sát thì đổ lỗi cho việc các nghi phạm có phản ứng nguy hiểm, chống đối hung hăng, dùng súng bắn trả khi bị cảnh sát bắt quả tang hay truy đuổi.
Các tổ chức quốc tế như Human Rights Watch (Quan sát nhân quyền), Stop Aids (Hãy chặn đứng AIDS) và International HIV/AIDS Alliance (Liên minh chống HIV/AIDS Quốc tế) vừa gửi một thư thỉnh nguyện cho Hội đồng kiểm soát chất gây nghiện Quốc tế (INCB) và Văn phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) kêu gọi hai tổ chức này lên tiếng đối với các vụ bắn giết bừa bãi trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte, yêu cầu phải cho người phạm tội được xét xử đúng quy trình. Tổ chức International Drug Policy Consortium (IDPC) cũng gửi thư cho INCB và UNODC kêu gọi hai cơ quan này yêu cầu ông Duterte phải dừng ngay những hành động giết chóc đó.
Một người phát ngôn của INBC đã thông báo thư ngỏ của IDPC đang được xem xét; UNODC cũng tuyên bố sẽ xem xét các yêu cầu được gửi đến. Tuy nhiên, vấn đề là liệu INCB và UNODC có thuyết phục được ông Duterte dừng cuộc săn lùng đẫm máu được hay không cũng chưa biết chắc, vì ngay khi lên nắm quyền, ông Duterte đã có thái độ cứng rắn với các tổ chức LHQ, và có vẻ như ông sẽ không “nghe” những gì các tổ chức này nói.
Duterte cũng từng tuyên bố, ngay cả cảnh sát, quan tòa nếu dính vào ma túy bằng cách này hay cách khác cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Và lời tuyên bố đó đã được ông thực hiện.
Ngày 7-8, Tổng thống Duterte đã tuyên bố 154 quan chức gồm cảnh sát, thẩm phán, thị trưởng, nghị sĩ và quân đội đã bị phát hiện có liên quan đến ma túy bất hợp pháp. Những người này bị thu hồi giấy phép sử dụng súng và yêu cầu tự nộp mình để phục vụ điều tra. Những nhân sự cảnh sát và quân đội bị sa thải ngay lập tức, còn các nghị sĩ thì bị tước quyền miễn trừ và rút toàn bộ nhân viên bảo vệ.