Philippines: “Đi trên dây” để cân bằng

Thứ Hai, 26/11/2018, 16:16
Nhiều người nghĩ rằng Philippines đang lặng lẽ “xoay trục” giữa cuộc đấu Mỹ - Trung, nhằm giành những lợi ích tốt nhất cho mình. Nhìn vào chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Philippines cho thấy, Philippines không hề có ý định “xa lánh” Trung Quốc nhưng đồng thời nước này vẫn hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Mỹ.

Một chiến thuật cân bằng khôn ngoan đang được Philippines thực thi để tránh bất lợi với cả hai cường quốc.

“Kẹo ngọt” từ Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một người có thiên hướng ủng hộ Bắc Kinh với hy vọng nước ông có thể nhận được hàng tỷ USD tiền vay và các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Chính vì thế, việc Manila và Bắc Kinh đồng ý ký kết 29 thỏa thuận hôm 20-11 trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày tới Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có gì lạ.

Sau khi thảo luận với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả chuyến thăm này như một “cột mốc quan trọng” trong quan hệ giữa hai nước. Ông là lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tới thăm Manila trong suốt 13 năm qua. Chuyến thăm này được coi là một phần trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tiến gần hơn tới Philippines - bất chấp tranh chấp kéo dài.

Những “viên kẹo ngọt” mà Chủ tịch Trung Quốc mang tới Philippines không chỉ là các hợp đồng, lời hứa mở rộng đầu tư, mà đó còn là các khoản viện trợ... Chúng được xem như đòn trực diện “tấn công” các đồng minh của Mỹ. Phát biểu sau các cuộc đàm phán, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: Trung Quốc và Philippines có rất nhiều lợi ích chung. Hai bên sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề gây tranh cãi và thúc đẩy hợp tác hàng hải thông qua quá trình thảo luận thân thiện.

Về phần mình, Tổng thống Philippines Duterte cho biết, Trung Quốc và Philippines đã đẩy mạnh hợp tác song phương ở một loạt lĩnh vực trong những năm gần đây và khẳng định chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình đến Philippines là một “sự kiện lịch sử”, đồng thời bày tỏ sự hài lòng với động lực tích cực hiện tại của quan hệ Philippines-Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: gbTimes.

Ngoài ra, ông Duterte nhấn mạnh Philippines mong muốn tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, thương mại, đầu tư, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, y tế, phòng chống ma túy và cải thiện đời sống nhân dân... đi kèm với mở rộng giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và tài nguyên nhân lực.

Chỉ có điểm duy nhất gây tranh cãi cả trước, trong và sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Philippines đó là thỏa thuận thăm dò dầu khí chung giữa hai nước. Thông tin chi tiết về thỏa thuận dầu khí, kể cả vị trí thăm dò, vẫn chưa được tiết lộ nhưng theo một khuôn khổ dự thảo được Thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes của Philippines công bố, việc thăm dò sẽ được tiến hành dựa trên lợi ích và nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và không làm ảnh hưởng đến quan điểm của hai quốc gia trong vấn đề chủ quyền và quyền hàng hải.

Tuy nhiên, một số người Philippines cho rằng thỏa thuận thăm dò này sẽ làm suy yếu các tuyên bố lãnh thổ của Philippines trên Biển Đông. Trước khi ông Tập Cận Bình đến Philippines, hàng trăm người biểu tình đã tập trung ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để lên tiếng phản đối việc chính quyền ông Duterte tìm kiếm mối quan hệ khăng khít hơn với Bắc Kinh. Họ khẳng định Philippines không phải để bán và “Trung Quốc phải ra khỏi vùng biển Philippines”.

Các nhà phê bình vô cùng lo ngại việc ông Duterte quyết định gạt sang một bên phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye hồi năm 2016, để “ve vãn” sự đầu tư của Trung Quốc.

Ban đầu, ông Duterte sau khi trở thành Tổng thống Philippines đã thay đổi chính sách ngoại giao của Manila theo hướng “xa Mỹ gần Trung”, liên tục phê phán Washington và chủ trương ngả về phía Bắc Kinh. Mặc dù năm 2016, ông đã có chuyến thăm thành công tới Trung Quốc và mang về khoản cam kết đầu tư lên đến 24 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn chỉ thực hiện một phần nhỏ của cam kết trên, khiến ông Duterte phải đối mặt với sự phản đối và chỉ trích của dư luận trong nước.

Chính việc chỉ hứa mà không làm khiến hình ảnh của Trung Quốc không còn được người dân Philippines tin tưởng. Theo kết quả cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Social Weather Stations công bố gần đây, có đến 84% người Philippines trong tổng số 1.500 người được hỏi bất mãn với cách tiếp cận “làm ngơ” của chính quyền Duterte đối với những động thái gần đây của Trung Quốc khi gia tăng quân sự hóa ở các vùng biển trong khu vực ASEAN.

"Cầu vồng sau cơn mưa"?

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra 2 năm sau khi ông Duterte tuyên bố thay đổi chính sách ngoại giao theo hướng tách khỏi đồng minh cũ là Mỹ và ngả về Trung Quốc, cho dù Manila và Bắc Kinh có lịch sử hàng thập kỷ không tin tưởng nhau và có những tranh chấp lãnh hải quyết liệt.

Trong một phát biểu với báo Philippine Star ngày 19-11, ông Tập Cận Bình đã lên tiếng ca ngợi ông Duterte và mô tả mối quan hệ song phương là "cầu vồng sau cơn mưa", đồng thời liên tục kêu gọi Philippines "giải quyết thỏa đáng" các tranh chấp.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố ông và Tổng thống Duterte sẽ nâng mối quan hệ giữa hai nước lên tầm “hợp tác chiến lược toàn diện” và nói thêm rằng hai bên có nhiều lợi ích chung và sẽ tiếp tục “giải quyết các vấn đề xung đột”. Nhà phân tích người Philippines Richard Heydarian cho rằng các hứa hẹn cho vay và đầu tư của Trung Quốc chẳng qua là nhằm xoa dịu Philippines nhưng đã không thực hiện đến cùng "sự mặc cả" của mình.

Ông nói với hãng tin AFP: "Chúng ta ai cũng biết trong những hứa hẹn của Trung Quốc có một sự tính toán mang tính địa chính trị.

Câu hỏi đặt ra là chính sách thân Trung Quốc của Philippines có phát huy tác dụng? Bởi, chừng nào lời nói của ông còn có trọng lượng và chính sách còn tuân theo thì Tổng thống Rodrigo Duterte còn tìm cách thiết kế một sự xoay trục mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Philippines. Vào đầu nhiệm kỳ của mình, ông đã gây hiềm khích với các đồng minh kinh tế và chính trị truyền thống như Mỹ (dưới thời Tổng thống Barack Obama khi đó) và sau là đến Liên minh châu Âu (do liên minh này kêu gọi tôn trọng nhân quyền giữa lúc Chính phủ Philippines tiến hành chiến dịch chống lại nạn buôn bán ma túy).

Ông Duterte cũng đã nhanh chóng khởi xướng việc nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Ông tuyên bố rằng tất cả những điều này là một phần của nỗ lực xây dựng một chính sách đối ngoại “độc lập” hơn cho nước này.

Có những quan điểm lẫn lộn về việc liệu nước này có đạt được một chính sách đối ngoại thực sự độc lập hay không. Và độc lập tới mức độ nào. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là liệu cách tiếp cận này có nhất thiết đem lại lợi ích kinh tế cho nước này hay không. Các chuyên gia nhận định: Xét về khía cạnh phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, những xu hướng này đem lại cả cơ hội lẫn nguy cơ.    

Philippines vẫn có sự hợp tác về an ninh - quốc phòng chặt chẽ với Mỹ.

Dự án gây tranh cãi

Liên quan đến những diễn biến mới trong hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc, chính quyền ông Rodrigo Duterte đang xem xét xóa bỏ lệnh cấm hợp tác khai thác tại vùng biển tranh chấp. Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho biết, Manila sẽ xóa bỏ lệnh cấm trước đó do chính quyền Tổng thống Aquino tiền nhiệm đặt ra, cấm mọi hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực biển có tranh chấp chủ quyền.

Lệnh cấm này chính là nguyên nhân khiến cho dự án hợp tác khai thác dầu khí chung giữa Tập đoàn Dầu khí PXP của Philippines và Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) chết yểu ngay từ khi thai nghén.

Câu hỏi đặt ra là có âm mưu gì không sau các văn bản ký kết? Bởi có nhiều vấn đề được cho là sẽ ảnh hưởng tới các nước ASEAN khác. Hiện, người dân Philippines muốn Tổng thống Rodrigo Duterte đàm phán tỉ lệ ăn chia lớn hơn 60/40 với Trung Quốc trong việc hợp tác cùng khai thác dầu khí. Họ cho rằng đây là vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của Philippines và do đó, không nên nhượng bộ. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết, dự án hợp tác thăm dò dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc dựa vào các nguyên tắc và thỏa thuận chung.

Theo giới chuyên gia, một kế hoạch cho phép Trung Quốc hợp tác cùng khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines sẽ khiến Trung Quốc không chỉ đạt được mục đích kinh tế, mà xa hơn, đó là việc đạt được những mục đích về chính trị. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng thỏa thuận này, nếu thành công, sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung Quốc.

Những “cái bẫy” phía sau sự hợp tác?

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là liệu có “cái bẫy” nào không? Vẫn biết Philippines đang muốn có tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng và các tuyến đường sắt, sân bay, cảng biển mới để kích thích đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư rất thích lao động giá rẻ và kỹ năng tiếng Anh của người lao động Philippines nhưng thường bỏ qua nước này vì chi phí vận chuyển, dịch vụ chung cao, chất lượng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng. Vì thế, Philippines cần tiền và vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Vấn đề là, theo các chuyên gia pháp lý, một số thỏa thuận mới đạt được và được coi là “có thể chấp nhận được” với Trung Quốc, cũng có thể sẽ vi phạm Hiến pháp năm 1987 của Philippines.

Trong khi đó, Quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, cho rằng trong khái niệm “gạt bỏ tranh chấp và theo đuổi sự phát triển chung” của Trung Quốc có một “cái bẫy”. Về điều này, đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte và cựu Tổng thống Benigno Aquino của Philippines từng có màn khẩu chiến xem điều gì sẽ tốt hơn cho Manila: thỏa hiệp hay đối đầu với Bắc Kinh?

Các hoạt động cải tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông một lần nữa khiến nội bộ giới chức chính trị của Philippines chia rẽ, trong bối cảnh họ đang phải chật vật để tìm kiếm một phản ứng thống nhất và tối ưu nhằm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chiến lược của nước này. Những màn khẩu chiến dữ dội và ngày càng căng thẳng của các quan chức cấp cao ở Philippines hiện nay khiến người ta nhớ lại một giai đoạn tương tự, đó là cuộc khủng hoảng Bãi cạn Scarborough năm 2012, khi các nhà lập pháp và hành pháp của Philippines công khai buộc tội lẫn nhau là “phản quốc và làm tổn hại lợi ích quốc gia”.

Cựu Tổng thống Benigno Aquino III, người từng theo đuổi một chính sách đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc, gần đây đã kêu gọi ông Duterte phải “minh bạch” trong mối quan hệ với Trung Quốc vì lo sợ Philippines sẽ gặp rủi ro mất thêm chủ quyền ở Biển Đông. Những người khác chỉ trích ông Duterte cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ cá nhân của Duterte với Bắc Kinh, trong đó phải kể đến các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc hứa sẽ đầu tư ở thị trấn Davao, quê hương ông Duterte và băn khoăn không biết các dự án này có làm ảnh hưởng đến tiến trình hoạch định chính sách của Tổng thống hay không.

Chính quyền ông Duterte đã "phản pháo" người tiền nhiệm, cáo buộc chính phủ ông Aquino trước đây đã gây ra những căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc và để mất Bãi cạn Scarborough vào tay Bắc Kinh sau nhiều tháng đối đầu giữa hai bên.

Xu thế đa cực cân bằng

Nhiều người ở Philippines từng hy vọng Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines dựa trên Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines. Thế nhưng, Washington phản ứng một cách hạn chế, chỉ đưa ra những lời chỉ trích suông (đối với Trung Quốc) chứ không có bất kỳ hành động nào.

Thực tế đang diễn ra khiến Philippines không thể trông chờ hoàn toàn vào một bên nào. Cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc là cách làm được cho là khá khôn ngoan của Philippines hiện nay, khi nó phù hợp với tình hình.

Người ta có thể hiểu được tại sao chỉ cách đây 2 tháng, trong cuộc gặp với với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Manila và Washington vẫn "mạnh mẽ, dựa trên lịch sử hợp tác gần gũi lâu dài và cam kết không suy chuyển vì các giá trị chung".

Theo giới phân tích, tuyên bố này của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo nước này đang âm thầm "xoay trục" quan hệ trở lại phía Mỹ trong khi vẫn "quan hệ" với Trung Quốc. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy đối ngoại của Philippines.

Hoa Vinh
.
.