Phó đại điện Liên Hiệp Quốc tại Afghannistan mất chức

Thứ Sáu, 01/01/2010, 00:45
Báo chí Mỹ vừa tiết lộ rằng, trước khi bị mất chức, ông Peter Galbraith, cựu Phó đại diện LHQ tại Afghanistan, đã từng đề xuất phương án "lật đổ" Tổng thống Hamid Karzai và thay thế bằng một người khác.

Báo chí khu vực châu Á thì nhìn nhận sự việc này ở khía cạnh cuộc đấu đá kịch liệt trong nội bộ cơ quan đại diện LHQ, bộc lộ sự yếu kém trong khâu tổ chức làm ảnh hưởng xấu đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của LHQ.

Ông Peter Galbraith, người Mỹ, bị cách chức Phó đại diện LHQ tại Afghanistan vào cuối tháng 9/2009 sau chuyến công tác đột xuất của ông về Washington mà không xin ý kiến cấp trên. Cơ quan đại diện LHQ tại Afghanistan cho rằng, ông Galbraith đã bị cách chức và buộc phải rời khỏi nhiệm sở vì nhiều hoạt động không phù hợp với tôn chỉ của cơ quan này.

Lý do quan trọng nhất khiến ông Galbraith mất chức chính là do ông đã vận động LHQ và Mỹ can thiệp sâu vào Afghanistan bằng cách yêu cầu Tổng thống Hamid Karzai từ chức để thay thế bằng một nhân vật khác được lòng người Mỹ hơn (như cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani hay cựu Bộ trưởng Nội vụ Ali Jalali).

Theo tờ New York Times (ra ngày 17/12/2009), thông tin về âm mưu "lật đổ ông Karzai" của ông Galbraith được tiết lộ trong một bức thư của ông Kai Eide, Trưởng đại diện LHQ tại Afghanistan, phúc đáp yêu cầu của các quan chức Mỹ và LHQ về đánh giá của ông đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Afghanistan trong thời gian 3 tháng sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 20/8/2009.

Kế hoạch "lật đổ Karzai" của Galbraith được ông Eide mô tả cụ thể như sau: Đầu tiên, Galbraith dự định sẽ bí mật bay về Washington để thuyết phục Nhà Trắng. Đối tượng đầu tiên được ông Galbraith nhắm đến là Phó tổng thống Joe Biden. Nếu Biden ưng thuận theo kế hoạch của Galbraith, cả hai sẽ cùng đến gặp Tổng thống Barack Obama để thuyết phục Tổng thống đồng ý.

Sau đó, sau khi được Tổng thống Obama "bật đèn xanh", Galbraith và Biden sẽ tiến hành thực hiện bước tiếp theo là yêu cầu ông Karzai từ chức để nhường chỗ cho một Chính phủ lâm thời do cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani lãnh đạo, hoạt động cho đến khi có kết quả bầu cử tổng thống vòng 2 (rốt cuộc vòng 2 cuộc bầu cử đã không diễn ra do ứng cử viên đối lập Abdullah Abdullah rút lui vào giờ chót).

Theo giới ngoại giao phương Tây, Galbraith tuy không có chức vụ nào trong chính quyền Mỹ nhưng lại có mối quan hệ chằng chịt với các lãnh đạo cao cấp, trong đó có Phó tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton và đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan và Pakistan Richard Holbrooke.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Galbraith cho biết, ông ta đã mang vấn đề "lật đổ" ông Karzai ra bàn bạc nhiều lần với nhiều nhân viên ngoại giao ở Cơ quan LHQ và Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan; trong đó ông đã trực tiếp bàn bạc vấn đề này với ông Frank Ricciardone, Phó đại sứ Mỹ tại Afghanistan.

Ngoài ra, những người tiếp xúc với Galbraith để bàn về kế hoạch "lật đổ Karzai" còn có cả một nhân viên trong văn phòng đặc phái viên Holbrooke nữa. Đầu tháng 9/2009, Galbraith dường như đã bắt đầu thực hiện ý đồ của mình khi bí mật rời Kabul về Washington để rồi khoảng 2 tuần sau thì mất chức...

Báo chí Mỹ đã dẫn lời ông Galbraith cho rằng, ngay chính Eide cũng bị buộc phải thôi việc tại Afghanistan do hiệu quả yếu kém trong điều hành công việc của Cơ quan đại diện LHQ tại đây. Dư luận báo chí có vẻ cũng đồng tình với lập luận này của ông Galbraith khi cho rằng Eide được biết đến là người "đặt mối quan hệ với ông Karzai lên trên hết thảy mọi thứ", đặc biệt là trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan vừa qua.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (ảnh nhỏ) và cuộc bầu cử ngày 20/8/2009.

Điều này khiến người ta có cảm giác Cơ quan đại diện LHQ đã đánh mất tính chất khách quan và xa rời mục tiêu giúp Afghanistan xây dựng khối đoàn kết, hòa hợp dân tộc, sẵn sàng can thiệp vào việc nội bộ nước chủ nhà vì lợi ích không chính đáng của một cá nhân.

Galbraith còn tiết lộ thêm rằng, sở dĩ ông phải đưa ra đề xuất "lật đổ" ông Karzai là để phản đối việc Eide cố tình phớt lờ những gian lận bầu cử xảy ra tràn lan theo chiều hướng có lợi cho ông Karzai. Chỉ khi phe đối lập làm lớn chuyện, xung đột bạo lực có thể làm hỏng mọi chuyện có nguy cơ bùng phát mạnh, thì lúc đó cơ quan khiếu nại bầu cử của LHQ mới vào cuộc và lôi ra hàng đống gian lận phiếu bầu có lợi cho ông Karzai.

Tờ Asia Times (ra ngày 19/12/2009) nhận định rằng, vụ việc của ông Galbraith đã một lần nữa thể hiện sự can thiệp thô bạo của Mỹ vào các hoạt động của LHQ, tương tự như vụ việc xảy ra hồi năm 1998, khi đó Mỹ cũng đã cài 2 điệp viên vào Cơ quan Thanh sát vũ khí quốc tế của LHQ (UNSCOM) và bị chính quyền Baghdad phát hiện, phản ứng dữ dội, làm cho chương trình thanh sát vũ khí khi đó bị đổ vỡ.

Lần này cũng thế. Ông Karzai đã nổi giận thật sự khi nghe thông tin về kế hoạch "lật đổ" ông, nhất là khi ông biết rằng kế hoạch đó do chính Galbraith đề xuất mà Galbraith lại là người của ông Holbrooke, vốn đã có xích mích với ông Karzai quanh các gian lận trong cuộc bầu cử ngày 20/8.

Và việc sa thải Galbraith là cách để LHQ xoa dịu cơn giận của Kabul. Cái khác của lần này là LHQ đã phải gánh chịu tổn thất, bị bẽ mặt và mất uy tín đối với các nước thành viên

Văn Trương (tổng hợp)
.
.