“Phò mã” Jared Kushner giữa rừng rắc rối

Thứ Sáu, 09/06/2017, 07:20
Jared Kushner, người con rể đầy quyền lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump bỗng dưng gặp nhiều rắc rối do cuộc điều tra của FBI về các mối quan hệ giữa bộ sậu chính quyền Tổng thống Donald Trump với các quan chức Nga, cả những vấn đề về làm ăn kinh tế và gia đình trong quá khứ.

Sau khi cùng với vợ là Ivanka Trump giúp bố vợ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, sự nghiệp chính trị của Jared Kushner lên vùn vụt như diều gặp gió. Ông được tổng thống mới của Mỹ tin tưởng, và cũng có thể là thưởng công, trọng dụng, giao cho chức cố vấn đặc biệt bên cạnh tổng thống.

Quyền lực của Kushner cũng từ đó trở nên rất mạnh. Còn nhớ hồi tháng 4-2017, khi mâu thuẫn cá nhân giữa Kushner với một cố vấn thân cận khác là Steve Bannon được dư luận quan tâm và có nguy cơ làm hỏng chương trình hành động của mình, Tổng thống Trump đã phải lên tiếng yêu cầu hai bên dàn xếp, và Bannon đã phải chịu nhường Kushner một bước.

Tờ Washington Post hồi tháng 4-2017 cũng có bài viết về sự thăng hoa của Kushner, trong đó viết rằng Kushner đóng vai trò “độc nhất và không thể chạm tới” trong Nhà Trắng của ông Trump. Khi đó, Kushner đã được bố vợ tin cậy giao cho quyền hạn gần như là “dưới một người, trên vạn người”.

Jared Kushner bỗng dưng bị rắc rối bủa vây.

Kushner đã đóng vai trò đặc phái viên của tổng thống, thay mặt ông Trump đến Iraq thị sát thực tế cuộc chiến chống IS của quân đội Mỹ, theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Joseph F. Dunford Jr. Ngoài Iraq, Kushner còn được ông Trump biệt phái đi đến một số nước quan trọng khác, như Canada, Trung Quốc, Mexico, tham gia trung gian đàm phán hòa bình cho Trung Đông. Đây đều là những điểm nóng trong chính sách đối ngoại mà ông Trump sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Thế nhưng, khi cuộc điều tra của FBI về các mối quan hệ “cửa sau” của các phụ tá trong bộ sậu tranh cử của ông Trump với các cá nhân người Nga dần dần thu hẹp vòng vây, những người ở gần ông Trump bắt đầu được đưa vào diện “quan tâm đặc biệt” hoặc đối tượng điều tra. Đó là lúc FBI bắt đầu để mắt tới Kushner.

Thực ra thì ngay từ khi những cáo buộc về các mối quan hệ với nước Nga được tung ra, thông tin bay khắp Washington về những cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ Nga Kislyak với một số người Mỹ đã có từ trước khi ông Trump ra ứng cử tổng thống, thì Kushner đã không giấu giếm gì việc mình đã từng có tiếp xúc với Đại sứ Kislyak và khẳng định những cuộc tiếp xúc đó không bàn bạc gì liên quan đến an ninh quốc gia, chỉ là tiếp xúc thông thường.

Nhưng cách đây khoảng 1 tuần, báo chí Mỹ lại làm ầm lên việc Kushner gặp Đại sứ Kislyak không chỉ đơn thuần bàn bạc việc riêng tư, mà nhằm tìm kiếm, xây dựng một “kênh sau” trong giao tiếp giữa Nhà Trắng với Điện Kremlin. FBI chính thức đặt Kushner vào diện điều tra.

Ông trùm ngân hàng Nga Sergey Gorkov.

Vào ngày 8-6 tới đây, cựu Giám đốc FBI James Comey sẽ ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ. Ông Comey sẽ đưa ra lời chứng về những động thái của Tổng thống Trump trong quá trình FBI điều tra phản gián đối với cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn về các mối quan hệ mờ ám của ông với các quan chức Nga, trong đó có Đại sứ Nga Kislyak.

Có thể Kushner sẽ bị lôi kéo vào cuộc điều trần và Ủy ban Tình báo Thượng viện đã có kế hoạch sẽ thẩm vấn Kushner khi ông này xuất hiện trước Ủy ban để phục vụ cuộc điều tra về Nga. Vấn đề mà Ủy ban Tình báo dự định sẽ hỏi Kushner liên quan đến việc đầu tư tài chính tại Công ty Kushner Companies, nơi ông có quan hệ làm ăn với ông trùm ngân hàng Nga Sergey Gorkov.

Kushner đã từ bỏ chức Tổng Giám đốc Kushner Companies từ trước khi tiếp nhận vai trò cố vấn cho bố vợ trong Nhà Trắng. Bên cạnh đó, Kushner cũng có động thái từ bỏ một số tài sản mà ông thấy có thể gây ra “xung đột lợi ích” trong tương lai khi ông đảm nhận nhiêm vụ mới.

Một chi tiết đáng chú ý trong sự liên hệ giữa Kushner với Gorkov, đó là cuộc gặp riêng giữa Kushner với Gorkov vào tháng 12-2016, một cuộc gặp nhiều rủi ro mà bản thân Kushner cũng biết rằng mình sẽ không tránh khỏi một khi thông tin về cuộc gặp này được tiết lộ ra công chúng.

Giới tình báo cũng như báo chí Mỹ đều đã nắm rõ lai lịch Gorkov, ngoài việc là ông trùm ngành ngân hàng Nga, có mối quan hệ gần gũi với Điện Kremlin, Gorkov còn là một cựu sinh viên học viện tình báo hàng đầu nước Nga, nơi có mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Putin. Không rõ Kushner đã bàn bạc những gì với Gorkov, nhưng sau khi thông tin về cuộc gặp này được tiết lộ trên báo chí, Kushner cũng đang đối mặt với những câu hỏi tương tự như đối với Đại sứ Kislyak.

Giới chuyên gia về đạo đức công vụ Mỹ nói rằng, hoạt động kinh doanh bất động sản trong quá khứ cũng có thể là một kẽ hở đẩy Kushner vào tình trạng xung đột lợi ích trong thi hành công vụ nhà nước. Trước khi về làm việc cho bố vợ, Kushner đã là ông chủ của một doanh nghiệp kha khá của gia đình.

Kushner đã bắt đầu quản lý, điều hành công việc kinh doanh của gia đình - Kushner Companies - từ năm ông 24 tuổi, với tham vọng khôi phục lại thanh danh cho gia đình sau khi bố, ông Charles Kushner bị bắt và tuyên án tù 2 năm do tội quyên góp tiền ủng hộ tranh cử trái phép vào năm 2005, hiện đang thụ án được 14 tháng tù.

Ảnh hưởng từ vụ việc của người bố đang tác động không nhỏ lên sự nghiệp của Kushner. Bởi khát vọng khôi phục cơ nghiệp gia đình luôn thôi thúc Kushner hành động quyết liệt, có khi liều lĩnh trong làm ăn, trong đó có những mối quan hệ làm ăn đầy lợi lộc với người Nga, mà cụ thể là ông trùm ngân hàng Gorkov.

Và mặc dù Kushner đã thôi công việc lãnh đạo tại Kushner Companies và tuyên bố từ bỏ một số tài sản có nguy cơ xung đột lợi ích, nhưng các chuyên gia đạo đức công vụ ở Washington vẫn cho rằng Kushner khai báo chưa đầy đủ, vì trên thực tế ông vẫn còn nắm đến 90% tài sản của cá nhân.

An Châu (tổng hợp)
.
.