Phong trào 5 sao và câu lạc bộ “thích Putin” ở châu Âu

Thứ Ba, 17/01/2017, 21:15
Cách đây 10 năm, khi xảy ra vụ án nữ nhà báo chống tham nhũng Anna Politkovskaya bị sát hại, truyền thông phương Tây được dịp bôi xấu hình ảnh nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin. Ngày nay, nhiều sự kiện đã xảy ra làm thay đổi cái nhìn của nhiều người đối với nước Nga và Tổng thống Putin.

Mười năm trước, danh hài Beppe Grillo của Italia là một trong những người đã hô hào công kích nước Nga vì vụ sát hại nữ nhà báo Politkovskaya. Sau khi vụ án được làm sáng tỏ, thủ phạm bị xét xử, ông Grillo đã thay đổi cách nhìn đối với nước Nga và Tổng thống Putin. Hiện giờ, Grillo đã trở thành một phần trong một phong trào mới, gọi là câu lạc bộ những người có cảm tình với Điện Kremlin đang ngày càng mở rộng, gia tăng số người tham gia.

Điều quan trọng là Grillo hiện nay không còn là danh hài như trước nữa, mà đã là một chính khách có thế lực, và đảng Phong trào 5 sao (M5S) của ông giờ đây không còn là một đảng nhỏ mới ra đời (năm 2009) nữa mà đã là một “ông lớn” trên chính trường Italia, đang được đánh giá là đảng có nhiều khả năng nhất giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Italia sắp tới.

Danh hài Beppe Grillo, người đang chủ xướng phong trào “thích Putin” ở Italia và đang lan ra châu Âu.

Đáng chú ý, M5S được xem là một đảng phi truyền thống, không chấp nhận theo lề lối của các tổ chức, đảng phái cũ kỹ.

Cùng quan điểm với ông Grillo, một số phụ tá của ông trong đảng M5S cũng đang là những người dám mạnh miệng lên tiếng ủng hộ các chính sách của Tổng thống Nga Putin, như chính sách về Syria. Người phát ngôn hàng đầu của đảng M5S Manlio Di Stefano thậm chí còn phát biểu ca ngợi chiến dịch pháo kích thành phố cứ điểm Aleppo là một cuộc “giải phóng” thành phố này.

Trong một bài phát biểu vào tháng 6-2016, ngay trước một hội nghị toàn đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin, Di Stefano đã tuyên bố rằng đảng M5S không thân Nga cũng chẳng theo Mỹ. Nhưng M5S kêu gọi các thành viên EU hãy chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga; kịch liệt chống lại thái độ “hung hăng” của NATO đối với nước Nga; kêu gọi tăng cường quan hệ tình báo giữa EU và nước Nga; và cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraina là kết quả của việc EU can thiệp vào chuyện nội bộ nước Nga.

Di Stefano đã cảm ơn đích danh hai quan chức Nga, Sergei Zheleznyak, Phó Chủ tịch Quốc hội Nga, và nghị sĩ Andrei Klimov, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế của Duma Quốc gia, vì hai ông này đã có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Nga và M5S.

Có một sự trùng hợp là, khi giọng điệu thân Nga của M5S gia tăng, cũng là lúc thái độ bài bác EU của đảng này cũng gia tăng. Chủ tịch M5S Grillo vừa đưa ra lời kêu gọi trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục tham gia khu vực đồng euro hay không. Một cuộc bỏ phiếu như thế sẽ gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đối với sự thống nhất của EU.

Ông Grillo cũng kêu gọi xem xét lại chính sách “biên giới mở” của EU theo thỏa thuận Schengen nhằm đối phó với tình trạng những kẻ khủng bố cực đoan lợi dụng chính sách này xâm nhập vào châu Âu qua cửa khẩu biên giới mở.

Một nguồn ngoại giao cho rằng sự chuyển biến trong thái độ của M5S đối với nước Nga phản ánh triết lý phi truyền thống: trong một thế giới mà EU và Mỹ đại diện cho các lợi ích được bảo đảm bằng sức mạnh tiền bạc, người Nga đại diện cho sự phản bác đối với liên minh đó và sự phụ thuộc của Italia đối với liên minh đó. Và không chỉ M5S mà nhiều đảng phái khác ở châu Âu cũng đang tham gia phong trào “thích Putin”.

Sự bùng phát câu lạc bộ này xuất phát từ việc nước Nga được cho là đã tăng cường thúc đẩy các mối quan hệ với các đảng phái cực hữu ở khắp châu Âu trong thời gian gần đây, trong đó có đảng cực hữu Mặt trận dân tộc của bà Marine Le Pen, M5S và một số đảng khác.

Theo giới ngoại giao châu Âu, khả năng lớn nhất là đảng M5S sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Italia sắp tới, khi đó điều người ta không mong đợi nhất chính là việc M5S giành chiến thắng và đưa Italia theo đường lối thân Nga, kêu gọi trưng cầu dân ý về việc rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro.

Bà Marine Le Pen - được cho là có khả năng trở thành Tổng thống Pháp - cũng là một chính khách có xu hướng thân Nga.

Stefano Stefanini, cựu Đại sứ Italia tại NATO (giai đoạn 2007-2010), cho rằng thật khó hình dung tình huống M5S sẽ giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội, nhưng tình hình hiện nay cho thấy đảng này đang lớn mạnh và ngày càng thân với nước Nga hơn là phương Tây.

Một viễn cảnh mà giới chính khách phương Tây hoàn toàn không muốn đang dần hiện rõ: đảng M5S giành chiến thắng ở Italia, cộng với một Tổng thống thân Nga ở Pháp (bà Marine Le Pen, nếu giành chiến thắng) và một số đảng cực hữu thân Nga như Liên đoàn phương Bắc ở Italia, Mặt trận dân tộc ở Pháp,...

Tại sao nhiều người, nhiều đảng phái chính trị ở châu Âu đang ngày càng xích lại gần với nước Nga hơn? Cựu Đại sứ Stefanini cho rằng cơ bản là vì Nga, Tổng thống Putin không phải là mối đe dọa đối với nhiều người ở châu Âu. Những luận điệu tuyên truyền của giới chính trị Mỹ và phương Tây chủ yếu là nhằm tạo nên tâm lý lo ngại về mối đe dọa mang tên nước Nga trước thềm các cuộc bầu cử năm 2017 ở châu Âu.

Mặc dù vậy, nhiều người ở châu Âu vẫn không xem nước Nga và Tổng thống Putin là mối đe dọa. Ngược lại, người Italia đang tự đặt lại những câu hỏi về thái độ, quan điểm thân Mỹ, thân phương Tây mà họ buộc phải theo trong nhiều thập kỷ qua.

“Các luận điệu, quan điểm đó nói chung đang được xét lại bởi vì chúng không phù hợp với dân thường, vì chúng không mang lại kết quả như người dân mong đợi” - ông Stefanini đúc kết.

An Châu (tổng hợp)
.
.