Phụ nữ tham gia chính trường tại Mỹ Latinh

Thứ Tư, 05/12/2007, 17:30
Mỹ Latinh từ lâu vẫn được coi là thành trì của sự thiếu bình đẳng nam, nữ. Nhưng trước làn sóng dân chủ, vai trò phụ nữ ngày càng được khẳng định, một số đã nắm giữ quyền lực chính trị và vị trí hàng đầu trong giáo dục, kinh doanh...

Nếu xét một cách tổng thể, phụ nữ tại Nam Mỹ đang dẫn đầu những trào lưu xã hội quan trọng, có khả năng kiếm nhiều tiền, học tập và đóng góp những tiếng nói có trọng lượng hơn bao giờ hết. Đây cũng là lần đầu tiên phái yếu tại khu vực này bắt đầu “tấn công” vào những vấn đề xã hội vốn là chuyện còn nhức nhối như bạo lực gia đình hay sức khỏe sinh sản.

“Tôi nghĩ đã có một sự thay đổi về căn bản” - Elena Highton, người vào năm 2004 đã trở thành nữ thẩm phán đầu tiên tại Tòa án tối cao của Argentina. Bà Highton ngay sau đó còn nhận trách nhiệm lãnh đạo một ủy ban chống bạo lực gia đình.

Sự kiện bà Michelle Bachelet trở thành Tổng thống của một quốc gia từng được đánh giá là bảo thủ nhất về mặt xã hội như Chile, sau khi nhận được đông đảo lá phiếu ủng hộ của cả các cử tri là lời khẳng định hàng đầu của sự thay đổi này.

Ngay tại quốc gia láng giềng Argentina, đệ nhất phu nhân Cristina Kirchner, được đánh giá là một chính trị gia và thượng nghị sĩ uy tín và đầy kinh nghiệm, vừa đắc cử để trở thành người kế nhiệm chiếc ghế tổng thống của chồng mình.  

Không chỉ có vậy, còn nhiều phụ nữ khác tại Nam Mỹ được đánh giá chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ tiếp tục trở thành những “hiện tượng” trên chính trường.

Tại Paraguay, cựu Bộ trưởng Giáo dục Blanca Ovelar đang được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu đại diện đảng Colorado đang cầm quyền trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống vào tháng 4/2008. Tại Brazil, nữ quan chức Dilma Rousseff đứng đầu Văn phòng Tổng thống cũng đang nổi lên là một ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế tổng thống vào năm 2010.

Đó sẽ là những người tiếp bước xuất sắc các nữ tổng thống từng được bầu tại Trung Mỹ vào những năm 90 của thế kỷ XX như Violeta Barrios de Chamorro tại Nicaragua và Mireya Moscoso Rodriguez tại Panama.

Dù đã có những tiến bộ về căn bản, nhưng theo Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) phụ nữ tại Mỹ Latinh vẫn còn bị thua thiệt nhiều so với nam giới trong một loạt tiêu chí xã hội cơ bản.

Chẳng hạn như theo số liệu đánh giá về bình đẳng giới tại 116 quốc gia trên thế giới dựa trên sự tham gia của phụ nữ vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, kinh tế và chính trị, quốc gia tiến bộ nhất tại Mỹ Latinh là Costa Rica chỉ xếp thứ 31, và nước “đội sổ” trong khu vực này (Bolivia) ở vị trí thứ 88.

(Từ trái qua phải) Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Tân Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner của Argentina, Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Banca Ovelar, Dilma Rousseff' ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế Tổng thống Barazil.

Đánh giá của Liên Hiệp Quốc dù sao cũng cho thấy, phụ nữ tại Mỹ Latinh đang thu hẹp khoảng cách rất nhanh so với đàn ông, thậm chí còn hơn cả tại nước Mỹ.

Chẳng hạn như mức lương trung bình của phụ nữ trong các thành phố tại Mỹ Latinh đã tăng nhanh từ chỉ số chỉ bằng 70% của đàn ông vào năm 1990 lên 90% vào năm nay (dự tính sẽ đạt được tỉ lệ cân bằng vào năm 2015). Trong khi đó, phụ nữ tại Mỹ trung bình chỉ kiếm được khoảng 77% số tiền mà đàn ông kiếm được trong năm 2006.

Trong lĩnh vực kinh doanh, phụ nữ tại khu vực này đã chiếm 35% số ghế giám đốc các công ty tư nhân, một sự gia tăng đột biến nếu chỉ so với một thập kỷ trước đây, theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (International Labor Organization). Dù vậy, cũng theo tổ chức này, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 10% trong vai trò chủ tịch và phó chủ tịch các công ty.

Phụ nữ Mỹ Latinh đã có những bước thăng tiến mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực chính trị và xã hội. Chẳng hạn như có tới 1/4 số thành viên các ủy ban địa phương là phụ nữ, tỉ lệ tăng gấp đôi nếu so với một thập kỷ trước đây.

Tương tự như vậy, phụ nữ cũng chiếm 1/4 số ghế bộ trưởng trong khu vực, 1/5 số quan chức lập pháp tại một loạt quốc gia như Costa Rica, Cuba, Argentina, Peru, Guyana, Suriname, Ecuador, Honduras và Mexico v.v... tăng gấp đôi so với năm 1990. Trong khi ngay tại Mỹ chỉ có 16% số nghị sĩ Quốc hội là phụ nữ.

Những bước tiến bộ về bình đẳng giới còn được ghi nhận trong luật pháp, chính sách và quy định của các quốc gia thuộc Mỹ Latinh. Cụ thể là 14 quốc gia tại khu vực này đã thông qua các “đạo luật hạn ngạch” quy định có ít nhất 40% số ứng cử viên tranh cử vào các cương vị chính trị là phụ nữ.

Với việc triển khai đầu tiên các đạo luật kiểu này trong khu vực, Argentina hiện đã có tỉ lệ tới 35% số nữ nghị sĩ tại hạ viện và 43% tại Thượng viện (một tỉ lệ chỉ thua kém 2 quốc gia khác trong châu Mỹ Latinh là Costa Rica và Cuba).

“Đã có rất nhiều thay đổi so với thế hệ của cha mẹ chúng tôi - đó là phát biểu của anh Rodrigo Delgado tại Santiago (Chile), người nhận trách nhiệm đưa đón con trong khi vợ đang bận công tác - Ngày càng có nhiều phụ nữ ra ngoài làm việc, để tăng thu nhập gia đình. Còn tại nhà, chúng tôi đều chia sẻ trách nhiệm với nhau”

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.