Pierre Salinger – viên cố vấn trung thành suốt đời của dòng họ Kennedy

Thứ Bảy, 19/03/2005, 08:17
Hai ngày sau vụ ám sát Tổng thống John Kennedy vào tháng 11/1963, bà Jacqueline lang thang như người mất hồn qua các hành lang của Nhà Trắng. Hoàn toàn suy sụp sau cái chết bất ngờ và bi thảm của chồng, bà Jacqueline cần một chỗ dựa tin tưởng để giao phó một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Bà quyết định bước vào phòng làm việc của Pierre Salinger, cố vấn về thông tin của Nhà Trắng, một người mà bà cho rằng tuyệt đối trung thành với cố Tổng thống và cả dòng họ Kennedy.

Bà Jacqueline thẳng thừng đặt vấn đề với Pierre Salinger: “Pierre, tôi chẳng còn công việc gì quan trọng hơn là phải giúp các con tôi được sống và không để cái chết của cha chúng hủy hoại cuộc đời chúng. Tôi muốn chăm sóc để chúng trở thành những công dân tốt. Tôi sẽ làm tất cả để chúng được tồn tại. Pierre, ông có thể giúp tôi làm công việc này hay không?”. Và câu trả lời không cần đắn đo của Pierre Salinger là: “Vâng, thưa bà!”.

Quyết xa rời một đất nước đã in dấu những hình ảnh tang thương và trốn chạy khỏi những kỷ niệm nặng nề ở Nhà Trắng, bà Jacqueline quyết định thay đổi hẳn cuộc sống, đưa các con đến sinh sống tại châu Âu, rồi nhiều năm sau tái giá với tỉ phú người Hy Lạp Aristote Onassis. Để thuyết phục các con là Caroline và John John chấp nhận người cha dượng mới, bà Jacqueline phải nhờ đến Pierre Salinger.

Qua lại giữa Mỹ và châu Âu như con thoi, Pierre Salinger thường bỏ hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để giảng giải cho Caroline và John John hiểu về thời cuộc và cách đối nhân xử thế. Cần mẫn như một ông thầy giảng bài cho học trò, cuối cùng rồi Pierre Salinger cũng thuyết phục được Caroline và John John chấp nhận người cha dượng tỉ phú.

Theo thời gian, với sự quan tâm giáo dục của mẹ và sự giám sát, theo dõi của Pierre Salinger, cả Caroline và John John đều trở thành những người nối dõi xứng đáng của dòng họ Kennedy. Vậy mà định mệnh lại không tha cho gia đình Tổng thống Kennedy.

Sinh năm 1925 tại thành phố San Francisco, mới 5 tuổi, Pierre Salinger đã có buổi biễu diễn  dương cầm đầu tiên trước công chúng. Thế nhưng không hiểu vì sao, Pierre Salinger không trở thành nghệ sĩ dương cầm mà lại trở thành một nhà báo. Năm 1943, Pierre Salinger gia nhập hải quân và tham chiến trên chiến trường Thái Bình Dương. Khi chiến tranh kết thúc, ông được nhận vào làm việc tại nhật báo "San Francisco Chronicle".

Là một nhà báo trẻ và xông xáo, Pierre Salinger có mặt tại hầu hết các điểm nóng để làm các phóng sự, trong đó nổi bật nhất là về tình trạng tệ hại của các nhà tù ở bang California và mối quan hệ giữa mafia và Nghiệp đoàn các tài xế xe tải được điều hành bởi Jimmy Hoffa. Chính những phóng sự này đã thu hút sự quan tâm của một chính trị gia trẻ tuổi, đó là Robert Kennedy, rồi sau đó ông được mời làm việc cho Ủy ban điều tra về tội ác có tổ chức do Robert Kennedy đứng đầu.

Trong thời gian làm việc tại đây, Pierre Salinger được Robert Kennedy tiến cử với anh trai là John Kennedy. Lập tức Pierre Salinger bị cuốn hút bởi sự trẻ trung và uy tín của John Kennedy và ông không ngần ngại gật đầu trước đề nghị trở thành cố vấn về quan hệ báo chí của John Kennedy trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1960. Lúc đó, Pierre Salinger 34 tuổi.

Đòn ra tay thành công đầu tiên của Pierre Salinger trên cương vị mới là tổ chức cuộc tranh luận tay đôi được truyền hình trực tiếp giữa hai ứng cử viên John Kennedy và Richard Nixon. Chính sáng kiến này đã giúp John Kennedy giành được điểm trước Richard Nixon.

Cũng từ sáng kiến này của Pierre Salinger mà trong các cuộc bầu cử các đời tổng thống Mỹ sau này đều diễn ra thông lệ cuộc tranh luận của các ứng cử viên được truyền hình trực tiếp. Sau khi trở thành tổng thống, John Kennedy liền đền đáp công lao của Pierre Salinger bằng cách bổ nhiệm ông làm cố vấn về thông tin của Nhà Trắng.

Nước Mỹ lúc đó đang cần một sự đổi mới và John Kennedy đã làm được công việc khó khăn này nhờ tài đạo diễn của viên cố vấn trung thành Pierre Salinger. Chính Pierre Salinger đã dàn dựng cho việc chụp ảnh các cảnh Tổng thống Kennedy đang âu yếm các con trong phòng làm việc. Cũng chính Pierre Salinger đã cho đưa lên báo chí cảnh vợ chồng Tổng thống Kennedy đang vui đùa cùng các con trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

Không những là đạo diễn bậc thầy trong cuộc sống của Tổng thống Kennedy trước các phương tiện thông tin đại chúng, Pierre Salinger còn giúp Tổng thống Kennedy đối phó với những tình huống tồi tệ khác. Chẳng hạn, vào ngày xảy ra vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba, Tổng thống Kennedy lại không có mặt tại Nhà Trắng, lo ngại uy tín của Tổng thống sẽ bị giảm sút, nên một mặt Pierre Salinger bí mật tổ chức cho Tổng thống Kennedy trở về Nhà Trắng từ tư dinh của mình ở bang Virginia, mặt khác lại ra thông cáo báo chí là Tổng thống đang bị sốt và chỉ có thể bình phục trong thời gian ngắn để giải quyết vụ khủng hoảng.

Theo thời gian, Pierre Salinger không những làm tốt công việc cố vấn thông tin của mình mà còn đảm nhận luôn vai trò của một nhà thương thuyết trong bóng tối. Tháng 8/1962, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đang căng thẳng, Tổng thống Kennedy đã cử Pierre Salinger đến Moskva đàm phán với các nhà lãnh đạo Liên Xô để hạ nhiệt. Trở về Mỹ sau cuộc đàm phán, Pierre Salinger cho Tổng thống Kennedy xem món quà đặc biệt mà nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Kroutchev đã tặng cho mình, đó là một hộp thuốc lá xìgà mà Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã tặng Kroutchev và Kroutchev tặng lại Pierre Salinger với mong muốn được làm cầu nối để giải quyết vấn đề Cuba với Mỹ.

Vào thời kỳ đó, Mỹ bắt đầu chiến dịch cấm vận Cuba và do e ngại dư luận sẽ đánh giá không tốt về món quà đặc biệt này nên Tổng thống John Kennedy khuyên Pierre Salinger nên trao trả lại cho phía Liên Xô. Trong bí mật, Pierre Salinger trao trả tất cả các điếu xìgà cho Đại sứ quán Liên Xô ở Mỹ nhưng giữ lại chiếc hộp mà ông trân trọng như một báu vật. Đây là sai lầm duy nhất mà Pierre Salinger mắc phải trong suốt cuộc đời tận tụy vì dòng họ Kennedy.

Với vụ ám sát Tổng thống John Kennedy, Pierre cảm thấy tất cả đều sụp đổ, lòng tin về những gì tốt đẹp nhất của nước Mỹ bắt đầu phai nhạt trong lòng ông. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục làm việc thêm một thời gian tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson, rồi hình như cảm nhận được bàn tay mờ ám của Johnson trong cái chết của “ông chủ” Kennedy của mình nên Pierre Salinger quyết định từ nhiệm để có thời gian chăm sóc những thành viên còn lại của gia đình Tổng thống Kennedy.

Trở thành nghị sĩ  bang California, Pierre Salinger lại được mời làm cố vấn cho Robert Kennedy trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 1968. Quãng thời gian này, ông cảm thấy như được sống lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của John Kennedy vào những năm 1959 - 1960. Nhưng rồi mọi việc đều bị sụp đổ khi xảy ra vụ ám sát Robert Kennedy vào tháng 6/1968, ngay trước mặt Pierre Salinger.

Giận dữ, đau đớn, Pierre Salinger đã thốt lên: “Họ muốn giết hại tất cả dòng họ Kennedy”. Biết là không thể sống trong một quốc gia bị lòng tham vọng mù quáng, sự đố kị đã lấn át cả lương tri nên Pierre Salinger quyết định rời Mỹ sang sinh sống tại Pháp, quốc gia châu Âu ít ra còn tôn trọng dòng họ Kennedy và cũng là nơi lưu trú của các thành viên còn lại của gia đình Tổng thống Kennedy.

Ông chỉ quay về lại Mỹ có hai lần, một là để dự đám tang bà Jacqueline vào năm 1996 và một là để dự đám tang của John John (tử nạn do tai nạn máy bay) vào năm 1999. Sau đó ông được mời ở lại Mỹ làm việc cho Tập đoàn Truyền thông Burson-Marsteller vào năm 1999.

Toan tính hồi hương nhiều lần để phục vụ đất nước nhưng rồi sự xuất hiện của hai cha con dòng họ Bush tại Nhà Trắng đã làm cho Pierre Salinger phải từ bỏ ước vọng này. Trước khi qua đời vào ngày 16/11/2004, Pierre Salinger còn bày tỏ ước vọng được chôn cất tại nghĩa trang Arlington, bên cạnh mộ phần của Tổng thống John Kennedy và Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy, như là một hành động minh chứng cho lòng tận tụy và trung thành với dòng họ Kennedy

Văn Hòa (Theo Point de Vue)
.
.