Qua 100 ngày nắm quyền của Thủ tướng Hatoyama: Từ mật ngọt tới mật đắng

Thứ Hai, 04/01/2010, 11:15
Ngày 25/12 vừa qua đánh dấu thời điểm 100 ngày nắm quyền của Thủ tướng Yukio Hatoyama. Tuy nhiên, tham vọng cải tổ sâu rộng nước Nhật của ông đang bị chỉ trích. Nhiều cơ quan truyền thông đánh giá Thủ tướng thiếu tính quyết đoán, trong khi điểm tín nhiệm của ông đang tụt giảm đáng kể.

Đáng sợ nhất là trước đó đúng một ngày, người ta công bố một vụ bê bối liên quan tới quỹ tài trợ tranh cử thủ tướng của ông. Sau 100 ngày "trăng mật" với người dân xứ hoa Anh Đào, giờ đây Thủ tướng Hatoyama bắt đầu nếm trải vị đắng của chức vụ này.

Vào lúc lên nắm quyền, ngày 16/9/2009, ông Hatoyama nhận được hơn 70% điểm tín nhiệm. Nhưng nay, theo các cuộc thăm dò mới nhất, có không đầy 50% cử tri Nhật ủng hộ vị Thủ tướng theo xu hướng trung tả này. Nguyên nhân của việc thất sủng này, theo một nửa số người trả lời thăm dò, đó là khuyết điểm: ông Hatoyama không thành công khi thực thi những cam kết của ông, ví dụ như lời hứa sẽ xóa bỏ thuế đánh trên nhiên liệu. 3/4 cử tri nhận xét là Thủ tướng Hatoyama không đủ bản lĩnh lãnh đạo. Theo ông Tetsuo Kato, Giáo sư Chính trị học thuộc Đại học Hitotsubashi tại Tokyo, thì Thủ tướng Hatoyama đang đứng trước nguy cơ bị cử tri tẩy chay.

Thủ tướng Hatoyama cũng bị chê trách là chần chừ, lưỡng lự trong việc xử lý dự án chuyển dời căn cứ Mỹ Futenma tại đảo Okinawa. Xin nhắc lại, WashingtonTokyo đã đạt thỏa thuận vào năm 2006, để dời căn cứ này đến một địa điểm thưa thớt dân cư tại một khu vực phía bắc đảo Okinawa.

Nhưng ông Hatoyama cho biết, muốn sửa đổi thỏa thuận trên để chuyển dời Futenma đến một nơi khác, có thể không còn trên đảo Okinawa. Vào tuần trước, Thủ tướng Hatoyama cho biết ông sẽ quyết định vào tháng 5/2010. Theo trang web "Nhật Bản ngày nay", 51% cử tri người Nhật không tán thành việc Thủ tướng trì hoãn quyết định về căn cứ Futenma. Trong khi đó, có đến 68% tỏ ra lo ngại cho quan hệ của Nhật Bản với Mỹ.

Ngoài ra, một vụ tai tiếng đã bùng nổ xung quanh những nghi vấn, theo đó, Thủ tướng Hatoyama đã khai man hàng triệu USD tiền tài trợ cho quỹ tranh cử của mình.

Theo kết quả một cuộc điều tra mới được công bố, chính người mẹ của ông đã chuyển số tiền rất lớn, có thể lên đến 4 triệu USD, vào quỹ tranh cử cho con trai mình. Cho dù Thủ tướng Hatoyama không bị buộc tội, nhưng nhiều cử tri vẫn hoài nghi. Theo báo trên mạng "Nhật Bản ngày nay", có đến 44% cho rằng Thủ tướng Hatoyama nên từ chức.

Trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Thủ tướng Hatoyama tuyên bố ông sẽ không từ chức, nhưng ông sẵn sàng ra đi, nếu đông đảo cử tri mong muốn. Liên quan tới vụ bê bối này, hai cựu thư ký của Thủ tướng Hatoyama đã bị khởi tố. Đó là ông Keiji Katsuba và ông Daisuke Haga. Cả hai nhân vật này đã từng làm trợ lý cho ông Hatoyama.

Ông Katsuba bị truy tố ngụy tạo giấy tờ. Theo Đài NHK của Nhật, ông bị nghi ngờ đã khai số tiền tài trợ gần 4 triệu USD, do gia đình ông Hatoyama đóng góp, thành khoản cả tài trợ của nhiều cá nhân, trong đó có một số người đã chết. Còn nhân vật thứ hai, ông Haga, cựu kế toán trưởng của ông Hatoyama thì bị truy tố với tội đã cẩu thả, để xảy ra những báo cáo sai lệch về các nguồn tài trợ.

Về phần mình, Thủ tướng Hatoyama khẳng định, ông không hề biết gì về các việc làm phi pháp kể trên. Vì không có bằng chứng về tham nhũng nên vấn đề mấu chốt hiện tại là liệu vị Thủ tướng nói thật hay không. Nếu đúng như ông Hatoyama đã tuyên bố thì chuyện này chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng nếu lại có bằng chứng rằng Thủ tướng che giấu sự thật thì chuyện nhỏ có thể trở thành đại sự, ảnh hưởng đến cả tương lai chính trị của ông.

Quan trọng hơn hết, trong thời gian tới chính phủ không có hành động mạnh mẽ hơn và hữu hiệu hơn để đối phó với nguy cơ giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực sự kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước và thành công với chương trình kích cầu thứ hai mới được tiến hành. Và dù xảy ra trường hợp nào thì xem ra đảng Dân chủ của ông Hatoyama trong cuộc bầu cử nghị viện giữa nhiệm kỳ sắp tới sẽ không còn được cử tri Nhật Bản tin cậy.

Tuy nhiên, thật không công bằng nếu chỉ nói tới những mặt chưa được của Thủ tướng Hatoyama sau 100 ngày cầm quyền. Theo AFP, ông Hatoyama cũng đã lập được thành tích trong 100 ngày qua. Ông đã ngăn chặn được tiến trình tư hữu hóa các dịch vụ bưu điện, đúng như cam kết lúc tranh cử.

Ông đã hủy bỏ nhiều dự án tốn kém của nhà nước, dùng số tiền tiết kiệm này chi tiêu cho các chương trình cải thiện dân sinh. Những dự án của chính phủ muốn cắt giảm các gói chi tiêu để giảm học phí, chăm sóc trẻ em, xây thêm nhà ở... được nhà kinh tế Noriko Hama thuộc Đại học Doshisha Business tại Kyoto đánh giá là một chương trình hành động rất tốt đẹp, cho dù bước khởi đầu đã gặp nhiều trắc trở và thiếu đồng bộ.

Ở đây cần phải nhắc lại, trách nhiệm của Thủ tướng Hatoyama không đơn giản, khi một mặt ông muốn cải tổ một guồng máy hành chính quan chức do các chính quyền tiền nhiệm đã xây dựng nhiều thập niên qua, và mặt khác, ông phải lèo lái liên minh của đảng Dân chủ với hai đảng nhỏ khác để chiếm đa số tại Thượng viện.

Cuộc bầu cử vào tháng 7/2010 tại Thượng viện chắc hẳn sẽ tạo ra bước tiến mới cho Thủ tướng Hatoyama, nếu đảng Dân chủ của ông chiếm đa số, và không còn nhờ vả vào hai đảng khác nữa. Từ đây đến đó, con đường của Thủ tướng Yukio Hatoyama còn rất nhiều chông gai.

Hôm 26/12 vừa qua, chính phủ trung tả Nhật Bản đã thông qua dự án ngân sách lên tới mức kỷ lục 92.300 tỉ yên, tương đương 704 tỉ euro, cho tài khóa từ tháng 4/2010 đến 3/2011. Thủ tướng Hatoyama tuyên bố chủ trương của chính phủ hiện nay là dùng công quỹ để kích cầu, phục vụ cho con người hơn là cho các chương trình xây dựng công cộng đủ hạng mục như các chính phủ trước. Riêng khoản chi trả nợ công lên tới 160 tỉ euro.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, với việc thông qua kế hoạch trên, Thủ tướng Hatoyama đã gây cho món nợ công - vốn đã tương đương gấp đôi GDP của Nhật Bản - nặng thêm với gần 300 tỉ euro. Cùng với hình ảnh hoen ố do những tai tiếng về tài trợ trong hoạt động chính trị, giờ đây Thủ tướng Hatoyama lại bị chỉ trích làm cho ngân sách thêm thâm thủng.

Trong khi đó, chính phủ trung tả vẫn chưa có một kế hoạch tái cấu trúc kinh tế mới tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm, phương cách duy nhất để giảm nhẹ nguồn nợ công

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.