Quan hệ Mỹ - Trung: Góc nhìn từ Washington

Thứ Tư, 25/02/2009, 12:55
Quả thật, người Mỹ đã "thay đổi" cách nhìn đối với Trung Quốc khi bước sang thế kỷ XXI. Trong mắt họ, Trung Quốc không phải là bạn, không phải là thù mà là đối tác và đối thủ. Mỹ coi quan hệ với Trung Quốc là quan trọng nhất trong số các quan hệ song phương với các quốc gia khác không phải vì Trung Quốc là đồng minh của họ.

Tân Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, một người phụ nữ đẹp, nổi tiếng không chỉ vì từng là Đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ mà còn vì "suýt nữa" trở thành Tổng thống Mỹ, đang ở thăm Trung Quốc, chặng dừng chân thứ tư trong chuyến đi mở đầu hoạt động ngoại giao của bà ở hải ngoại. Việc Trung Quốc được chọn là 1 trong 4 điểm đến của chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của bà Hillary Clinton trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ tất nhiên là sự tính toán có chủ ý của ngành ngoại giao nước Mỹ.

Người Mỹ cho rằng trong quan hệ quốc tế xuyên suốt thế kỷ XXI, không có mối quan hệ nào quan trọng như mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định điều đó khi ông tuyên bố "không có mối quan hệ giữa hai quốc gia nào quan trọng như quan hệ Mỹ - Trung". Thậm chí  có người còn  cho rằng "Thời đại G-2 Trung - Mỹ đã mở màn".

Vì sao mối quan hệ Mỹ - Trung, xét từ góc nhìn của người Mỹ, lại quan trọng như thế ?

Lịch sử quan hệ giữa hai "gã khổng lồ" này từ giữa thế kỷ XX đã trải qua nhiều bước thăng trầm, thậm chí còn có thời kỳ chìm trong băng giá. Suốt  gần 30 năm kể từ khi Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa được thành lập (tháng 10/1949), Mỹ không công nhận thể chế này, trong khi đó vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chỉ công nhận cái gọi là "Cộng hòa Trung Hoa" là "đại diện hợp pháp duy nhất" của toàn Trung Quốc, kể cả ở Liên Hiệp Quốc.

Không những thế, Mỹ còn khuyến khích các đồng minh của mình "không chơi" với CHND Trung Hoa, đồng thời hưởng ứng cuộc cấm vận của Washington chống Bắc Kinh. 

Một chương đen tối nữa được ghi nhận trong lịch sử quan hệ giữa hai nước khi họ đưa quân tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), song ở hai chiến tuyến đối đầu nhau mà thiệt hại xương máu và vật chất, từ cả hai phía, không phải là ít.

Trong quan hệ căng thẳng, thậm chí có lúc là thù địch như thế, nhưng họ vẫn không hoàn toàn quay lưng lại với nhau. Người ta đã "đếm" được tổng cộng có tới 136 cuộc gặp ở cấp đại sứ giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ cuộc đầu tiên ở Genèva năm 1954 đến cuộc cuối cùng ở Warsaw năm 1970. Như vậy, cả hai bên vẫn thấy cần nhau.

Khi cuộc xung đột biên giới Trung - Xô xảy ra năm 1969, Trung Quốc gần như bị cô lập về mặt ngoại giao. Đến khi đó, người Trung Quốc càng tin rằng sự cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ trở thành một đối trọng "hữu ích".

Và hai năm sau, vào ngày 10/4/1971, một đoàn vận động viên bóng bàn Mỹ đến thăm Trung Quốc theo lời mời của nước chủ nhà. Đây là những người Mỹ đầu tiên đến thăm chính thức CHND Trung Hoa kể từ khi nhà nước này ra đời.

Thế là lần đầu tiên, trong quan hệ quốc tế, xuất hiện khái niệm "ngoại giao bóng bàn" mà chính cú hích "ngoại giao bóng bàn" này đã mở đường cho một loạt sự kiện tiếp theo thể hiện nỗ lực "phá băng" từ cả hai phía.

Đó là hai chuyến đi bí mật của Henry Kissinger đến Bắc Kinh năm 1971 để chuẩn bị cho chuyến thăm được giới báo chí phương Tây mô tả là "mang tính đột phá" của Tổng thống Mỹ Nixon từ ngày 21 đến 28/2/1972 mà khi kết thúc hai bên đã ra "Thông cáo chung Thượng Hải", một văn kiện gây nhiều phản ứng khác nhau trong cộng đồng quốc tế. Nhưng rồi, cũng phải mất 7 năm nữa, đến ngày 1/1/1979, hai nước mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, quan hệ Trung - Mỹ vẫn không hoàn toàn "xuôi chèo mát mái", thậm chí có lúc căng như dây đàn, ngay cả khi Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Vụ máy bay NATO ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrad tháng 5/1999 và gần 2 năm sau, tháng 4/2001, vụ chiếc máy bay do thám EP-3 của Mỹ bị một chiến đấu cơ phản lực J-8 của Trung Quốc ép hạ cánh xuống đảo Hải Nam khi chiếc EP-3 bị cho là xâm phạm không phận phía nam của Trung Quốc là những ví dụ minh chứng cho nhận định trên đây, chưa kể một vài động thái được coi là sự chọc giận của chú Sam đối với "gấu trúc" Trung Quốc như công kích vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo hoặc phản ứng có phần gay gắt trước một số sự kiện xảy ra ở Trung Quốc (vụ Thiên An Môn năm 1986, vụ lộn xộn ở Tây Tạng năm 2008...).

Chính sự kiện gây chấn động thế giới - nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 - lại là dấu mốc mà người ta coi là "đáng nhớ" trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhiều nhà quan sát đã ghi nhận sự chuyển biến nhanh chóng trong quan hệ giữa hai nước sau sự kiện đó.

Trung Quốc lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động, bỏ phiếu tán thành Nghị quyết 1373 của HĐBA Liên Hiệp Quốc (nghị quyết thông qua các biện pháp chống khủng bố), công khai ủng hộ chiến dịch của các lực lượng liên minh tại Afghanistan và đã đóng góp 150 triệu USD cho công cuộc tái thiết đất nước này sau khi chế độ Taliban bị lật đổ.

Không lâu sau sự kiện 11/9, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc đối thoại chống khủng bố mà vòng ba của cuộc đối thoại này được tổ chức tại Bắc Kinh, tháng 2/2003.

Tuy nhiên, những động thái trên chỉ mang tính sách lược, không phải là phần "lõi" trong quan hệ Trung - Mỹ.

Sau 30 năm kể từ ngày hai nước thiết hệ quan hệ ngoại giao, mối quan hệ của họ giờ đây được đánh giá là "không thể tưởng tượng được" nếu là cách đây hai thế hệ.

Quả thật, người Mỹ đã "thay đổi" cách nhìn đối với Trung Quốc khi bước sang thế kỷ XXI. Trong mắt họ, Trung Quốc không phải là bạn, không phải là thù mà là đối tác và đối thủ. Mỹ coi quan hệ với Trung Quốc là quan trọng nhất trong số các quan hệ song phương với các quốc gia khác không phải vì Trung Quốc là đồng minh của họ.

Người Mỹ được coi là có đầu óc thực tế. Theo tính toán của họ, Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy mà sự phát triển của Trung Quốc sẽ trực tiếp làm thay đổi cuộc sống của 1/5 dân số trên trái đất và có tác động đến hàng tỉ người khác. 

Xét về lợi ích kinh tế, không chơi với một Trung Quốc khổng lồ đầy tiềm năng phát  triển với những thị trường và cơ hội đầu tư béo bở rõ ràng là không khôn ngoan. Vì vậy, người Mỹ coi Trung Quốc là một đối tác cực kỳ quan trọng.

(Các công ty của Mỹ đã đạt được thỏa thuận thành lập hơn 20.000 xí nghiệp liên doanh và xí nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc; hơn 100 công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ đã có dự án tại Trung Quốc với số vốn đầu tư đạt tới 48 tỉ USD; giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc tăng từ 33 tỉ USD năm 1992 lên 230 tỉ năm 2004).

Mặt khác, sự trỗi dậy của Trung Quốc mà người ta dự báo là có thể đuổi kịp Mỹ và thậm chí còn đe dọa vị trí siêu cường số 1 của Mỹ vào giữa thế kỷ này, lại là mối lo tiềm tàng của người Mỹ. Và cũng vì vậy, Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Mỹ.

Phải làm gì với Trung Quốc? Đó đã và đang là câu hỏi làm đau đầu nhiều nhà hoạch định chiến lược của Mỹ.

Theo một số nhà phân tích, việc Washington chủ trương điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc theo hướng hợp tác và cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hóa của  một "thế giới phẳng" là sự lựa chọn hợp lý. Một tài liệu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) viết rằng: "Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc phải nhằm vào việc tạo ra và tranh thủ các cơ hội để xây dựng những lợi ích chung".

Mặc dù vậy, người Mỹ vẫn cảnh cáo rằng,  họ "sẽ không nhắm mắt trước những thách thức về kinh tế, chính trị và an ninh mà sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra", và rằng "bất kỳ hành vi gây sự nào từ phía Trung Quốc cũng sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ".

Dư luận thế giới đang chờ xem chính quyền của tân Tổng thống Barack Obama sẽ điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc như thế nào mà chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hillary Clinton mới chỉ là khúc dạo đầu. Con đường phía trước còn rất dài

Nguyễn Quốc Uy
.
.