Quốc tế tìm cách cứu vãn tình hình Liban

Thứ Năm, 23/11/2017, 20:45
Tình hình chính trị tại Liban tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng khi thủ tướng nước này chưa chịu về nước giữa lúc những tranh cãi liên quan tiếp tục leo thang. Cộng đồng quốc tế do Pháp dẫn đầu đang kêu gọi tìm cách giảm nhiệt căng thẳng cho tình hình Liban.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Liban nổ ra khi Thủ tướng Saad Hariri ngày 4-11 bất ngờ thông báo từ chức từ Arab Saudi, tố cáo Iran “can thiệp” vào Liban và đe dọa tính mạng ông này.

Ngày 17-11, ông Hariri rời Arab Saudi tới Pháp, theo lời mời của Tổng thống Macron, nhằm tìm giải pháp đối phó với nguy cơ khủng hoảng chính trị trầm trọng tại quốc gia Trung Đông này. Tại Paris, ông Hariri có cuộc hội đàm với ông Macron, người đã đề nghị giúp ông Hariri giải quyết vai trò của ông trong những diễn biến chính trị kịch tính và kỳ quặc ở Liban.

Chuyến thăm của ông Hariri rõ ràng đánh dấu một bước đột phá về ngoại giao đối với vị Tổng thống Pháp 39 tuổi và nỗ lực rộng lớn hơn của ông nhằm tái khẳng định vị thế của Pháp trên trường quốc tế. Nỗ lực này bao gồm Trung Đông, nơi mà ông Macron vừa có chuyến thăm bất ngờ tới Arab Saudi vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng liên quan tới ông Hariri, sau khi khánh thành viện bảo tàng Louvre mới ở Abu Dhabi.

Theo Le Monde, đối với ngành ngoại giao Pháp, vắng mặt từ lâu tại Trung Đông, việc đưa ông Hariri ra khỏi Arab Saudi là một thành công. Ý tưởng của Paris đã giúp đưa Thủ tướng Liban khỏi một tình huống tế nhị, mà vẫn mở một cánh cửa cho Riyad tự đưa mình vào tình huống khó xử.

Tổng thống Pháp không ngừng đề cao ý muốn “đối thoại với tất cả mọi người” và cố đóng vai trò trung gian quốc tế. Một vai trò mà Pháp đã từng đảm nhiệm tại thế giới Arab Hồi giáo, nơi Pháp duy trì quan hệ với tất cả các nhân tố có trọng lượng, kể cả với Iran và phong trào Hezbollah thân Tehran.

Với hai sáng kiến trong vùng về Libya và Syria, được người đứng đầu nhà nước Pháp từng đưa ra, nhưng không mang lại kết quả, “sự kiện Saad Hariri đến Paris đánh dấu sự quay trở lại của ngành ngoại giao Pháp tại Trung Đông”, theo đánh giá của giáo sư Ali Mourad tại Đại học Beyrouth. Sự đột phá này có được là nhờ quan hệ thân mật của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian với rất nhiều lãnh đạo trong vùng được ông xây dựng trong 5 năm làm Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Francois Hollande.

Sau cuộc gặp tại Paris với Thủ tướng Liban Saad al-Hariri, ngày 19-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới để bàn về căng thẳng chính trị hiện nay tại Liban. Theo Điện Élysée, ông Macron đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump; Tổng thống Liban Michel Aoun; Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi; Thái tử Arab Saudi Mohamed bin Salman và với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

Thủ tướng Liban Saad Hariri được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp tại Điện Elysée.

Mục đích của các cuộc điện đàm này là nhằm tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo thế giới về tình hình Liban. Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Israel cho hay: “Tổng thống Macron đã thông báo cho Thủ tướng Netanyahu về những biện pháp ông sẽ tiến hành nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Liban”. Hai nhà lãnh đạo cũng quyết định tiến hành thêm các cuộc điện đàm trong những ngày tới và sẽ hội đàm tại Paris vào đầu tháng 12 tới.

Liên quan tới những đối tác chính trong cuộc khủng hoảng Liban, ngày 20-11, Iran đã bác bỏ tuyên bố chung của cuộc họp khẩn giữa các ngoại trưởng các nước Liên đoàn Arab (AL), trong đó lên án hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Tehran. Còn trong tuyên bố chung sau cuộc họp khẩn ngày 19-11, ngoại trưởng các nước AL đã lên án hành động gây hấn của Iran trong khu vực. 

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Liban Ashraf Rifi cho rằng Liban có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ các quốc gia Arab nếu phong trào Hezbollah không chấm dứt hành động can thiệp vào các cuộc xung đột trong khu vực. Cũng theo ông Rifi, Arab Saudi và các đồng minh Arab đã lên kế hoạch nhằm loại bỏ Hezbollah ra khỏi chính phủ tương lai của Liban, nếu phong trào này tiếp tục là một lực lượng quân sự và an ninh của Iran.

Một số nguồn tin cho rằng các lệnh trừng phạt tiềm tàng mà các nước Arab có thể áp dụng chống lại Liban bao gồm cấm bay, ngừng cấp thị thực cho công dân Liban, ngừng xuất hàng hóa vào thị trường quốc gia Trung Đông này, cũng như cấm chuyển kiều hối về nước. Ước tính có khoảng 400.000 lao động Liban đang làm việc tại Vùng Vịnh và kiều hối từ khu vực này là nguồn tiền mặt rất quan trọng để duy trì nền kinh tế cũng như hoạt động của chính phủ vốn đang ngập sâu trong nợ nần của Liban.

Thông tấn xã nhà nước Liban cho biết ngày 17-11 ông Hariri đã gọi điện thoại cho Tổng thống Liban Michel Aoun để nói rằng ông sẽ quay trở lại Liban vào tuần sau để tham dự lễ kỷ niệm Ngày Độc lập (22-11).

Giới quan sát nhận định chắc là ông Hariri sẽ tái khẳng định việc từ nhiệm, bởi vì nếu ông không làm như vậy thì có nghĩa là Arab Saudi đã buộc ông phải từ chức. Vậy thì tình hình sắp tới sẽ ra sao? Về điểm này, có rất nhiều câu hỏi và hiếm có câu trả lời. Tuy nhiên, một vài chỉ dấu có thể giúp hiểu rõ hơn tâm trạng của vị thủ tướng. Trước tiên, tất cả những người thân cận và cố vấn của ông, những người đã tới Paris gặp ông, đều ủng hộ giải pháp ôn hòa và không muốn công khai đối đầu với lực lượng Hezbollah.

Một chỉ dấu khác, trước những người đến gặp ông tại Paris, ông Hariri dường như đã không ngớt lời ca ngợi Tổng thống Liban Michel Aoun, trong khi nguyên thủ Liban chính thức lên án Arab Saudi kìm giữ Thủ tướng Hariri. Và những cáo buộc này đã làm dấy lên một chiến dịch chỉ trích mạnh mẽ trên truyền thông Arab Saudi.

Chắc chắn là ông Hariri đang tìm kiếm một giải pháp trung dung để làm dịu cơn giận dữ của Riyad, đồng thời vẫn giữ gìn được sự ổn định cho Liban. Những người lạc quan cho rằng đó là một sứ mệnh khó khăn, còn đối với những người bi quan nhất thì đó là nhiệm vụ bất khả thi.

M.T. (tổng hợp)
.
.