Quyền lực chính trị tới từ… sách và microphone

Thứ Tư, 25/12/2013, 15:30

Mark Levin, người dẫn chương trình radio nổi tiếng của Mỹ, bắt đầu được truyền thông đặc biệt chú ý khi xuất hiện không ít các nguồn tin cho rằng ông hiểu căn nguyên của việc đảng Cộng hòa đang bị mất ưu thế nghiêm trọng trước đối thủ Dân chủ, cùng nhiều chỉ trích hướng về cả hai đảng. Chính khách "khéo ăn nói" đã phản đối gay gắt luật cải cách y tế Obamacare, thường xuyên bênh vực đảng Cộng hòa khiến dư luận cho rằng ông đang âm thầm tiến hành những mưu đồ chính trị nào đó.

Mark Levin thích viết về chính trị, và chưa từng có ý định rời bỏ chính trường. Trang Facebook cá nhân của ông tràn ngập hình ảnh về sách - tâm huyết gần nửa đời người làm nghị sĩ, và những sẻ chia về hoạt động dẫn chương trình radio rất thành công. Ông đưa học vấn uyên bác vào các tác phẩm, đề cao giá trị cá nhân và mới đây nhận được đề cử là “một trong những nhà lập pháp hàng đầu nước Mỹ” - cho dù Levin chỉ đơn thuần viết, phân tích và góp ý sửa đổi hiến pháp các thời kỳ của Mỹ.

Một sự nghiệp vững chắc ở Washington

Mark Levin tốt nghiệp Đại học Temple ở Philadelphia năm 19 tuổi, và nhận bằng cử nhân luật tại Trường luật Temple vài năm sau đó. Ông chịu ảnh hưởng cá tính bảo thủ sâu sắc từ cả cha lẫn mẹ, và nuôi mộng thoát khỏi Philadelphia, đi tìm chân trời mới để lập nghiệp. Cá tính mạnh mẽ và tham vọng chính trị cũng sớm bộc lộ khi Levin vẫn còn ở trường đại học. Ông tham gia nhiệt tình các phong trào sinh viên, giành được một ghế trong hội đồng sinh viên của trường.

Levin thành lập Ủy ban hạn chế thuế, ủng hộ chính sách giảm thuế nhằm bảo vệ quyền lợi người dân. Con người này ham học hỏi, tính tò mò nên muốn "hóng" mọi chuyện trên chính trường và sẵn sàng lao vào tranh luận tới cùng bằng lý lẽ sắc bén, phảng phất dáng dấp một vị giáo sư đại học.

Năm 1976, ông đi theo phe cánh của Ronald Reagan, tham gia chiến dịch tranh cử và giúp tấn công đối thủ bấy giờ là Tổng thống Gerald Ford, đưa Reagan lên nắm chính quyền vào năm 1981. Levin sau đó được Reagan đưa vào Nhà Trắng, lần lượt làm việc tại Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Phòng nhân sự tổng thống và cuối cùng đảm nhiệm chức tham mưu trưởng Bộ Tư pháp. Ông quyết định chuyển tới sinh sống tại Washington, và một sự nghiệp cũng bắt đầu từ đây.

Mark Levin cũng được biết tới với vai trò lãnh đạo nhóm LLF, nổi tiếng khi công khai ủng hộ Paula Jones khởi kiện Tổng thống Bill Clinton vì tội quấy rối tình dục giai đoạn những năm 90. Levin trở thành "gián điệp", chuyên đi “vạch lá tìm sâu” ở một vài tổ chức lớn như Hiệp hội giáo dục quốc gia, Ủy ban Dân chủ và những hoạt động của phe cánh tả.

Vốn là một người yêu thích các chương trình phát thanh, Mark Levin tận dụng mọi cơ hội để viết thư cho Rush Limbaugh, bấy giờ là người dẫn một chương trình tọa đàm chính trị trên sóng phát thanh Mỹ. Ông yêu cầu Limbaugh đưa lên sóng những vấn đề chính trị nhạy cảm, đôi khi là công kích phe Dân chủ để lấy lại danh dự cho phe Cộng hòa. Ông thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp về cách triển khai và đưa sự kiện nóng hổi nhất, từ đó cộng tác với Limbaugh tạo nên những bản tin toàn cảnh hấp dẫn và chất lượng.

Chẳng thế mà Levin được mệnh danh là cố vấn pháp lý của Reagan, dù đây chỉ là một vị trí hư cấu do người hâm mộ phong tặng cho ông. Và đây cũng là cơ duyên đưa đẩy Levin tới vai trò dẫn chương trình trên radio sau này.

Mark Levin và chương trình độc quyền The Mark Levin Show.

Limbaugh thường xuyên mời Levin làm khách tại các cuộc tọa đàm chính trị, đặc biệt là sau dư chấn từ vụ bê bối tình dục giữa Monica Lewinsky và cựu Tổng thống Bill Clinton. Levin trở thành trọng tâm bị khai thác thông tin vì làm việc trong Nhà Trắng, khiến ông phải liên tục đề cập tới các vấn đề pháp lý xung quanh vụ ầm ĩ này.

Sean Hannity, một người bạn của Limbaugh, đã nhanh chóng chú ý tới Mark Levin, đặt cho ông tên gọi "anh chàng đa tài" vốn thường được mọi người nhắc tới trong các cuộc nói chuyện với Levin. Hannity là người dẫn chương trình tin tức rất nổi tiếng, đã đề nghị Mark Levin thay thế vị trí của ông khi có việc bận, mở ra trải nghiệm hoàn toàn mới cho một Levin đang ngập chìm trong công việc chính trị ở Nhà Trắng.

Tầm hiểu biết rộng cùng tài ăn nói giúp Levin chiếm được thiện cảm của dư luận. Và giám đốc sản xuất của Sean Hennity đã đề nghị Levin phát triển một chương trình của riêng ông trên kênh WABC, phát sóng tại New York vào chủ nhật hàng tuần. Nhưng vấn đề là: Levin sẽ phải làm không công!

Levin gây bất ngờ khi nhận lời, và làm không lương trong 14 tháng. Ông đã tìm thấy niềm vui mới, tuyên bố sẽ cạnh tranh với đối thủ Michael Savage, một người dẫn chương trình nổi tiếng khác lúc đó trên kênh WABC. "Ngựa non háu đá" khiến Savage cảm thấy nực cười, vì kinh nghiệm của ông hơn hẳn "kẻ ngoại đạo" Levin. Nhưng lại một lần nữa, vận may mỉm cười với Mark Levin khi ông "cướp" một lượng lớn khán giả của Savage. Và sự ra đời của chương trình Mark Levin Show đánh dấu một khởi đầu hoàn toàn mới, khi sau đó ông quyết định rời bỏ Nhà Trắng.

Không ưa Obamacare

Năm 2009, khi cuộc tranh cãi về luật cải cách y tế (Obamacare) bùng nổ, chính Levin đã dẫn đầu một nhóm các đảng viên Cộng hòa phản đối quyết sách của phe Dân chủ, lợi dụng ảnh hưởng truyền thông đưa ra các phân tích về mức độ nguy hiểm của "nền y tế bị xã hội hóa". Bài viết của Levin tràn ngập khắp mọi nơi, từ trang web cá nhân cho tới các diễn đàn chính trị, khẩn cầu dư luận suy nghĩ lại và ủng hộ ý kiến tạm dừng luật Obamacare. Cho tới phút chót, không có một đảng viên Cộng hòa nào bỏ phiếu thuận cho dự luật này.

Levin tìm cách truyền động lực, tăng sự hiểu biết chính trị để mọi người đặt niềm tin vào mình. Quan điểm của ông về Obamacare rất rõ ràng: khi đã triển khai sẽ gây xáo trộn, khiến người dân bị lệ thuộc vào chính phủ quá nhiều, từ đó dần đánh mất bản chất tự lực của chính con người Mỹ.--PageBreak--

Sự việc chính phủ đóng cửa vì vấn đề ngân sách mới đây càng khiến Mark Levin phẫn nộ. Theo đó, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) do không được cấp thêm ngân sách nên đã quyết định tạm dừng thử nghiệm một loại thuốc mới trị bệnh ung thư. Người nghe hẳn phải "choáng" khi Levin gào thét tên Tổng thống Barack Obama trên radio: "Ông ta (Obama) có quyền thay đổi hiến pháp, ban hành mọi nghị quyết, chính sách làm lợi cho bản thân trên phương diện chính trị và kinh tế, lôi kéo bè lũ và dìm ảnh hưởng của đảng Cộng hòa. Nhưng giờ đây lại thản nhiên bỏ mặc 200 đứa trẻ đáng thương bị ung thư dày vò. Obama, ông đang ở đâu? Và ông đang làm cái gì với chính phủ vậy?".

Levin là người vốn tin vào chủ nghĩa cá nhân, ý chí tự cường và xây dựng cộng đồng xã hội lấy con người làm trung tâm. Ông cũng cho rằng, những thay đổi tương tự kiểu Obamacare phần lớn chưa thực sự đem lại hiệu quả lớn trong công tác nâng cao chất lượng cuộc sống, thậm chí còn tạo ra những vấn đề nan giải khác. Bởi vậy, khi xã hội đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, chỉ nên đặt niềm tin vào những quyết sách có hiệu quả trước đó, tránh mạo hiểm cùng bất cứ một ý tưởng mới nào.

Chỉ báo cho những tham vọng chính trị

Sự nghiệp dẫn chương trình đã giúp Mark Levin tiếp tục gây ảnh hưởng nhờ viết sách. Cuốn sách "Tự do và chuyên chế" năm 2009 của ông giữ vị trí bán chạy nhất 12 tuần liên tiếp theo xếp hạng của tờ New York Times, trong khi "Cải tổ tự do" - tác phẩm mới nhất Levin tự viết về chính trường Mỹ - cũng đang dẫn đầu trong danh sách ưa thích của độc giả.

Ở bất cứ hoàn cảnh nào, Levin có xu hướng ủng hộ phe Cộng hòa, cho rằng "kẻ thù" Dân chủ đang lấn lướt trong chính quyền. Nếu như đảng Dân chủ chuyên quyền, độc đoán, thì đảng Cộng hòa yếu ớt đang đấu tranh để đòi quyền tự quyết chương trình nghị sự, chẳng khác nào một kẻ phản động. "Thế nên chính trường mới sôi động, và có nhiều thứ để dư luận đánh giá. Và khi ông Obama không phát huy được vai trò của mình thì nên rút lui, nhường lại cho các đồng nghiệp Cộng hòa", Levin cho biết.

Tất nhiên, Levin cũng có nhiều kẻ không ưa, đa phần tới từ đảng Dân chủ. Họ đều có chung nhận định các cuốn sách của ông đều "dở tệ, lố bịch và rời rạc trong lập luận". Mark Levin chỉ ăn may nhờ các chương trình radio, với tài khua môi múa mép chứ thực tế kiến thức chẳng có là bao. Có nghị sĩ gọi ông là "thảm họa viết sách", không hiểu gì về chính trị hay triết học, luôn dựa hơi người khác để thăng tiến.

Những cuốn sách chính trị của Levin cho thấy ông có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa yếu thế và quan ngại trước sự lớn mạnh của đảng Dân chủ.

Mark Levin là một sản phẩm phóng đại của truyền thông? Cho tới bây giờ vẫn chưa có ai dám khẳng định câu trả lời thỏa đáng. Levin phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng ông chỉ là một anh hề chuyên diễn trò mua vui cho chính quyền, và phát ngôn thiếu kiểm soát. "Tôi rất quan tâm tới các vấn đề chính trị hiện tại, và đưa ra quan điểm được nhiều người tán thành với mong muốn duy nhất: cải thiện hoạt động bộ máy chính quyền".

Levin trở nên nổi tiếng vì dám lên tiếng phản đối đạo luật Obamacare, và đưa mọi tranh cãi lên sóng radio phủ khắp nước Mỹ. Tầm ảnh hưởng của Levin rộng tới mức đã tạo nên một liên minh với nghị sĩ Ted Cruz - người vốn rất ghét các chính sách của Obamacare. Hiện tại, Ted Cruz phải nương nhờ ảnh hưởng của Mark Levin để duy trì vị thế trong Thượng viện, để được người dẫn trên radio ủng hộ và nói tốt trong một số cuộc tọa đàm. Trong các bức email liên lạc, Ted Cruz nhận Levin là “một người bạn chân thành và nhà yêu nước chân chính”.

Từng có thời điểm Mark Levin chỉ trích sự yếu thế của đảng Cộng hòa, và ngụ ý muốn tranh cử để lên nắm quyền cao nhất. Levin chỉ đích danh từng lãnh đạo của đảng, điểm mạnh - yếu của họ. Ông chê trách phe Cộng hòa thiếu hiểu biết, tự tin và năng lực đề xuất ý kiến, để đảng Dân chủ lấn lướt hoàn toàn. "Tôi không biết tại sao đảng Cộng hòa lại yếu thế tới vậy. Hiện nay họ đang làm gì trong Quốc hội? Tôi nghe họ nói nhiều điều hay, nhưng chưa thực hiện được là bao", Levin chia sẻ với phóng viên tờ The Dailybeast.

Đồng nghiệp nhận xét Mark Levin là con người kỳ lạ, sẵn sàng ủng hộ bất cứ nghị sĩ có cá tính bảo thủ nào ông tin tưởng bằng trực giác cá nhân. Ông có thừa hiểu biết để phán xét về hoạt động của bộ máy chính quyền, đủ can đảm để nói ra suy nghĩ, phớt lờ mọi lời đàm tiếu dư luận. "Quyền lực" của Levin chính là chiếc microphone (khi dẫn chương trình), những cuốn sách, kinh nghiệm chính trường khi còn ở Nhà Trắng và một chất giọng truyền cảm hứng, khiến nhiều cá nhân hy vọng ông sẽ lên lãnh đạo đảng Cộng hòa trong nay mai.

Nhưng cho tới bây giờ, ông vẫn không có bất cứ động thái mới nào, mà vẫn an nhàn với công việc dẫn chương trình radio và viết sách. Điều này xuất phát từ cá tính rụt rè hiếm khi Levin bộc lộ, và nỗi sợ tranh quyền đoạt vị ông từng chứng kiến khi làm việc tại Nhà Trắng trước đây. Một sự mâu thuẫn khó giải thích bên trong con người Levin, mà cũng có thể là chiếc mặt nạ che chắn những tham vọng chính trị chưa thể tiết lộ của nhân vật này…

Anh Doãn (theo The Dailybeast)
.
.