Quyền thủ tướng Israel Ehud Olmert: Nếu có lợi, sẽ ôn hòa

Thứ Tư, 11/01/2006, 10:06

Mặc dầu ông Ariel Sharon vẫn có thể bảo toàn mạng sống sau cơn đột qụy ngày 4/1, chắc chắn ông sẽ khó có thể tiếp tục thực hiện chức trách Thủ tướng của mình. Điều này sẽ càng giúp cho Quyền Thủ tướng Israel Ehud Olmert có thêm điều kiện trở thành một yếu nhân trên chính trường Trung Đông.

Ông Olmert sinh ngày 30/9/1945, trong tầng lớp được coi là "quý tộc" của cộng đồng Do Thái theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa. Ông từng tốt nghiệp Khoa Luật tại Trường Đại học Tổng hợp Hebrew ở Jerusalem và sau đó có thời gian trực tiếp hành nghề luật sư. Năm 1973, trong đội ngũ đảng Licud, ông Olmert đắc cử Nghị sĩ quốc hội. 15 năm sau (1988), lần đầu tiên ông có chân trong nội các Israel.

Với tư cách chính khách, ông Olmert được tiếng là một người khéo léo, thông minh và rất thực tế. Ông biết cách tự điều chỉnh các quan niệm của mình để đáp ứng những thay đổi của thời cuộc và vì thế, đã tránh được căn bệnh "giáo điều chủ nghĩa sion" vốn là đặc tính của không ít chính trị gia cánh hữu ở Israel.

Năm 1993, ông Olmert được bầu làm Thị trưởng thành phố Jerusalem mà cả người Do Thái lẫn người Palestine từ lâu đều muốn biến thành thủ đô của mình. Trong trên một thập niên nắm quyền quản lý Jerusalem, ông Olmert đã sớm nhìn ra sự vô ích của thái độ cực đoan trong cách xác lập chủ quyền đối với thành phố thiêng liêng này và đã không nhất nhất tuân thủ lối tư duy Đại Israel như cũ (theo lối tư duy này, lãnh thổ của quốc gia Do Thái phải bao gồm cả khu Bờ Tây và dải Gaza).

Theo AP, dần dà ông Olmert đã từ bỏ quan niệm cho rằng Israel có thể giữ lại tất cả các vùng đất của người Arab ở Đông Jerusalem mà người Do Thái đã chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập vào Jerusalem. Tuy nhiên, ông cũng phản đối việc trao lại cho người Palestine tất cả khu vực phía Đông Jerusalem, đặc biệt là phần đô thị cổ có các thành địa của đạo Do Thái, đạo Hồi và đạo Cơ đốc. Chính ông Olmert đã góp tay vào việc hoạch định tuyến hàng rào chia cắt Bờ Tây với đại bộ phận khu vực Đông Jerusalem.

Trong thời gian gần đây, ông Olmert rất được Thủ tướng Sharon tin dùng. Chính ông là người được ông Sharon trong 4 năm qua giao cho nhiệm vụ đưa ra trước công luận nhiều đề xuất mà sau đó đã trở thành chính sách của nội các Israel. Theo một số nhà quan sát, chính dưới tác động của ông Olmert mà ông Sharon đã bất ngờ chuyển sang một lập trường ôn hòa hơn trong quan hệ với Palestine và quyết định rút các đơn vị quân đội cũng như những người định cư Do Thái khỏi một phần Bờ Tây và dải Gaza tháng 9 năm ngoái.

Quyết định đó, như tất cả đều biết, đã góp phần quyết định để tiến trình hòa bình Trung Đông khỏi lâm vào ngõ cụt sau hơn 5 năm binh lửa triền miên. Và như một hệ lụy tất yếu, quyết định đó đã khiến cho các phần tử máu nóng ở trong cả hai cộng đồng dân tộc trở nên tức tối. Rốt cuộc là ông Sharon đã phải rời bỏ đảng Licud để lập ra chính đảng mới Kadima để "tham chiến" trong cuộc bầu cử quốc hội mới dự định sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tới.

Những dự đoán của giới chuyên môn cho rằng, hiện nay, cơ hội của Kadima giành đa số ghế trong quốc hội Israel có vẻ lớn hơn của Licud và đảng Lao động, bất chấp việc ông Olmert hay người nào đó khác sẽ làm thủ lĩnh dẫn dắt Kadima. Và trong trường hợp này, ông Olmert có thể trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng Israel.

Các nhà quan sát cho rằng, với tính thực tế và "biết điều" của mình, trên cương vị đứng đầu nội các Do Thái, ông Olmert có thể đạt được một thỏa thuận nào đó với người Palestine nhằm làm giảm bớt mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên.

Hãng AP đã dẫn lời nhận xét của một người từng biết ông Olmert từ lâu như sau: "Olmert là một luật sư sắc sảo và là một người rất thực dụng. Nếu người Palestine có thể đem lại sự ổn định thì ông ấy sẽ sẵn sàng trao trả lại đất đai và khiến cho cả thế giới phải ngạc nhiên vì thái độ ôn hòa của mình"

Phan Thúy Binh
.
.