Rạn nứt quan hệ Mỹ - Philippines

Thứ Ba, 13/09/2016, 14:15
Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bày tỏ hối tiếc và bày tỏ mong muốn giải quyết những bất đồng nảy sinh ngoài những ưu tiên và quan điểm quốc gia sau những lời lẽ xúc phạm Tổng thống Obama trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới tại Viêng Chăn (Lào), song giới phân tích nhận định những phát biểu được xem là thiếu suy nghĩ này đã phủ bóng lên những nỗ lực của Washington trong việc thúc đẩy các mối quan hệ với các đồng minh châu Á, trong đó có Manila.

Vốn "nổi tiếng" với những phát ngôn gây sốc, song không ai có thể nghĩ rằng Tổng thống Rodrigo Duterte lại chọc giận người đứng đầu Nhà Trắng, vốn luôn được coi là đối tác, đồng minh quan trọng nhất của Philippines. Những lời thóa mạ thô lỗ nhằm vào Tổng thống Brack Obama không những khiến dư luận bức xúc mà còn khiến cho Tổng thống Duterte ngay lập tức phải gánh hậu quả đó là mất đi cuộc họp quan trọng với ông chủ Nhà Trắng vốn đã được lên kế hoạch từ trước.

Mặc dù sau đó ông Duterte tỏ ý hối tiếc và người phát ngôn của chính quyền Tổng thống Duterte cũng cho biết Manila tiếp tục coi trọng giá trị của liên minh Philippines - Mỹ, song những phát ngôn quá lố của ông Duterte chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên mối quan hệ đối tác này, đặc biệt trong bối cảnh hai bên đang có nỗ lực chung nhằm ngăn chặn sự bành trướng đáng quan ngại trên Biển Đông của Trung Quốc.

Philippines là quốc gia hưởng lợi chủ yếu từ viện trợ của Mỹ khi Tổng thống Obama nỗ lực thắt chặt các mối quan hệ của Washington với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có kế hoạch triển khai quân Mỹ tới Philippines lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua theo các điều khoản của Hiệp ước Quốc phòng 2014. Một số chuyên gia nhận định bất đồng mới này khó có thể trì hoãn kế hoạch triển khai quân của Mỹ tới Philippines.

Giới phân tích cho rằng dù tính khí thất thường của ông Duterte có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines trở nên phức tạp hơn nhưng Mỹ cũng sẽ phải cân nhắc rất kỹ nếu muốn gạt bỏ mối quan hệ này. Bởi lẽ Philippines luôn đóng vai trò trung tâm trong chính sách xoay trục của Mỹ tại châu Á cũng như trong việc ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte.

Trước khi xảy ra sự cố ngoại giao của ông Duterte, Mỹ và Philippines từng ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng trong đó, Philippines chấp thuận cho Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự của nước này tạo điều kiện cho Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Tuy nhiên, đáng chú ý là những căng thẳng giữa Mỹ với Philippines lại trái ngược với nỗ lực rõ ràng từ phía ông Duterte nhằm cải thiện các mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc. Trong khi Chính quyền của ông Duterte đang nỗ lực định hình một chính sách đối ngoại kiên định, họ cũng nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ với Trung Quốc, vốn đã trở nên xấu đi kể từ khi người tiền nhiệm của ông Duterte đưa Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) năm 2013 liên quan tới tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Phán quyết của Tòa Trọng tài nghiêng về phía Philippines hồi tháng 7/2016 đã giáng một đòn mạnh vào tuyên bố chủ quyền thái quá của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Duterte cũng tuyên bố không đưa vấn đề này ra trước Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), một hành động ngoại giao mà giới chuyên gia cho rằng "giảm leo thang các căng thẳng trên biển với Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Duterte".

Tuy nhiên, nghịch lý là bất kỳ một sự sứt mẻ nào trong các mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines tạo ra sự nghi ngờ tại Washington về cam kết bảo vệ Manila cũng sẽ có thể khiến Bắc Kinh ít có thiện chí đàm phán hơn với Philippines về vấn đề Biển Đông.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.