Romano Prodi - “ngài giáo sư” hai lần làm Thủ tướng Italia

Chủ Nhật, 30/07/2006, 08:45

Có lẽ trong số những người đứng đầu Chính phủ Italia trong vòng 3 thập niên trở lại đây, không ai chiếm được cảm tình của dân chúng Italia và người dân Liên minh châu Âu (EU) bằng đương nhiệm Thủ tướng Italia Romano Prodi.

Nếu như Giulio Andreotti (Thủ tướng nhiều nhiệm kỳ từ năm 1978 - 1994) là một người kín kẽ và xa cách thì Thủ tướng Silvio Berlusconi lại là người tự đắc. Chính thái độ điềm tĩnh, bình dị nhưng quyết đoán đã khiến uy tín của Romano Prodi tăng cao trong lòng người dân Italia. Vì vậy chẳng lạ gì khi mọi người gọi ông với cái tên thân mật là “ngài giáo sư”.

Sinh ngày 9/8/1939 tại thành phố Bologne, ông Romano Prodi là con thứ 8 trong một gia đình có cha là kỹ sư và mẹ là giáo viên. Từ nhỏ, Prodi là một học sinh chăm chỉ và học rất giỏi. Năm 17 tuổi, chính kết quả tốt nghiệp trung học hạng ưu đã giúp cho Prodi được bầu làm học sinh xuất sắc toàn thành phố Bologne và cũng giúp ông nhận được học bổng của chính phủ theo học đại học. Cũng trong năm này, Prodi được bầu làm Chủ tịch Phong trào tình nguyện của giới trẻ Thiên Chúa giáo. Sau khi tốt nghiệp Đại học Milan và Đại học Kinh tế London, ông Prodi được mời giảng dạy tại Đại học Bologne và Đại học Harvard của Mỹ, rồi tham gia sinh hoạt chính trị trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (PDC).

Chính những kiến thức sâu rộng về kinh tế của Romano Prodi đã khiến ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công nghiệp trong chính phủ của Thủ tướng Andreotti vào năm 1979. Thế nhưng, chỉ 5 tháng sau, ông quyết định từ chức khi các phương án cải cách công nghiệp của ông không được chính phủ đoái hoài. Rời chính trường, ông quay lại với nghề dạy học nhưng cũng dành thời gian để xây dựng nhiều đề cương cải cách nhằm vực dậy nền công nghiệp vốn dĩ rất lạc hậu của Italia.

Nhưng rồi ông cũng được biết tiếng cả trong và ngoài nước khi được bổ nhiệm là người đứng đầu Viện Tái xây dựng ngành công nghiệp Italia (IRI), một tập đoàn kinh tế lớn sử dụng đến 500.000 nhân viên. Chỉ trong 7 năm điều hành IRI, Prodi đã hồi phục được ngành công nghiệp Italia với việc xây dựng nhiều khu công nghiệp tại 10 trung tâm công nghiệp lớn ở Italia, khai sinh nhiều ngành công nghiệp thu hút đến 12,5 triệu lao động.

Đầu thập niên 90, từ những tai tiếng về các mối quan hệ  giữa mafia và các nhân vật chủ chốt trong chính phủ của Thủ tướng Andreotti đã làm rúng động cả Italia và khiến ông Romano Prodi quyết định thôi làm việc cho chính phủ để quay lại nghề dạy học nhưng cũng để ông xây dựng đề cương hoạt động mới cho PDC.

Năm 1994, khi chính phủ của Thủ tướng Andreotti sụp đổ do bị tố cáo có quá nhiều mối quan hệ với mafia, Prodi quyết định công bố đề cương hoạt động mới tại Đại hội của PDC vào tháng 10/1995 và được biểu quyết như là cương lĩnh mới của PDC. Đại hội cũng bầu Prodi vào chức vụ Chủ tịch PDC. Đến tháng 4/1996, PDC thắng lớn trong kỳ bầu cử Quốc hội và Prodi trở thành Thủ tướng Italia. Thế nhưng đến năm 1998, một âm mưu chính trị có sự giật dây của đảng Forza Italia của tỉ phú Silvio Berlusconi đã làm chính phủ của ông Romano Prodi phải sụp đổ.

Tuy nhiên, chính uy tín của Prodi đã khiến EU quyết định bầu ông vào chức vụ Chủ tịch EU nhiệm kỳ 1999-2004. Vào tháng 4/2006, một lần nữa, Prodi lại trở thành Thủ tướng Italia khi đảng PDC thắng khít khao đảng Forza Italia của tỉ phú Silivio Berlusconi trong kỳ bầu cử Quốc hội.

Ông Romano Prodi tuy là một người bình dị nhưng rất tự tin. Trong tất cả các cuộc tranh luận trước bầu cử, ông tự tay viết đề cương rồi đối thoại và cả tranh luận với đối thủ không phải với kiểu nói gay gắt mà là ôn tồn nhưng quyết liệt. Trong chiến dịch chạy đua giành chiếc ghế thủ tướng Italia vào tháng 4/2006, với kiểu cách này, ông đã chiến thắng đối thủ Sivio Berlusconi trong hầu hết các cuộc tranh luận.

Trong khi Berlusconi ung dung sử dụng hết chuyên cơ này đến chuyên cơ khác đi vận động tranh cử thì “ngài giáo sư” lại di chuyển trên một chiếc xe buýt nhỏ mà ông mua lại được từ một công ty du lịch. Lạ thay, sự bình dị của Prodi lại chiếm được cảm tình của nhiều tầng lớp dân chúng Italia, từ dân nghèo cho đến người giàu.

Người ta cho rằng chính những năm tháng hành nghề dạy học đã tạo cho Romano Prodi đức tính điềm tĩnh, kiên nhẫn và quyến đoán. Ông từng nói đùa: “Tôi có những đức tính của một chiếc xe chạy bằng dầu cặn chứ không phải chạy bằng xăng: đó là xuất phát chậm nhưng lại chạy rất bền”.

Năm 1982, khi còn là người đứng đầu IRI, Prodi bằng sự kiên trì và cả quyết tâm thuyết phục Chính phủ Italia những phương án xây dựng lại nền công nghiệp Italia, mà ông là tác giả, là hợp lý và hiệu quả. Năm 1998, trên cương vị Thủ tướng, ông cũng đã thuyết phục thành công người dân Italia chấp nhận tham gia thị trường đồng euro và chuẩn bị tinh thần để chia tay với đồng lia truyền thống.

Chưa có vị thủ tướng Italia nào lại yêu thích cuộc sống gia đình và quê hương như Romano Prodi. Ông luôn hãnh diện mình là người dân Bologne. Khi còn làm Thủ tướng Italia nhiệm kỳ 1996-1998, ông không đưa cả gia đình đến sinh sống tại khu dinh thự lớn dành cho người đứng đầu chính phủ ở thủ đô Roma như nhiều vị tiền nhiệm thường làm mà lại trú ngụ trong một căn hộ hai phòng ngay tại Dinh thủ tướng. Bởi vì ông cho rằng quê hương mình chính là ở Bologne chứ không phải Roma. Vì vậy có dịp ông lại quay về Bologne để sinh sống cùng gia đình. Tại đây, ông thường có thú vui dạo quanh thành phố bằng xe đạp với vợ, bà Flavia, để thăm hỏi dân tình.

Bà Flavia Franzoni, người bạn đời mà Romano Prodi quen biết từ năm 14 tuổi, đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp của chồng. Là một nhà kinh tế học tiếng tăm ở Italia, bà Flavia từng tham gia đóng góp cho những đề án cải cách kinh tế của chồng nhưng lại không màng đến chính trị khi từ chối nhiều đề nghị làm bộ trưởng cả công nghiệp lẫn kinh tế của nhiều đời chính phủ.

Người dân Italia hy vọng sự trở lại chính trường lần thứ hai của ông Romano Prodi sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Italia khởi sắc sau nhiều năm trì trệ dưới thời cựu Thủ tướng Berlusconi. Hơn thế nữa, một nền chính trị ngoại giao ôn hòa mà ông Prodi hứa sẽ thực thi trong nhiệm kỳ mới của mình sẽ tái tạo lại uy tín của Italia trên chính trường quốc tế

Văn Hòa (theo Le Point)
.
.