Segolene Royal - ngôi sao sáng trên chính trường Pháp

Thứ Hai, 31/07/2006, 08:00

Nước Pháp đang trong giai đoạn của hội chứng "Segolenomania" - một thuật ngữ mà các nhà nghiên cứu chính trị đã dùng để mô tả mức độ uy tín cao chưa từng có của Segolene Royal, phu nhân thủ lĩnh đảng Xã hội (SP).

Theo các kết quả thăm dò ý kiến gần đây nhất, người phụ nữ 53 tuổi là mẹ của 4 đứa con đã hoàn toàn có thể vượt qua bất kỳ một chính trị gia nổi tiếng nào trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2007. Dù chưa có một cương lĩnh tranh cử cụ thể, nhưng Segolene với ưu thế vượt trội, đã trở thành một ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế tại điện Élysée.

“Công chúa” của nước Pháp

Marie Segolene Royal sinh ngày 22/9/1953 tại Dakar, Senegal, trong gia đình một đại tá pháo binh có họ hoàng gia. Khi mới 15 tuổi, cô bé Segolene đã nói với cha mẹ mình: “Ngay cả khi kết hôn, con cũng không bao giờ lấy họ của người chồng tương lai”. Còn khi làm quen với người bạn đời sau này là François Hollande khi còn là sinh viên tại Trường Hành chính quốc gia, bà cũng đưa ra cam kết từ trước: “Em có thể sống dưới cùng một mái nhà và nuôi dạy con cho anh, nhưng em sẽ không bao giờ chỉ làm một người nội trợ”. Còn Hollande sau đó đã quyết định dấn thân vào chính trường và đã thành công. Hiện ông là thủ lĩnh đảng SP đối lập.

Sinh ra và lớn lên tại châu Phi, Segolene từ nhỏ đã muốn trở về nước Pháp. Khi ước mơ này trở thành hiện thực, kỳ thi tốt nghiệp của cô vào năm 1968 lại bị ngắt quãng bởi cuộc cách mạng sinh viên thời bấy giờ. Cô bé khi đó mới có 15 tuổi đã đưa ra một quyết định nghiêm túc – sẽ tham gia hoạt động chính trị. Segolene hoàn tất những bước tiếp thu kiến thức quan trọng của mình – Trường đại học Tổng hợp, Trường cao cấp Chính trị, Trường Hành chính Quốc gia – chỉ một năm trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1981. Đó chính là thời khắc quyết định trong sự nghiệp chính trị của Segolene Royal.

Segolene cùng với chồng gia nhập đảng Xã hội, trong khi người bạn thân nhất của họ là Dominique de Villepin (hiện là đương kim Thủ tướng Pháp) lại bước vào chính trường dưới lá cờ của đảng Cộng hòa. Chỉ 10 tháng sau khi François Mitterrand được bầu làm Tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội, cô nhân viên hành chính năng nổ và khiêm tốn Royal đã lọt vào mắt xanh cố vấn Jacques Attali rất có ảnh hưởng với Tổng thống, trước khi được chính nguyên thủ nước Pháp chú ý tới.

Trong suốt 6 năm liền, Royal được mời vào làm việc tại điện Élysée với cương vị cố vấn bộ máy hành chính của Tổng thống. Người ta nhận định rằng, Mitterrand chính là “thần hộ mệnh” cho sự nghiệp chính trị của Royal. Ông đã tìm mọi cách nâng đỡ để Royal trở thành nghị sĩ, trước khi chính thức mời bà tham gia chính phủ của Thủ tướng Pierre Beregovoy trên cương vị Bộ trưởng Môi trường hồi năm 1992.

Không ai có thể nói rõ về nguyên nhân mối quan hệ khăng khít giữa Mitterrand và Royal. Nhiều người cho rằng Mitterrand chắc chắn là người cha đỡ đầu về chính trị đối với Royal. Cố Tổng thống Pháp từ lâu đã đưa Segolene Royal vào hàng ngũ những người có khả năng kế nhiệm mình.

Đối với Royal, cố Tổng thống Mitterrand là người cha đỡ đầu trong sự nghiệp chính trị.

Royal luôn tỏ ra là một chính trị gia kiên quyết và năng nổ, cho dù bà đồng thời phải sinh nở và nuôi dạy tới 4 đứa con. Bà liên tục thay đổi các ghế bộ trưởng và những cương vị quan trọng khác: Bộ trưởng Môi trường, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Các vấn đề gia đình và trẻ em, nghị sĩ, thống đốc tại khu vực Poitou-Charentes. Dù ở cương vị nào, Royal luôn nổi tiếng là chính trị gia có chính kiến và chính sách gây được thiện cảm của người dân. Nhưng sức mạnh thực sự của bà lại ở khả năng bình tĩnh và khôn ngoan trong bất kỳ một chiến dịch tranh cử nào.

Với giọng nói nhẹ nhàng nhưng không kém phần cứng rắn, Royal biết cách giải thích, thuyết phục, giúp cho người nghe “thấm” được những quan điểm và chính sách của bà. Royal là chủ nhân của khẩu hiệu nổi tiếng: “Chúng ta cùng làm chính trị theo cách khác” - ban đầu được sử dụng trong cuộc đấu tranh chống nạn bạo hành gia đình và nạn khiêu dâm trẻ em. Về sau, khẩu hiệu này đã trở thành biểu tượng hành động của đảng Xã hội.

“Nữ hoàng” tương lai của Điện Élysée?

Việc Segolene Royal nhanh chóng trở thành một ứng cử viên triển vọng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2007 là chuyện khó có thể lý giải ngay cả đối với bản thân bà, bạn bè, thậm chí cả những đối thủ chính trị. Thực tế là hiện giờ, Royal đang có chỉ số uy tín cao hơn nhiều so với chồng mình. Nếu như tuân theo truyền thống chính trị từ nhiều năm qua tại Pháp (Chủ tịch đảng được đề cử làm ứng cử viên tranh cử tổng thống), thì rõ ràng François Holland hầu như không có cơ hội, thậm chí chỉ để bước vào vòng bầu cử thứ hai.

Trong khi Royal có thể nói là một nhân vật nổi tiếng về mọi phương diện. Dù đã 53 tuổi và là mẹ của 4 đứa con, Royal vẫn được các độc giả Pháp của tạp chí đàn ông nổi tiếng FHM xếp vào vị trí thứ 6 trong danh sách những phụ nữ xinh đẹp và gợi cảm nhất, ngay sau ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Angelina Jolie. Thống kê cho thấy chưa có tuần nào, Royal lại vắng mặt trên trang bìa của các tạp chí chính trị hay giải trí của Pháp. Cả nước Pháp luôn chăm chú theo dõi cuộc sống riêng tư của bà. Hội chứng “Segolenomania” dường như không chỉ là một hiện tượng xã hội, mà đôi khi trở thành một chứng bệnh sùng bái thực sự.

Nhiều nhà báo đã phải ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến người dân chen chúc xếp hàng không chỉ để tiếp xúc và đặt câu hỏi cho Royal với tư cách một chính trị gia nổi tiếng, mà nhiều người thậm chí chỉ mong để chạm được vào người bà. Vào thời điểm hiện tại, có tới 51% người Pháp sẵn sàng bỏ phiếu cho Segolene Royal, một tỉ lệ thậm chí còn cao hơn cả ứng cử viên hàng đầu từ đảng cầm quyền cánh hữu Nicolas Sarkozy.

Vấn đề duy nhất đối với Segolene khi bắt đầu chiến dịch tranh cử chính là việc bà chưa tính đến yếu tố cạnh tranh ngay trong nội bộ đảng. Các đối thủ trong đảng SP cũng như ngoài đảng này giờ đây chủ yếu công kích vào việc Royal chưa có một chương trình tranh cử rõ ràng. Điều duy nhất mà người Pháp biết được về các khuynh hướng chính trị của Segolene Royal là bà luôn lãnh đạo dựa trên các nguyên tắc của một kiểu mẫu kinh tế siêu tự do như ở nước Anh.

Ngoài Mitterrand, một thần tượng thực sự khác của Royal chính là đương kim Thủ tướng Anh Tony Blair. Thời gian còn lại trước bầu cử vẫn còn kịp cho Royal xác định rõ ràng những định hướng hoạt động của mình. Người đàn bà nổi tiếng nhất nước Pháp có thừa quyết tâm để chứng minh rằng, nước Pháp cũng có thể có được một nữ lãnh đạo xuất sắc chẳng kém gì tại Đức hay Phần Lan

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.