“Siêu cớm” Mỹ làm cố vấn cho Thủ tướng Anh

Thứ Năm, 25/08/2011, 11:15

Bill Bratton - thường được báo chí Mỹ gọi bằng biệt danh "siêu cớm" - vừa được Thủ tướng Anh David Cameron mời làm cố vấn để giúp hiến kế trong công tác phòng chống bạo loạn vô chính phủ và tội phạm đường phố.

Vụ bạo loạn 4 ngày bắt đầu từ đêm 6/8/2011 gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản đã để lại nỗi kinh hoàng trong dân chúng thành London. Niềm tin của công chúng Anh đối với chính phủ trong việc bảo đảm an ninh công cộng cũng từ đó bị "lung lay", và Thủ tướng Anh David Cameron cảm thấy cần phải thay đổi cách làm trong công tác chống bạo loạn, bảo đảm an ninh trật tự ở các thành phố lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nước Anh - và London - đang chuẩn bị ráo riết cho Olympic 2012. Ngày 12/8, ông Cameron chính thức thông báo việc mời ông Bill Bartton, "siêu" cảnh sát trưởng Mỹ, sang Anh để đàm phán về dự định hợp tác sắp tới.

Sinh năm 1947, tại thành phố Boston, bang Massachusetts, tham gia quân đội Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp trung học năm 1965. Năm 1970, Bratton xuất ngũ và bắt đầu sự nghiệp trong ngành cảnh sát tại Sở Cảnh sát Boston (BPD). Bratton thăng cấp rất nhanh, cuộc đời ông là một chuỗi làm giám trưởng và cảnh sát trưởng từ thành phố này đến thành phố khác tại các bang khác nhau, vì vậy mà được báo chí đặt cho biệt danh "siêu cớm" (supercop).

Tại BDP, chỉ 10 năm sau khi gia nhập, ông đã trở thành Giám trưởng trẻ nhất lịch sử Sở Cảnh sát Boston. Sau đó, Bartton trải qua một số chức vụ như Trưởng Cơ quan Quản lý giao thông thủy Vịnh Massachusetts, rồi Giám trưởng Cảnh sát Đô thị Boston và Cảnh sát Tàu điện ngầm thành phố New York trước khi quay trở lại làm Giám trưởng Sở Cảnh sát Boston lần thứ 2 từ năm 1991-1993, và sau đó được bổ nhiệm làm Cảnh sát trưởng thành phố Boston trong 1 năm. Từ năm 1994-1996, Bratton làm Cảnh sát trưởng thành phố New York. Bẵng đi 6 năm, năm 2002, Bratton lại chuyển đến làm Cảnh sát trưởng thành phố Los Angeles, bang California.

Đặc điểm nổi bật nhất của Bratton trong thời gian làm Giám trưởng và Cảnh sát trưởng các thành phố ở Mỹ là việc ông áp dụng các biện pháp mạnh tay, "không ngại vỡ tủ kính" để xử lý triệt để nạn băng nhóm đường phố ở Boston, thanh toán các tệ nạn xã hội, gái điếm và ma cô cộm cán đứng đầy đường, bọn du thủ du thực tụ tập vẽ bậy trên tường và gây mất trật tự đường phố ở New York. Tại đây, dưới thời Bratton làm Cảnh sát trưởng, bất cứ ai không có giấy tờ tùy thân sẽ phải về đồn cảnh sát kiểm tra cá nhân, lăn tay hoặc có thể bị bắt giam. Quan điểm của Bratton là: làm cho bọn tội phạm sợ và nể phục cảnh sát.

Bratton còn nổi tiếng với chiến tích dẹp tan các cuộc bạo loạn đô thị. Và Los Angeles là nơi ông ghi lại chiến tích phòng chống bạo loạn nổi bật nhất.

Tại Los Angeles, Bratton đối mặt với thách thức khác hẳn, bạo lực băng nhóm trong một thành phố nhỏ lan qua một khu địa chí lớn hơn. Người kéo ông về làm cảnh sát trưởng lúc đó là Thị trưởng James Hahn. ông này hiện giờ là Chánh án Tòa án Tối cao Los Angeles. Chân ướt chân ráo đến Los Angeles, Bratton tuyên bố sẽ kéo giảm tội phạm 25%, và ông sẽ ra đi nếu không đạt kết quả như vậy. Và hiệu quả giảm tỷ lệ tội phạm cứ tăng dần từng năm. James Hahn nói trong nể phục: "Ai cũng thề hứa điều tốt đẹp hơn vào cuối năm, trong khi Bratton luôn hứa làm tốt hơn vào đầu năm mới. Và hiệu quả làm việc của ông ấy không chỉ đạt mà còn vượt mọi sự mong đợi".

Chỉ trong 3 năm, ông giúp tỷ lệ tội phạm trong thành phố giảm đến 40%. Tuy nhiên, ông Hahn nhìn nhận lúc đó rất nhiều sĩ quan cảnh sát xin chuyển nhiệm sở mà không có người thay thế. Không phải vấn đề tiền bạc, mà họ đi làm cho sở cảnh sát khác để có không khí làm việc thoải mái hơn. Ban đầu, ai cũng hoài nghi "kẻ xa lạ" này vì "hắn" không trải qua các cấp bậc như mọi người trong ngành. Nhưng về sau, mọi người tuyệt đối tôn trọng vì ông nói chuyện dễ nghe và không bao giờ thất hứa.

Giáo sư Alfred Blumstein, một trong những chuyên gia tội phạm hàng đầu của Mỹ, nói: "Tôi rất kính trọng Bill Bratton. ông đã mang lại một số sáng kiến quan trọng đến New York, bao gồm hệ thống quản lý Compstat được đánh giá cao và áp dụng rộng rãi cho nhiều tiểu bang. Hệ thống này sử dụng thông tin máy tính đáp ứng nhanh về tội phạm, giúp các chỉ huy cảnh sát khu vực có biện pháp giảm tội phạm trong khu vực của mình, và sự thay đổi về cách quản lý đó là một đóng góp quan trọng trong giảm tỉ lệ tội phạm ở New York".

Bratton không ngần ngại sử dụng súng bắn đạn cao su, hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quậy phá. Tại các thành phố do ông quản lý, Bratton áp dụng giải pháp song hành: vừa "không khoan nhượng", vừa tiếp cận cộng đồng, tiếp xúc nói chuyện với dân chúng tại các khu vực phức tạp về an ninh, tệ nạn xã hội để tìm hiểu những khúc mắc xã hội và đưa ra hướng giải quyết. Bratton đã đến không biết bao nhiêu nhà thờ, thánh đường Hồi giáo, và cả nhà xác chỉ nhằm thực hiện cho được phương án ngăn ngừa tội phạm của mình. Bratton hiểu rất rõ điều người dân cần ở một người cảnh sát, đó là giải quyết những vấn đề họ đối mặt hàng ngày. Họ cần người cảnh sát đáng tin cậy hơn là "đáng sợ" - người không chỉ dùng phương tiện sức mạnh để trấn áp tội phạm mà còn phải biết quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của cộng đồng. Bratton giải tỏa căng thẳng sắc tộc bằng cách tăng tỉ lệ cảnh sát người da màu so với người da trắng (chẳng hạn trong Sở Cảnh sát Los Angeles, từ 61% cảnh sát viên da trắng cách đây 20 năm đã giảm xuống còn 36% hiện nay).

Kể từ khi rời khỏi Sở Cảnh sát Los Angeles năm 2009, Bratton không còn làm "siêu cớm" nữa mà chuyển sang phục vụ cho Công ty an ninh tư nhân Kroll. Bratton vẫn mong một ngày nào đó quay trở lại với vai trò cảnh sát. Thủ tướng Anh tỏ ra rất ấn tượng với bảng thành tích đặc biệt của Bratton, và cơ hội "tái xuất giang hồ" tưởng chừng đã đến với Bratton khi ông Cameron dự định mời ông làm Cảnh sát trưởng Scotland Yard. Thế nhưng ý kiến này đã bị bà Bộ trưởng Nội vụ Theresa May phản đối, đành chọn vị trí "cố vấn".

Có lẽ người Anh cũng cần phải học hỏi ở Bratton cách áp dụng các biện pháp mạnh kết hợp với tiếp cận cộng đồng nhằm tìm hiểu nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh bạo loạn để có cách xử lý hiệu quả nhất. ở Anh, cảnh sát còn do dự trong việc áp dụng các biện pháp mạnh tay như Bratton. Trong khi đó, Scotland Yard cũng thừa nhận rằng, tình trạng kỳ thị chủng tộc trong hàng ngũ cảnh sát vẫn đang là thực trạng nhức nhối. "Chúng ta nên nhìn ra bên ngoài để học hỏi những bài học kinh nghiệm quý báu từ những người cũng từng gặp phải vấn đề như chúng ta" - ông Cameron phát biểu tại một cuộc họp bất thường của Quốc hội bàn về vấn đề bạo loạn đường phố hôm 11/8. Và đó là lý do chủ yếu để ông ra sức mời gọi "siêu cớm" sang London giúp ông "dọn dẹp" bạo loạn tại Vương quốc Anh

Quốc Vương - Lệ Đào (tổng hợp)
.
.