“Siêu trợ lý” của Tổng thống Barack Obama

Thứ Năm, 20/08/2009, 08:45

Cứ sau giờ làm việc buổi chiều, nếu không có công việc đột xuất ngoài ý muốn, Tổng thống (TT) Barack Obama có thói quen thư giãn bằng cách chơi bóng rổ, môn thể thao ưa thích của ông, tại một sân bóng rổ nằm trong một khu liên hợp thể thao nhỏ tại khuôn viên phía đông của Nhà Trắng.

Chơi bóng cùng TT, đôi khi còn có cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel, phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs, các cố vấn David Axelrod, Peter Rouse nhưng không bao giờ thiếu Reginald (Reggie) Love, “siêu trợ lý” của ông Obama. Nhiều người gọi đây là đội bóng rổ của Obama.

Trả lời phỏng vấn của chương trình truyền hình "Chào nước Mỹ buổi sáng", TT Obama khẳng định: "Reggie là cầu thủ bóng rổ cừ nhất mà tôi biết". Do theo sát TT Obama như hình với bóng nên Love còn được gọi là "siêu vệ sĩ", mặc dù nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Tổng thống Mỹ thuộc Đơn vị Đặc biệt mà Love chẳng phải là đội viên của đơn vị này.

Reginald Love sinh ngày 21/6/1981 tại thành phố Charlotte, bang Bắc Caroline, từng tốt nghiệp hai ngành Khoa học chính trị và Chính sách cộng đồng tại Đại học Duke. Không chỉ học giỏi mà Love còn là vận động viên xuất sắc của đội bóng rổ Duke Blue Devils của Đại học Duke từng đoạt chức vô địch tại Giải vô địch bóng rổ các trường đại học toàn nước Mỹ vào năm 2001.

Duke còn là đội trưởng đội bóng đá của Đại học Duke. Năm 2006, khi đang thực tập tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, Love được Robert Gibbs, lúc đó giữ chức Giám đốc Thông tin văn phòng của Nghị sĩ Obama chú ý và đến năm 2007 chính thức được nhận vào làm việc tại Ban vận động tranh cử của Nghị sĩ Obama với chức danh Phó giám đốc chính trị.  Kể từ đó, Love theo sát ông Obama như hình với bóng, đáp ứng mọi yêu cầu của vị TT tương lai này với lòng trung thành tuyệt đối.

David Francis Powers, “siêu trợ lý” đầu tiên của Nhà Trắng.

Trong hậu trường chính trị, Love được xem là một trợ lý đặc biệt, đúng hơn là một siêu trợ lý. Nhiệm vụ của siêu trợ lý là theo sát "ông chủ" bất cứ nơi nào, sắp xếp phương tiện di chuyển, nơi trú ngụ, chọn lựa thức ăn, thức uống, bảo quản cả máy tính, điện thoại mà "ông chủ" sử dụng và mọi nhu cầu khác.

Không chỉ thế, Love còn chuẩn bị mọi thứ cho nhu cầu cá nhân của TT Obama. Từ cây viết Parker mà TT Obama đang sử dụng cho đến lon trà đóng hộp nhãn hiệu Black Forest Berry Honest Tea mà TT Obama rất thích dùng.

Sau hơn hai năm cùng làm việc, mối quan hệ chủ tớ giữa TT Obama và Love giờ đây đã chuyển thành quan hệ anh em thân thiết, cho dù hai người cách nhau gần 20 tuổi. Thường thì cả hai bắt đầu một ngày mới bằng việc cùng tập thể dục tại khu thể thao liên hợp của Nhà Trắng.

Sau đó Love có thể trực ngoài hành lang khi TT Obama đang tham dự các cuộc họp quan trọng, tháp tùng TT Obama trong các chuyến công cán và công du cùng với cuốn sổ tay ghi chú kín đầy lịch làm việc, báo cho TT Obama giờ giấc cần phải nghỉ ngơi để tránh gặp căng thẳng, nhận những cuộc điện thoại của các phương tiện thông tin đại chúng muốn phỏng vấn và đến sau giờ làm việc buổi chiều cùng chơi bóng rổ với nhau.

Blake Gottesman, “siêu trợ lý” của Tổng thống George W. Bush

Còn nhớ vào đầu tháng 8/2008, trước khi diễn ra cuộc tranh luận lần cuối cùng trên truyền hình với ứng cử viên John McCain, tại một cuộc họp báo tổ chức ở Câu lạc bộ Metropolitan ở thành phố New York, ông Obama đã thổ lộ: "Các bạn biết không, tôi có một trợ lý đặc biệt tên Reggie Love. Cậu ấy rất tháo vát, trẻ trung và dễ nhìn. Xem ra cậu ấy sẽ nổi tiếng hơn cả tôi nữa!".

Để đáp lại thịnh tình này, Love đã mua một máy nghe nhạc nén iPod trong đó có tải những bản nhạc của nam ca sĩ Jay-Z mà Obama ưa thích nhân dịp sinh nhật ông ngày 4/8/2008.

Tại Mỹ, chức danh trợ lý đặc biệt cho TT xuất hiện lần đầu tiên dưới thời TT John Kennedy với trợ lý đặc biệt đầu tiên là David Francis Powers. Powers là một cựu binh của Thế chiến II, từng tham chiến tại mặt trận Thái Bình Dương cùng TT Kennedy (TT Kennedy phục vụ trong hải quân còn Powers phục vụ trong không quân), vốn là một người thân tín của dòng họ Kennedy trước khi được chọn làm trợ lý đặc biệt.

Douglas Band, “siêu trợ lý” của Tổng thống Bill Clinton.

Nghi vấn về vụ ám sát TT Kennedy vào năm 1963, Powers đã tố cáo trước Ủy ban Warren của Quốc hội điều tra về vụ ám sát Tổng thống Kennedy rằng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cố tình che giấu nhiều sự thật liên quan đến vụ ám sát. Sau cái chết bi thảm của người bạn và là "ông chủ" John Kennedy, Powers trở thành người quản lý Thư viện và Bảo tàng viện Kennedy từ năm 1964 đến 1994.

Sau đó, chức danh trợ lý đặc biệt biến mất dưới nhiều đời TT Mỹ và chỉ xuất hiện trở lại dưới thời TT Bill Clinton với hai trợ lý đặc biệt là Douglas Band và Kris Engskov. Band là người được TT Clinton tuyệt đối tin tưởng hiện đang giữ chức phụ trách văn phòng của ông Clinton tại thủ đô Washington.

George W. Bush là TT  thuộc đảng Cộng hòa duy nhất có một trợ lý đặc biệt, đó là Blake Gottesman. Sinh năm 1980, Gottesman trở thành thành viên trẻ tuổi nhất của Văn phòng Nhà Trắng, được TT Bush tin tưởng hơn bất cứ trợ lý hay cố vấn nào

V.H. (theo People)
.
.