Sóng gió bủa vây Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam
- Hong Kong: Huyết mạch ngầm định hình bản sắc văn hóa
- Trung Quốc ủng hộ quyết định của chính quyền Hong Kong đình chỉ dự luật dẫn độ
Khi niềm tin đã mất
Khi tuyên bố quyết định đình chỉ dự luật dẫn độ với Bắc Kinh ngày 15-6, Trưởng đặc khu Hong Kong hứa sẽ "nhún nhường", nhưng khăng khăng rằng bà không quan tâm đến việc làm dịu đi làn sóng người biểu tình. Bà Lâm cũng từ chối xin lỗi vì đưa ra dự luật gây tranh cãi, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay.
Thông điệp thể hiện sự khiêm nhường nhưng vẫn đầy cứng rắn của nữ lãnh đạo đặc khu Hong Kong đã châm ngòi cho cuộc biểu tình với số người tham gia kỷ lục tại hòn đảo sau nhiều thập kỷ qua. Theo ước tính của các nhà tổ chức tuần hành, gần 2 triệu người trong trang phục màu đen đã đổ dồn ra các ngả đường lớn của thành phố Hong Kong trong ngày 16-6 và kêu gọi bà Lâm từ chức.
Bà Carrie Lam xuất hiện trong cuộc họp báo ngày 15-6. |
Con số người tham gia tuần hành đã cao gần gấp đôi lượng người tham gia sự kiện tương tự một tuần trước đó. Điều này cho thấy, sự phản đối của người dân Hong Kong không chỉ đối với dự luật dẫn độ. Mà bà Lâm cũng như phong cách điều hành khu tự trị của nhà lãnh đạo này đã thúc đẩy sự phẫn nộ ngày càng tăng của người dân thành phố.
Tờ SCMP dẫn lời một nhà lập pháp trong chính quyền bà Lâm (người phát biểu với điều kiện giấu tên), cho biết phong trào chống dự luật dẫn độ đã biến đổi chỉ sau một đêm nhằm tìm cách lật đổ chính quyền thành phố. Nhà lập pháp cũng đề cập tới sự kiện "cách mạng dù" năm 2014, một phần của Hong Kong bị tắc nghẽn trong 79 ngày.
Ông này tin số người biểu tình hôm 16-6 có thể ít hơn nếu bà Lâm chịu xuất hiện lâu hơn và nhún nhường nhiều hơn nữa trong cuộc họp báo vào thứ Bảy trước đó. Nữ lãnh đạo đặc khu chỉ đưa ra lời xin lỗi công khai, thông qua một tuyên bố bằng văn bản vào tối 16-6 sau khi những người biểu tình đã đổ dồn ra khắp các ngả đường trong hơn 6 giờ đồng hồ.
Cũng theo tờ SCMP, nhiều người tham gia tuần hành ngày 16-6 cũng phẫn nộ khi bà Lâm đứng góc độ của cảnh sát trong cuộc biểu tình ngày 12-6 như một cuộc "bạo loạn", có khả năng đẩy những người biểu tình với những cáo buộc nghiêm trọng hơn. Trong khi người dân cần nhà lãnh đạo khu tự trị thể hiện sự chân thành và lắng nghe nhiều hơn tâm tư của những người biểu tình, bà Lâm lại nổi giận với những lời lẽ quá cứng rắn.
Lời xin lỗi muộn màng
Trước làn sóng phản đối chính quyền và kêu gọi bà Lâm từ chức dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ qua tại, bà Lâm đã đưa ra lời xin lỗi dân chúng bằng văn bản, thừa nhận rằng "sự thiếu sót trong công việc của chính phủ đã dẫn đến nhiều tranh cãi và đụng độ trong cộng đồng, gây ra sự thất vọng và đau buồn trong dân chúng", theo tờ Nikkei Asian Review.
Tuyên bố của bà Lâm còn nói rằng "công tác truyền thông đối với dự luật là chưa đầy đủ" và nhấn mạnh rằng, bà đưa ra lời xin lỗi là để "ổn định lại xã hội".
"Nhà lãnh đạo đặc khu muốn gửi lời xin lỗi đến mọi người ở Hong Kong và hứa sẽ lắng nghe những lời chỉ trích với sự chân thành và thái độ khiêm tốn nhất", một phát ngôn viên của chính phủ đặc khu nói trong một tuyên bố tối ngày 16-6. Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng cho biết hiện chưa lên kế hoạch quay trở lại thảo luận dự luật dẫn độ.
Tuy nhiên, điều này chưa xoa dịu ngay sự phẫn nộ của những người tham gia tuần hành, theo Nikkei. Ông Louis Lo, một doanh nhân 52 tuổi, người đã đưa con trai 6 tuổi của mình đến cuộc biểu tình, cho rằng, "đây chỉ là một chiến thuật của bà Lâm để kéo dài thời gian" trong khi "bà ấy không coi trọng yêu cầu của mọi người”. Ông Lo nói thêm rằng, ông hy vọng cuộc tuần hành sẽ buộc nữ nhà lãnh đạo phải từ chức.
Ngoài ra, những người tổ chức cuộc tuần hành ngày 16-6 cũng lên án việc đàn án quá mạnh tay của cảnh sát đối với người biểu tình, trong đó lực lượng duy trì an ninh thành phố đã bắn 150 viên đạn hơi cay, hàng chục viên đạn cao su và sử dụng bình xịt hơi cay để đẩy lùi đám đông người biểu tình chặn các ngả đường quanh khu phức hợp chính phủ để ngăn chặn các cuộc bỏ phiếu và tranh luận về dự luật dẫn độ. Cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa cảnh sát và người biểu tình Hong Kong đã khiến hơn 80 người nhập viện.
Ngay cả nhà lập pháp Đảng Nhân dân mới, bà Regina Ip Lau Suk-yee, một trong những người ủng hộ trung thành nhất đối với dự luật dẫn độ trong Hội đồng điều hành của đặc khu Hong Kong, cũng cho rằng bà Lâm nên xin lỗi công chúng.
Phản ứng gay gắt hơn, cựu chủ tịch đảng Dân chủ Emily Lau Wai-hing đã tham gia tuần hành hôm 16-6 và là một trong những người đi đầu yêu cầu bà Lâm từ chức ngay lập tức. Bà Lau cũng cảnh báo rằng, các đảng ủng hộ bà Lâm sẽ phải trả giá đắt trong cuộc bầu cử Hội đồng quận vào tháng 11-2019 và cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào năm tới.
Các chỉ trích của giới phân tích chủ yếu xoay quanh cách xử lý vấn đề thiếu nhạy cảm chính trị của bà Lâm. Trong đó, nhà phân tích chính trị của Đại học Trung Quốc Ivan Choy Chi-keung cho rằng lời xin lỗi của bà Lâm không thể xua tan sự tức giận của công chúng, vì nhà lãnh đạo này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để nói xin lỗi cũng như giải quyết sự lo ngại của người dân về hành động của cảnh sát khi đối phó với cuộc biểu tình ngày 12-6.
Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói với tờ SCMP, chính phủ Hong Kong đã đánh giá thấp quy mô sự phản đối dự luật dẫn độ, cũng như xử lý sai vấn đề, gây rắc rối cho chính quyền trung ương, vốn đang bị cuốn vào nhiều trận chiến trên các mặt trận ngoại giao, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.