Sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Trung Quốc thời kỳ kháng Nhật

Chủ Nhật, 19/06/2005, 07:02

Kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chính quyền Trung Quốc đã công bố nhiều tài liệu tuyệt mật có liên quan tới sự giúp đỡ của Liên Xô đối với cuộc cách mạng Trung Quốc, đặc biệt là trong giai đoạn kháng Nhật cứu nước (1937-1945).

Qua những tài liệu được công bố có thể thấy rằng, nếu chỉ bắt đầu tính từ tháng 8/1937 (là thời điểm Liên Xô ký với Trung Quốc Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau) tới tháng 9/1945 khi kết thúc cuộc chiến tranh, thì lực lượng kháng Nhật ở Trung Quốc đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, rất to lớn và cực kỳ hiệu quả của các lực lượng vũ trang và nhân dân Liên Xô.

Trung Quốc lúc bấy giờ là rất phức tạp. Cuộc nội chiến giữa Hồng quân Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo với các lực lượng vũ trang của Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã nổ ra từ những năm 20 của thế kỷ XX và ngày một trở nên ác liệt.

Mặc dù ngay từ tháng 9/1931 quân Nhật đã nổ súng tấn công Phụng Thiên (tức Thẩm Dương ngày nay) rồi lập ra cái gọi là nước Mãn Châu ở vùng Đông Bắc Trung Quốc do Phổ  Nghi làm Hoàng đế, đến tháng 1/1932 quân Nhật tiến đánh Thượng Hải, thì chính quyền của Quốc dân đảng vẫn áp dụng chính sách thỏa hiệp với Nhật, tập trung lực lượng hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản.

Chỉ tới khi xảy ra sự biến Tây An (Tưởng Giới Thạch bất ngờ bị viên tướng dưới quyền là Trương Học Lương bắt ở Hoa Lăng trì, một khu nghỉ mát nổi tiếng cách Tây An 50km vào ngày 12/12/1936) để nhằm cứu tính mạng của Tưởng, Quốc dân đảng mới buộc phải ký kết với Đảng Cộng sản thỏa thuận chấm dứt nội chiến, cùng nhau tiến hành cuộc kháng chiến chống Nhật. Tuy nhiên, giới cầm đầu Quốc dân đảng khi đó vẫn luôn coi Liên Xô và Đảng Cộng sản là đối thủ về mặt tư tưởng và ý thức hệ.

Đội kỵ binh Bát Lộ Quân Trung Quốc trong những năm kháng Nhật.

Về phần mình, Chính phủ Liên Xô cũng nhận thấy mối nguy cơ rất to lớn đối với vùng Viễn Đông nước Nga nếu như quân Nhật giành thắng lợi trên chiến trường Trung Quốc. Ngày 21/8/1937, Liên Xô đã ký kết với Trung Quốc hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau. Hiệp ước này đã nâng cao một cách đáng kể vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự hòa hợp Quốc - Cộng để chống lại sự xâm lược của Nhật. Chính vì vậy, ngày 21/8/1937, Tưởng Giới Thạch buộc phải tuyên bố hợp tác với Đảng Cộng sản, thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Nhật.

Tuy nhiên, trên thực tế Tưởng vẫn theo đuổi chính sách thỏa hiệp với Nhật, chống Đảng Cộng sản, bài xích Liên Xô. Thí dụ như cuối năm 1938, Tưởng cho quân bao vây biên khu Thiểm - Cam - Ninh thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản, năm 1939 Tưởng bí mật ra lệnh cho thuộc hạ tiến hành đàm phán với Nhật tại Hương Cảng v.v...

Ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh (1937-1941), Liên Xô đã chuyển giao cho lực lượng kháng Nhật của Trung Quốc những kỹ thuật quân sự và vũ khí tiên tiến nhất thời bấy giờ. Không những thế Liên Xô còn phái tới Trung Quốc những cố vấn và chuyên gia quân sự, các phi công cừ khôi nhất của mình, giúp Trung Quốc bồi dưỡng lực lượng cán bộ chuyên nghiệp v.v...

Mặc dù trong giai đoạn này quân Nhật vẫn chiếm ưu thế về kỹ thuật quân sự trên chiến trường, nhưng chính sự giúp đỡ của  Liên Xô đã tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong công cuộc bảo vệ đất nước.

Sự giúp đỡ của  Liên Xô cho Trung Quốc bao gồm các thiết bị quân sự và các vũ khí thuộc hàng tối tân nhất như máy bay, đại pháo, súng bộ binh, các khí tài quân trang quân dụng... Chỉ tính từ tháng 10/1937 - 6/1941 đã có tới 40 sư đoàn quân Trung Quốc được trang bị đại pháo do Liên Xô cung cấp, gần 50 sư đoàn bộ binh được trang bị bằng súng bộ binh của Liên Xô.

Còn các loại vũ khí và khí tài thuộc lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng của quân  Trung Quốc là hoàn toàn do Liên Xô trang bị. Còn việc giúp Trung Quốc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng thì rất to lớn, không thể tính nổi.

Cũng không thể không đề cập tới sự giúp đỡ của các lực lượng không quân Liên Xô đối với quân đội Trung Quốc  trong giai đoạn này. Chỉ tính từ tháng 11/1937 - 6/1939 đã có hơn 700 phi công, bộ đội rađa, nhân viên kỹ thuật hàng không đã được Liên Xô phái tới Trung Quốc.--PageBreak--

Trước đó, ngay từ tháng 1/1937 Liên Xô đã gửi tới Trung Quốc các máy bay tiêm kích cùng các phi công chiến đấu. Và hầu hết các cuộc không chiến trong giai đoạn chiến tranh chống Nhật trên các chiến trường thuộc không phận Trung Quốc đều do Liên Xô đảm trách.

Trong công cuộc giúp đỡ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật cứu nước, không quân Liên Xô đã đào tạo và huấn luyện cho phía Trung Quốc hơn 1.240 phi công, 160 sĩ quan chỉ huy bay, 450 nhân viên kỹ thuật hàng không... Tuy nhiên, lực lượng không quân Liên Xô cũng chịu đựng những tổn thất đáng kể; chỉ tính riêng số phi công Liên Xô hy sinh trong chiến đấu đã lên tới hơn 200 người.

Trong khoảng thời gian từ tháng 6/1938 - 7/1944 đã có gần 500 chuyên gia quân sự và hơn 200 cán bộ kỹ thuật của Liên Xô làm việc trong lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Những chuyên gia và nhân viên kỹ thuật đều là những người ưu tú nhất. Trong số họ có rất nhiều người đã tốt nghiệp các học viện quân sự và đã từng nắm cương vị chỉ huy quân đội Liên Xô trong một thời gian dài trước khi được phái tới Trung Quốc. Vì vậy, họ đều có các tố chất nổi bật của các nhà chỉ huy quân sự cả ở tầm chiến dịch và chiến lược.

Chính họ là những người đã gắn kết mối tình hữu nghị giữa hai nước Trung - Xô, đồng thời cũng kiến lập mối quan hệ tốt đẹp và làm giác ngộ nhận thức về chủ nghĩa Cộng sản trong hàng ngũ các tướng lĩnh và binh sĩ tiến bộ trong quân đội Quốc dân đảng. Cùng với thời gian những ảnh hưởng này đã khiến cho chính quyền Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và các tướng lĩnh chống Cộng chóp bu hết sức lo lắng.

Vì vậy Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, tìm cách giảm thiểu cái mà họ cho là “mối nguy cơ từ phía những người Nga”. Nhằm mục đích này, họ đã hạn chế dần và đi tới xóa hẳn sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong các đơn vị quân đội Trung Quốc.

Khoảng từ năm 1942 đến 1944 số nhân viên quân sự của Liên Xô trong quân đội Trung Quốc đã giảm đáng kể, và trên thực tế chính quyền Quốc dân đảng đã tìm đủ mọi cách để vô hiệu hóa họ: như không cho cố vấn Liên Xô trực tiếp tham gia việc hoạch định các kế hoạch quân sự, đẩy họ ra khỏi các bộ phận tham mưu tác chiến, cấm không cho họ dạy trong các trường quân sự v.v...

Thêm vào đó, tới năm 1941 khi Liên Xô bất ngờ bị phát xít Đức tiến công ở phía tây, còn ở phía đông thì quân Nhật của lăm le nhảy vào, thì sự viện trợ của Liên Xô cho Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự của Liên Xô vẫn tiếp tục ở lại giúp Trung Quốc xây dựng các kế hoạch tác chiến cho mãi tới giữa năm 1945 mới rút hết về nước

Nguyễn Tiến Cử (theo China. com)
.
.