Sứ mệnh gian khó của tân TGĐ IAEA Yukiya Amano

Thứ Bảy, 19/12/2009, 16:45
Ngày 30/11 vừa qua, ông Mohamed ElBaradei đã chính thức mãn nhiệm chức Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hôm sau, 1/12, "chiếc ghế nóng" này đã chính thức được bàn giao lại cho người kế nhiệm của ông là Yukiya Amano.

Yukiya Amano là người Nhật, năm nay 62 tuổi (sinh năm 1947 tại tỉnh Kanagawa), trở thành người châu Á đầu tiên nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc IAEA sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng 7/2009. Trước đó, ông Amano là một "công chức Liên Hiệp Quốc", đảm nhiệm chức đại sứ và đại diện thường trực Nhật Bản tại IAEA. Xét về kinh nghiệm ngoại giao cũng như trong lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân thì ông hoàn toàn xứng đáng đảm nhận chiếc ghế Tổng giám đốc đầy uy tín của IAEA.

Ông Amano đã sống và lớn lên trong những nỗi đau, lòng căm phẫn của người dân Nhật do bị nhiễm phóng xạ từ 2 quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, cho nên có lẽ trong IAEA và cả cộng đồng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chống phổ biến vũ khí hạt nhân,... không ai hiểu rõ những nỗi đau do di chứng nhiễm phóng xạ từ bom hạt nhân hơn ông. Đây cũng là cơ sở cho quan điểm ông nêu lên tại buổi lễ nhậm chức hôm 1/12 rằng ông "sẽ làm việc hết sức để chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân".

IAEA dưới thời Tổng giám đốc ElBaradei đã được tất cả các đối tác giải trừ vũ khí và 145 quốc gia thành viên đánh giá rất cao. Mặc dù có nhiều lúc tưởng chừng IAEA của ông ElBaradei không làm gì được, bị Iran "lợi dụng", bị CHDCND Triều Tiên "qua mặt" và "hắt hủi" trong quá trình giải quyết các xung đột hạt nhân, nhưng sau đó mọi chuyện lại trở nên sáng sủa với những báo cáo, đánh giá và giải pháp để xử lý vụ việc một cách khách quan nhất, của riêng IAEA, chứ không phải do một thế lực nào chi phối.

Tuy nhiên, ông Amano đã tiếp quản IAEA trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đang phải đối mặt với một số thách thức lớn: cuộc giằng co quanh chương trình làm giàu uranium của Iran và tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng bế tắc, chưa tìm được lối thoát.

IAEA không chỉ kiểm soát vũ khí, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu, mà còn điều hành việc phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình, như việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại các quốc gia.

Chính những chính sách thiếu khách quan, và nhất là các chính sách "đơn phương", "hai mặt" của các cường quốc trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, đã làm hỏng nhiều cơ hội giải quyết rốt ráo các vấn đề ở Iran và CHDCND Triều Tiên. Sự mất lòng tin vào hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA chủ yếu xuất phát từ việc hành động bá quyền của các thế lực "sen đầm" đã làm hỏng hệ thống quyền lực và từ đó đẩy vấn đề bảo đảm an ninh hạt nhân vào tình trạng rối loạn, mất phương hướng. Cứu vãn một hệ thống xuống cấp như thế, trong khi IAEA vẫn chưa thể áp đặt quyền hạn của mình đối với các quốc gia thành viên là một vấn đề nan giải đối với ông Amano.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu ông Amano có đi theo con đường mà ông ElBaradei đã chọn hay không, tức là quyết liệt giữ vị thế trung lập tuyệt đối của IAEA trong tất cả các cuộc tranh cãi về hạt nhân. Trong phát biểu tại lễ nhậm chức của mình, ông Amano tuyên bố là sẽ "cố gắng làm một tổng giám đốc không thiên vị, đáng tin cậy và có tính chuyên nghiệp cao".

Tuy nhiên, Amano là một người thân Mỹ, luôn được lòng chính giới ở Washington trong các vấn đề trước đây. Vì vậy, giới phân tích vẫn dè dặt khi đánh giá về tính khách quan của ông trong việc giải quyết các vấn đề sắp tới

Văn Trương (tổng hợp)
.
.