Syria: Nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Bashar Assad

Thứ Sáu, 15/06/2007, 10:00
Tại cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hôm 27/5, có đến 97% trong tổng số 12 triệu cử tri Syria (dân số 18 triệu người) đã bầu Tổng thống Bashar Assad thêm một nhiệm kỳ 7 năm nữa.

 

Đây là kết quả nằm ngoài dự đoán của nhiều người trước đó cho rằng ông B. Assad khó có thể giành được sự ủng hộ cao của dân chúng Syria do những khó khăn về đối ngoại mà nước ông đã và đang phải đối mặt.

Tổng thống Syria Basharal-Assad năm nay 42 tuổi (sinh ngày 11-9-1965), là con thứ ba của cố Tổng thống nổi tiếng Syria Hafez al-Assad. Trước khi bước chân vào chính trường, B. Assad là bác sĩ nhãn khoa. Ông tốt nghiệp khoa Y, Đại học Damascus và sau đó học chuyên khoa Mắt tại London.

Vì là con thứ trong một gia đình Hồi giáo nên B. Assad được nhiều người mô tả là người nhút nhát và hay e dè, kín đáo. Tuy vậy, ông vẫn giữ được phong cách của một trí thức được đào tạo qua trường lớp phương Tây, nói thông thạo tiếng Pháp và tiếng Arập (thuở nhỏ học trường song ngữ Pháp - Arập Al-Hurriyet ở Damascus).

Việc B. Assad lên làm Tổng thống Syria hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch, vì chính người anh trai Basil mới là người được ông Hafez Assad chỉ định thay thế. Còn bản thân Bashar thì khi đó không hề quan tâm tới chính trị. Nhưng sau khi Basil đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông vào năm 1994, chính trị đã “níu tay” Bashar.

Thế là, ngay sau khi Basil qua đời, Bashar đã phải đăng ký vào Học viện Quân sự Homs ở phía bắc Damascus. 5 năm sau (tháng 1/1999), ông được thăng lên chức đại tá. Khi ông Hafez Assad qua đời, Bashar dù chỉ mới hơn 34 tuổi vẫn ra ứng cử và trở thành tổng thống Syria nhờ quy định mới về tuổi ứng cử trong Hiến pháp (tối thiểu 34 tuổi được ứng cử tổng thống).

Trong nhiệm kỳ 7 năm đầu tiên, B. Assad được nhìn nhận là người có đầu óc cải cách. Thời ông Hafez Assad còn sống, nền kinh tế Syria chủ yếu là kinh tế kế hoạch tập trung. Sau khi lên nắm quyền, mặc dù rất thận trọng, B. Assad đã tiến hành một loạt thay đổi và được đánh giá là có phong cách lãnh đạo thông thoáng hơn nhiều so với cha mình.

Syria dưới quyền lãnh đạo của ông đã đạt được nhiều tiến bộ về kinh tế; thị trường hàng hóa được mở cửa, kéo theo làn sóng đầu tư của tư bản dầu mỏ. Bộ mặt Damascus bắt đầu thay đổi, đời sống dân chúng được nâng lên (thu nhập bình quân đầu người năm 2006 của Syria là 1.380 USD).

Theo một số nhà bình luận, thành công nổi bật nhất của ông B. Assad trong nhiệm kỳ qua, chính là duy trì được sự ổn định về mặt an ninh và chính trị, biến Syria thành “ốc đảo bình yên” giữa một khu vực Trung Đông đầy bất ổn và rối loạn về an ninh. Cuộc chiến không có lối thoát tại Iraq, xung đột giữa các phe phái Palestine và giữa người Palestine với người Israel, “nội chiến” tại Liban với sự can thiệp thô bạo của các thế lực bên ngoài, càng chứng minh rằng, sự bình yên mà Syria có được có giá trị như thế nào. “Syria cũng có những vấn đề riêng, nhưng ở Syria bạn không bị giết chết khi ra khỏi nhà như ở Iraq hay Liban" – Andrew Tabler, Tổng biên tập tờ báo tiếng Anh Syria Today nói. Và đấy chính là điều mà dân chúng Syria xem trọng nhất.

Nhưng “ốc đảo bình yên” Syria hiện đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ bên ngoài, chủ yếu là từ phía Mỹ và phương Tây. Kể từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003, Syria đã bị liệt vào danh sách các nước “xấu” do bị cáo buộc bảo trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan như Hezbollah ở Liban, Hamas ở Palestine và các lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở Iraq.

Năm 2005, vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafik Hariri xảy ra đã khiến cho Syria phải rút quân đội ra khỏi Liban và hứng chịu thêm sức ép do các cáo buộc của Chính phủ Liban (thân phương Tây), phương Tây và Mỹ rằng Syria đứng đằng sau vụ án. LHQ đã mở cuộc điều tra (do Ủy ban Mehlis phục trách).

Tháng 10/2005, Ủy ban Mehlis tung ra bản báo cáo trong đó chỉ phê phán Syria “thiếu hợp tác”, hoàn toàn không tìm được chứng cứ nào cho thấy sự dính líu của Syria. Báo cáo đó đã không làm hài lòng phương Tây, vì vậy Ủy ban Mehlis bị giải tán, và thay thế bởi một ủy ban điều tra khác do ông Serge Brammertz (người Bỉ) dẫn đầu tiếp tục cuộc điều tra cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước sau, Syria đều phủ nhận dính líu của mình vào vụ án, và bảo lưu quyền từ chối thẩm vấn đối với các quan chức cấp cao của chính phủ.

Hiện nay, Mỹ và phương Tây đang ráo riết vận động thành lập tòa án quốc tế xét xử vụ án R. Hariri. Hẳn nhiên, Mỹ, phương Tây và các đồng minh ở Liban mong muốn sớm thành lập tòa án không chỉ để điều tra và xét xử vụ án R. Hariri (và vài vụ khác nữa), mà còn nhằm mục tiêu xa hơn là nhắm vào các quan chức thân cận của Tổng thống B. Assad trong Chính phủ Syria.

Tuy nhiên, việc thành lập tòa án này đang gây nên cuộc tranh cãi gay gắt giữa các bên liên quan. Nga – một thành viên thường trực HĐBA LHQ – tuy không chính thức phản đối nhưng cũng không ủng hộ vì cho rằng một tòa án như thế không chỉ nhấn chìm Liban trong biển lửa nội chiến mà còn gây “cháy lan” ra khu vực do tác động dây chuyền mà Mỹ và phương Tây muốn nhắm vào Syria.

Tổng thống Syria B. Assad mới đây đã tuyên bố sẽ không hợp tác với tòa án quốc tế ở Liban nếu nó “vi phạm luật pháp Syria”, vì sự hợp tác như vậy đồng nghĩa với việc cho phép điều tra thẩm vấn hàng loạt quan chức an ninh và Chính phủ Syria, và như vậy sẽ tước mất chủ quyền của Syria, khiến cho “luật pháp Syria sẽ không thể bảo vệ được công dân Syria”.

Trong quá khứ lẫn hiện tại, Syria luôn là một thế lực không thể thiếu đối với vấn đề ổn định hòa bình và an ninh khu vực Trung Đông. Không có sự ra tay giúp đỡ của Syria, nội chiến ở Liban chưa biết khi nào chấm dứt. Đó là chưa kể những ảnh hưởng về mặt kinh tế đối với nước láng giềng nhỏ bé này.

Với Iraq ở phía đông, Syria đang đóng vai trò “trại tị nạn khổng lồ”, hiện đang chứa gần 2 triệu người tị nạn từ Iraq tràn qua biên giới để chạy trốn tình trạng an ninh nguy hiểm ở quê nhà. Vấn đề đang đặt ra cho Syria không chỉ là giải quyết khủng hoảng nhân đạo mà quan trọng hơn là làm thế nào để tình hình Iraq bớt rối loạn, an ninh ổn định hơn.

Syria đang ngày càng được giới bình luận đánh giá cao trong việc bình ổn hòa bình, an ninh khu vực Trung Đông, là một trong 2 quốc gia có thể khiến cho các nhóm Hồi giáo cực đoan nghe theo. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà Ủy viên phụ trách đối ngoại EU Javier Solana đã đến thăm Damascus hồi cuối tháng 3/2007.

Tháng 4 vừa qua, đến lượt Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) cùng phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến thăm và làm việc với lãnh đạo Syria. Tại Hội nghị Sharm el-Sheikh (Ai Cập) ngày 3-5, lần đầu tiên Ngoại trưởng Condoleezza Rice của Mỹ và Ngoại trưởng Walid Moallem của Syria đã gặp nhau trong 30 phút. Dù chưa thể khai thông được vấn đề gì, nhưng cuộc gặp cũng đủ để tạo nên một “bước đệm” cần thiết tiến tới đối thoại như đang diễn ra giữa Mỹ và Iran

An Châu (Tổng hợp)
.
.