TGĐ IAEA công du Iran: Liệu có tháo được “ngòi nổ hạt nhân”?

Thứ Năm, 15/10/2009, 14:45
Chuyến công du tới Tehran (từ ngày 3/10) của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi nó diễn ra ngay sau thành công bước đầu của cuộc đàm phán giữa Iran với "Nhóm P5+1" (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hôm 1/10 vừa qua.

Trọng tâm chuyến công du của ông ElBaradei là đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, nhất là khi Tehran thông báo với IAEA về nhà máy làm giàu uranium thứ 2 trước thềm cuộc đàm phán với "Nhóm P5+1" (hạ tuần tháng 9).

"Nhóm P5+1" hy vọng, cuộc thanh sát ngày 25/10 có thể giải đáp được những câu hỏi xung quanh 2 nhà máy làm giàu uranium - cung cấp thông tin chi tiết và cho phép các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tiếp cận nhà máy làm giàu uranium mới càng sớm càng tốt.

Việc chấp thuận để IAEA thanh sát nhà máy làm giàu uranium thứ 2 tại Qom vào ngày 25/10 là kết quả đàm phán giữa ông Mohamed ElBaradei với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili.

Việc này cũng được coi là dấu hiệu tích cực trong tiến trình giải quyết "vấn đề hạt nhân của Iran". Tuy nhận được những thông tin tích cực kể trên, nhưng Mỹ vẫn muốn "giương cây gậy" khi tuyên bố, Washington để ngỏ khả năng tăng cường trừng phạt đối với Iran nếu nước này không thực hiện những cam kết đạt được tại cuộc đàm phán với "Nhóm P5+1".

Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice tuyên bố, Washington sẽ không "dài cổ chờ đợi" việc Tehran minh bạch hóa chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình. Tổng thống Barack Obama cũng từng tuyên bố, lời nói không thể thay cho hành động và sự kiên nhẫn của Mỹ là có hạn. Việc Iran đồng ý xuất uranium sang nước thứ ba để làm giàu tuy được dư luận đánh giá cao, nhưng đối với phương Tây là chưa đủ.

Bên lề cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa Iran với "Nhóm P5+1" kể từ cuộc hội đàm hồi tháng 7/2008, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns đã có cuộc hội đàm song phương chính thức đầu tiên với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili.

Ông Saeed Jalili cho biết, từ hạ tuần tháng 8 Iran đã cho phép LHQ thanh tra lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại địa phận nhà máy làm giàu uranium Natanz. Tổng thống Barack Obama coi đây là sự khởi đầu mang tính xây dựng, còn Ngoại trưởng Hillary Clinton muốn Tehran có các hành động cụ thể sau kết quả vừa đạt được.

Tại buổi họp báo chung với ông Ali Akbar Salehi (4/10), ông ElBaradei đã đưa ra tuyên bố gây sốc khi cho rằng, vũ khí hạt nhân của Israel là mối đe dọa số một đối với khu vực Trung Đông. Nhiều người so sánh, Israel, Pakistan và Ấn Độ, những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy luôn từ chối ký hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và không chịu sự giám sát của IAEA, nhưng không vấp phải sự phản đối giống như Iran đang phải đương đầu.

Sau cuộc hội đàm với Tổng giám đốc Mohamed ElBaradei, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã tuyên bố (4/10), nhờ sự hợp tác tốt đẹp giữa Tehran và IAEA, những vấn đề quan trọng đã được giải quyết và không còn tồn tại sự mơ hồ về vấn đề này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jim Jones cũng thừa nhận, có tiến bộ trong việc hợp tác hạt nhân của Iran, đồng thời phủ nhận tin cho rằng, Tehran đang tiến gần hơn đến việc chế tạo bom nguyên tử. Ông Jim Jones nhấn mạnh, những gì liên quan đến Iran diễn ra trong vài tuần qua là rất đáng kể và Washington hài lòng với mức độ hợp tác của Tehran.

Nhưng theo một báo cáo mới đăng trên mạng của tờ New York Times hôm 3/10, IAEA lại cho rằng, Tehran đã có đủ dữ liệu để chế tạo bom hạt nhân. Ngay sau khi thông tin kể trên được đăng tải, một số nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu phải "làm rõ vấn đề này".

Ông ElBaradei khẳng định, cho tới thời điểm này IAEA không tìm thấy bằng chứng cụ thể nào về chương trình vũ khí hạt nhân tại Iran. Tổng giám đốc IAEA cũng nhấn mạnh, "vấn đề hạt nhân của Iran" chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và các biện pháp ngoại giao.

Mặc dù coi cuộc đàm phán với các quan chức Iran là tích cực, nhưng ông Mohamed ElBaradei vẫn nhấn mạnh, Tehran cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA để chứng minh chương trình hạt nhân của mình là nhằm mục đích hòa bình. Trước đó (hôm 30/9), ông ElBaradei cho rằng, Iran đã phạm luật vì không khai báo với IAEA về nhà máy làm giàu uranium thứ 2 khi khởi công xây dựng.

Theo giới truyền thông, trước khi IAEA tiến hành thanh sát nhà máy làm giàu uranium thứ 2, các quan chức hữu trách của Mỹ, Pháp, Nga và Iran sẽ có cuộc hội đàm hôm 19/10 tại Vienna, Áo để bàn phương thức vận chuyển khoảng 1,2kg uranium đã làm giàu ở mức độ thấp của Tehran tới Nga. Iran luôn khẳng định quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cho rằng, Tổng thống Barack Obama đã mắc sai lầm lớn khi nói, Iran che giấu cơ sở hạt nhân bởi Tehran công bố sớm hơn 1 năm so với quy định của IAEA. Tehran khẳng định, cơ sở hạt nhân mới sẽ không hoạt động trong vòng 18 tháng tới, đồng thời yêu cầu các nước phương Tây không can thiệp vào công việc của IAEA.

Dư luận cũng quan tâm tới tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông tiết lộ, đã trao cho Moskva một bản danh sách các nhà khoa học Nga bị nghi đang giúp Iran phát triển đầu đạn hạt nhân khi có chuyến thăm bí mật và hội đàm với Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Putin hồi tháng 9

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.