Tái khởi động Hội nghị Normandy về Ukraine

Thứ Tư, 11/12/2019, 15:53
Chiều 9-12, các lãnh đạo 4 nước thuộc nhóm “Bộ tứ Normandy” về Ukraine đã lần lượt đến Paris, Pháp để tham gia Hội nghị cấp cao 4 bên về Ukraine, còn gọi là Hội nghị 4 bên Normandy.

Hội nghị lần này sẽ là cơ hội gặp mặt lần đầu tiên giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với Tổng thống Nga Vladimir Putin, là một nỗ lực thực hiện lời hứa của ông Zelenskiy.

Hội nghị cấp cao Normandy về Ukraine diễn ra giữa lãnh đạo 4 quốc gia, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Đây là hội nghị mang tính chất đàm phán dài hạn giữa nguyên thủ hai nước Nga và Ukraine, còn Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đóng vai trò trung gian hòa giải.

Mục tiêu của hội nghị là đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi nhất cho vùng Donbass, thuộc miền Đông Ukraine, nơi cuộc chiến ly khai vẫn chưa chấm dứt giữa chính phủ ở Kiev với hai nước tự phong Cộng hòa nhân dân Luhansk và Cộng hòa nhân dân Donetsk.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có cuộc gặp đầu tiên tại Paris.

Hội nghị 4 bên Normandy lần này được tái khởi động sau 3 năm gián đoạn, đánh dấu một bước đi mới trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp ổn định lâu dài cho miền Đông Ukraine. Hội nghị được khai sinh vào tháng 6-2014, bên lề lễ kỷ niệm 70 năm Ngày đổ bộ lên vùng Normandy, Pháp của quân Đồng minh trong Thế chiến II.

Tại thị trấn Benouville, miền Bắc nước Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande phối hợp Thủ tướng Đức Merkel làm trung gian tổ chức cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko.

Song song với Hội nghị 4 bên Normandy còn có những nỗ lực hoạt động của một nhóm ngoại giao có tên gọi là Nhóm tiếp xúc 3 bên (TCG) bao gồm đại diện của Nga, Ukraine, các quốc gia thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác kinh tế (OSCE) và đại diện hai nước Cộng hòa nhân Donetsk và Luhansk. Nhóm này cũng ra đời vào tháng 6-2014 và mục tiêu hoạt động tương tự như Hội nghị 4 bên Normandy.

Những nỗ lực đáng ghi nhận đầu tiên của TCG là tổ chức hội nghị toàn thể tại Minsk, Belarus vào ngày 5-9-2014 và ký kết, thông qua Nghị định thư Minsk, còn gọi là “Minsk-1”.

Tháng 10-2014, “Bộ tứ Normandy” họp lần 2 bên lề Hội nghị cấp cao ASEM tại Milan, Italy. Tại đó lãnh đạo 4 quốc gia thảo luận các điều khoản nêu trong “Minsk-1” và lần đầu tiên các bên tham gia hội nghị đã đồng ý các điều khoản bao gồm: rút các hình thức triển khai vũ trang trái phép khỏi lãnh thổ Ukraine; trao quy chế đặc biệt cho vùng Donbass; ân xá cho những người không phạm các tội nghiêm trọng; trao đổi tù nhân và tổ chức bầu cử địa phương cho vùng này.

Sau hội nghị, các bên tỏ vẻ lạc quan về khả năng tìm được giải pháp ngừng bắn lâu dài tại vùng Donbass. Thế nhưng, trên thực tế, chiến sự vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn. Đầu năm 2015, chiếh sự bắt đầu leo thang dữ dội tại sân bay Donetsk và thị trấn Volnovakha làm chết 13 người.

Như vậy là Minsk-1 thất bại và các bên lại thấy cần thiết tổ chức những cuộc đàm phán mới. Lãnh đạo “Bộ tứ Normandy” lại nhóm họp vào ngày 11-2-2015, đàm phán kéo dài liên tục trong 16 giờ và kết quả là các bên cùng ký kết một thỏa thuận mới, đặt tên là “Minsk-2”.

Thỏa thuận Minsk-2 không khác mấy so với Minsk-1 nhưng khác ở chỗ nó được ký kết bởi cấp nguyên thủ quốc gia vì thế hiệu lực thi hành có phần mạnh hơn, nội dung văn bản cũng cụ thể, rõ ràng hơn về quy trình thủ tục thi hành: Đó là, trước hết phải tổ chức bầu cử địa phương tại các vùng lãnh thổ ly khai, sau đó Ukraine sẽ nắm quyền kiểm soát đường biên giới với Nga. Thế nhưng, bộ sậu ở Ukraine lại không đồng tình với phương án này mà đòi phục hồi quyền kiểm soát vùng biên giới với nước Nga trước bầu cử.

Quy trình thực thi các điều kiện khác trong thỏa thuận cũng được hiểu và diễn giải không nhất quán nhau như thế, đặc biệt là “Bộ tứ Normandy” đã không nhất trí được về việc “cái nào làm trước, cái nào sau” giữa bầu cử và quy chế đặc biệt cho vùng Donbass.

Để giải tỏa bế tắc, Ngoại trưởng Đức khi đó là ông Frank-Walter Steinmeier đã đề xuất giải pháp đột phá: Quy chế đặc biệt vùng Donbass sẽ có hiệu lực tạm thời vào ngày bầu cử địa phương. Nếu OSCE công nhận cuộc bầu cử là công bằng và hợp pháp thì quy chế sẽ tiếp tục có hiệu lực.

Giải pháp này được Steinmeier đưa ra tại Hội nghị 4 bên Normandy ngày 2-10-2015, thảo luận kéo dài suốt 4 giờ và kết quả là các bên tham gia đều thừa nhận họ không thể thực thi các thỏa thuận Minsk vào cuối năm. Lần cuối cùng Hội nghị 4 bên diễn ra tại Berlin (Đức) vào ngày 19-10-2016 nhưng không có văn bản nào được thông qua.

Sau hội nghị đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố không tham gia Hội nghị 4 bên Normandy nữa vì nó không mang lại hiệu quả thiết thực. Suốt 3 năm qua, đã có nhiều nỗ lực thực thi các thỏa thuận Minsk, chủ yếu là trong vấn đề trao đổi tù nhân, với hàng trăm người Ukraine và Nga đã được trả tự do.

Đầu năm 2019, khi ông Zelenskiy lên làm Tổng thống Ukraine, các nỗ lực tìm giải pháp cho vùng Donbass bắt đầu được quan tâm trở lại. Nhưng để đi đến hội nghị tại Paris, các bên Nga và Ukraine đã phải tạm thời chấp nhận “công thức” của ông Steinmeier: Quy chế đặc biệt cho vùng Donbass phải có trước.

Đến dự Hội nghị 4 bên lần này, Tổng thống Ukraine mang theo kỳ vọng sẽ tìm được giải pháp cho vấn đề an ninh vùng Donbass. Có 3 vấn đề trọng tâm được ông Zelenskiy quan tâm nhất, đó là đạt thỏa thuận về trao đổi tù nhân, xác định có bao nhiêu công dân Ukraine có thể được trả về và khi nào; dàn xếp một kế hoạch ngừng bắn lâu dài; bảo đảm rút tất cả các lực lượng vũ trang trước khi tiến hành bầu cử địa phương tại các vùng lãnh thổ không thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Kiev.

Trước khi đến Paris, ông Zelenskiy đã tuyên bố ông mong muốn bầu cử địa phương vùng Donbass trùng khớp với kỳ bầu cử quốc gia Ukraine vào tháng 10-2020. Ngoài ra, Kiev cũng muốn đưa thêm người vào nhóm tiếp xúc TCG nhưng vấn đề này không nhận được sự đồng tình của các bên còn lại.

An Châu (tổng hợp)
.
.