“Tam giác chiến lược” trong quan hệ Ukraina – Nga - EU

Thứ Tư, 01/12/2010, 17:15
Chuyến thăm Brussels hôm 22/11 vừa qua của Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych đã đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa quốc gia chiến lược này với Liên minh châu Âu, đồng thời xác định một mô hình quan hệ đối tác mới giữa Kiev với Moskva và Brussels.

Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo EU, Tổng thống Yanukovych đã khẳng định rằng, Ukraina đang nỗ lực "trên tinh thần xây dựng một tam giác đối tác Russia-Europe-Ukraina". Ông Yanukovych nhấn mạnh, mô hình quan hệ này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho EU. Đó chính là bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng ổn định và giúp duy trì quan hệ chiến lược "đôi bên cùng có lợi" với Nga.

Lâu nay, năng lượng luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong quan hệ ngoại giao giữa Ukraina với Nga và châu Âu. Xét về địa chính trị thì rõ ràng Ukraina có vị trí chiến lược hết sức quan trọng: nằm "chèn" giữa Nga với các nước phương Tây, đặc biệt là giáp ranh với 4 nước thuộc EU, từ đó Ukraina nghiễm nhiên là hành lang năng lượng quan trọng bậc nhất nối tuyến đường cung cấp năng lượng từ Nga sang châu Âu. Rõ ràng là, việc Ukraina tăng cường cải thiện quan hệ với Nga không chỉ thỏa mãn mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại của Kiev mà còn có ích lợi cho EU về lâu dài. Quan hệ nồng ấm giữa Nga-Ukraina hoàn toàn có thể giúp giải quyết được những vấn đề gút mắc liên quan đến tuyến cung cấp năng lượng đi qua Ukraina.

Ông Yanukovych đến thăm Brussels lần này với một tư thế khác hẳn. Sau 9 tháng làm Tổng thống Ukraina, Yanukovych đã cho trình làng một Ukraina mới, khác hẳn so với thời kỳ "cách mạng cam" trước đây. Ukraina của ông Yanukovych giờ đây xem ổn định chính trị trong nước là một tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế. Trong quan hệ đối ngoại, mặc dù vẫn xem việc hội nhập với châu Âu là chiến lược lâu dài, nhưng để duy trì được sự ổn định chính trị trong nước thì Kiev dưới thời Yanukovych xem mối quan hệ gần gũi với Nga là yếu tố sống còn.

Ông Viktor Yanukovych từng là Thủ tướng Ukraina dưới thời Tổng thống Leonid Kuchma. Xuất thân từ miền Đông Ukraina, nơi có đa số dân nói tiếng Nga, Yanukovych đương nhiên là người thân Nga, có quan điểm và chính sách điều hành đất nước theo chiều hướng gần gũi với Nga hơn là chạy theo phương Tây. Sau cuộc "cách mạng cam" tháng 11/2004, ông Yanukovych thất bại trong cuộc bầu cử bổ sung sau đó, nhưng vẫn không chịu đầu hàng, và đã từng trở lại chức Thủ tướng (2006-2007) sau khi đảng Các khu vực của ông giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Quốc hội.

Với việc ông Yanukovych giành chiến thắng thuyết phục trước các ứng cử viên của “cách mạng cam" Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko để lên làm Tổng thống Ukraina một cách "danh chính ngôn thuận", phương Tây bắt đầu lo ngại thật sự trước khả năng Ukraina quay trở lại vùng ảnh hưởng của Nga. Phương Tây đương nhiên chỉ trích các chính sách điều hành đất nước của ông Yanukovych vì cho rằng nó "na ná" cách điều hành nước Nga của Vladimir Putin hay Dmitri Medvedev hiện nay. Sự giống nhau về mô hình điều hành đất nước được quy cho là một phần trong chính sách hướng về Nga của ông Yanukovych.

Phương Tây đã không phải chờ đợi lâu, vì ông Yanukovych đã tuyên bố ngay sau khi thắng cử hồi tháng 2/2010 rằng "ưu tiên hàng đầu của Ukraina là cải thiện và duy trì quan hệ tốt đẹp với nước Nga". Tiếp theo đó là những động thái hủy bỏ tiến trình gia nhập EU và NATO. Tháng 4/2010, Tổng thống Yanukovych tiếp tục có thêm động thái tích cực cải thiện quan hệ với Nga khi ký kết một văn kiện gia hạn thời gian cho Nga thuê căn cứ Hải quân Sevastopol trên bán đảo Crưm đến năm 2042 để đổi lấy việc Nga tiếp tục cung cấp khí đốt giá rẻ.

Tổng thống Ukraina Yanukovych (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso.

Đối với EU, tuy vẫn quan tâm vấn đề cải cách ở Ukraina, nhưng việc xem xét kết nạp thành viên đối với Kiev hiện đang giẫm chân tại chỗ. Một mặt, tiến trình đó đã bị ách lại từ sau khi ông Yanukovych lên nắm quyền; mặt khác, sau khi đã kết nạp 12 thành viên mới vào năm 2004, với những vấn đề khó giải quyết về kinh tế kèm theo, EU đang phải rất thận trọng trước khi kết nạp thêm thành viên mới nữa. Ukraina hiện đang gặp khó khăn về kinh tế do hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, buộc phải cầu cứu Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của phe "cách mạng cam" đồng thời khiến cho niềm tin của dân chúng vào "cách mạng cam" tụt giảm thê thảm.

"Cả xã hội Ukraina đã chán ngán hoàn cảnh sống bất ổn dẫn đến kinh tế suy sụp và nghèo đói" - ông Yanukovych đã từng nói thế trước đám đông dân chúng Ukraina. Không thể phủ nhận một điều rằng, Ukraina từ ngày ông Yanukovych lên nắm quyền đã không còn cảnh đấu đá hỗn loạn giữa các phái chính trị nữa, đồng thời những vấn đề khó khăn về kinh tế do hậu quả từ người tiền nhiệm để lại cũng đang dần dần tìm thấy hướng cải thiện.

Hơn nữa, từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Yanukovych đã được Tòa án Hiến pháp trao cho thêm nhiều quyền hạn hơn, kể cả quyền bổ nhiệm và sa thải chính phủ bất cứ lúc nào. Và ông Yanukovych đã vận dụng những quyền lực mới này để thúc đẩy các cải cách quan trọng để giúp đất nước Ukraina tiến lên phía trước. Điều đó cũng khiến cho EU "cảm thấy hài lòng" và không muốn can thiệp sâu vào chuyện nội bộ ở Ukraina nữa; nói cách khác, mặc dù vẫn muốn Ukraina đẩy mạnh tiến trình cải cách, nhưng Burssels không còn "o ép" Kiev theo ý mình như trước đây.

Duy trì quan hệ chiến lược với Nga đồng thời thúc đẩy các quan hệ đối tác lâu dài với EU là điều mà ông Yanukovych đang cố gắng thực hiện nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi những hậu quả của khủng hoảng kinh tế, hướng đến một tương lai phát triển mới

An Châu (tổng hợp)
.
.