Tân Chính phủ Đức: Bộ trưởng Y tế là người gốc Việt

Thứ Hai, 02/11/2009, 23:15
Trong 16 gương mặt xuất hiện tại lễ nhậm chức của tân nội các do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu vào ngày 28/10, dư luận đặc biệt quan tâm tới người thay thế Bộ trưởng Y tế Ulla Schmidt, đó là ông Philipp Roesler, người Đức gốc Việt.

Những cái nhất đáng tôn trọng

Không những là người châu Á đầu tiên trong Chính phủ Đức từ trước đến nay, ông Philipp Roesler còn là thành viên trẻ nhất trong tân nội các của Thủ tướng Angela Merkel. Theo giới bình luận, tân Bộ trưởng Y tế là người có năng khiếu chính trị, cách hành xử khôn ngoan, ứng khẩu tài tình và có đầu óc thực tiễn. Nhiều chính trị gia còn gọi ông Philipp Roesler là "nhà thông thái".

Tuy mới tham chính từ năm 1992, nhưng ông Philipp Roesler đã nhanh chóng được lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (FDP) tin tưởng và giao trọng trách lớn. Với tư cách Chủ tịch FDP, đồng thời là Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nên ông Guido Westerwelle muốn có một trợ thủ đắc lực trong chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Angela Merkel. Và ông Philipp Roesler đã được chọn để trở thành Bộ trưởng Y tế.

Theo giới truyền thông, sau khi được bầu làm lãnh đạo đảng FDP ở bang Lower Saxony (tháng 5/2005 với số phiếu cao nhất: 95%), bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực được cử giữ nhiều trọng trách. Tháng 3/2006, được bầu làm Chủ tịch FDP tại bang Lower Saxony với số phiếu lên tới 96,4%.

Sau khi được cử thay thế ông Walter Hirche (đầu năm 2009), làm người phụ trách kinh tế của bang Lower Saxony, ông Philipp Roesler đã trở thành người Đức gốc Việt đầu tiên đảm nhiệm cương vị này. Trước khi đảm trách những cương vị kể trên, ông Philipp Roesler đã lấy bằng Tiến sĩ Y khoa năm 2002. Năm 2006, ông Philipp Roesler đã có chuyến trở về Việt Nam, thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Hiện ông đang sống với vợ, một bác sĩ và 2 cô con gái (sinh đôi).

Sinh ra ở Khánh Hòa, Việt Nam (24/2/1973), ngay từ 9 tháng tuổi, ông Philipp Roesler đã được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi. Lọt lòng đã phải sống trong trại trẻ mồ côi ở Khánh Hòa. Lên 4 tuổi, ông tiếp tục sống "cuộc đời người lính" sau khi bố mẹ nuôi chia tay nhau.

Vì sống với bố nuôi là quân nhân chuyên nghiệp nên tân Bộ trưởng Y tế đã theo học Đại học Y tại thành phố Hannover. Năm 19 tuổi, Philipp Roesler tham gia quân đội và trở thành bác sĩ quân y. Tân Bộ trưởng Philipp Roesler  cho biết, cha nuôi của ông cũng từng khuyên con trai, tham chính giống như nghề diễn viên, phải biết dừng khi khán giả còn đang vỗ tay.

Thách thức không nhỏ

Không phải đợi tới lễ nhậm chức, mà ngay sau khi được Thủ tướng Angela Merkel đề cử (24/10), dư luận đã biết tới danh tiếng của tân Bộ trưởng Philipp Roesler. Ngay sau khi biết tin kể trên, nhiều tờ báo lớn của Đức đã đưa tin về sự kiện này với dòng tít tại trang nhất "Câu chuyện cổ tích của một đứa trẻ mồ côi trở thành Bộ trưởng".

Chủ tịch FDP Guido Westerwelle có ấn tượng rất tốt đối với ông Philipp Roesler. Giới quan sát coi thành công của ông Philipp Roesler là ví dụ điển hình của sự tiến thân nhanh chóng trong sự nghiệp chính trị với những quyết định chính xác tại từng thời điểm cụ thể.

Thủ tướng Angela Merkel (giữa) và ông Philipp Roesler (phải).

Nhiều người nói vui rằng, Thủ tướng Angela Merkel có cảm tình với người Việt Nam sau khi ghé thăm quán ăn "Soup & Nem" ở thành phố Leipzig vào  ngày 15-9 khi đang trên đường vận động tranh cử. Theo thống kê của cơ quan chức năng Đức, hiện có khoảng 85.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại nước này. Trong đó có 60.000 người đã được Chính phủ Đức cho phép ở lại bởi họ có điều kiện làm ăn ổn định.

Việc duy trì được đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn chưa kết thúc giai đoạn "hoành hành" là thách thức lớn đối với tân nội các, và đó cũng là một thử thách lớn của tân Bộ trưởng Philipp Roesler. Đối phó thành công với đại dịch cúm A/H1N1 là thử thách đầu tiên của ông Philipp Roesler sau khi chính thức làm Bộ trưởng Y tế.

Trở thành người thay thế Bộ trưởng Ulla Schmidt, cũng đồng nghĩa với việc ông Philipp Roesler phải chịu trách nhiệm đối với tiến trình cải cách hệ thống y tế Đức. Ngày 27/7 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Ulla Schmidt từng bị dư luận chỉ trích sau khi chiếc xe hơi Mercedes trị giá gần 130.000 USD (tài sản công) bị đánh cắp khi bà đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha.

Theo giới truyền thông, ngay sau khi thành lập tân nội các, mọi thành viên trong chính phủ trung hữu mới đều đồng ý trên nguyên tắc, theo đó thuế thu nhập sẽ được cắt giảm khoảng 24 tỉ euro trong 3 năm (2011-2013). Một trong những thay đổi lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Angela Merkel là thúc đẩy cải cách hệ thống chăm sóc y tế, tăng trợ cấp cho trẻ nhỏ và cắt giảm thuế. Điều này đồng nghĩa với việc tân Bộ trưởng Philipp Roesler sẽ phải gánh trọng trách lớn trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với tân Bộ trưởng Y tế là tìm nguồn gây quỹ cho việc cải cách hệ thống y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế được xã hội Đức đặc biệt quan tâm bởi đảm trách việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hơn nữa, việc cải cách hệ thống bảo hiểm y tế Đức là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi của nhiều đời Thủ tướng và việc này không thể làm trong một sớm một chiều.

Không những phải điều phối khoản ngân quỹ trị giá 6,6 tỉ USD, tìm cách "bù đắp" những thiếu hụt trước đó, tân Bộ trưởng Philipp Roesler còn phải khiến người dân Đức cảm thấy được hưởng lợi từ việc cải cách hệ thống y tế nước này

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.