Tân Giám đốc Cơ quan Tình báo Afghanistan: Lấy nhu khắc cương

Thứ Sáu, 23/01/2015, 11:20
Giám đốc Tình báo Quốc gia Afghanistan (NDS) Rahmatullah Nabil, 46 tuổi, là một hình ảnh trái ngược với nhiều người tiền nhiệm của ông - những người thích bạo lực, ham tra tấn, luôn tạo ra sự sợ hãi và lên án.

Nhiều người Afghanistan lo rằng, tính cách mềm mỏng, quá "hiền" của ông sẽ khó lòng thực hiện nhiệm vụ khó khăn là đánh bại Taliban. Giới chức Afghanistan và phương Tây còn lo rằng Nabil có vẻ không quyết liệt lắm với việc hiện đại hóa và kiểm soát hoạt động của cơ quan tình báo vốn nổi tiếng bạo lực cho nên sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ.

Ngược lại, một số người lại cho rằng chính cái vẻ bề ngoài "hiền lành", không có vẻ gì mang phong cách của một bậc thầy tình báo chuyên nghiệp đó lại thích hợp cho công việc lãnh đạo tình báo quốc gia vì các điệp viên giỏi nhất là những người ít ai chú ý đến nhất. Nabil thích phong cách "ít ai chú ý".

Trong khi Mỹ và các cường quốc châu Âu thu hẹp vai trò của mình trong cuộc chiến và rút quân, thì Nabil vẫn chiến đấu quyết liệt để chặn đà xâm lấn của Taliban và chặn các tàn dư của Al-Qaeda "hồi sinh", đồng thời  ngăn ngừa Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên kết với các thành phần Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan.

Sinh ra ở một ngôi làng nông thôn phía Nam Kabul, Nabil mồ côi cha từ khi còn bé và sống thời thơ ấu cùng với một người chú ở Kabul. Giữa thập niên 80 thế kỷ XX, Nabil được Chính phủ Afghanistan do Liên Xô hậu thuẫn cử sang Pakistan để học. Giai đoạn đó, mẹ Nabil phải làm nghề thêu may quần áo để lấy tiền gửi sang cho ông ăn học. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư công chính. Nabil tham gia công tác giúp đỡ người tị nạn ở miền Đông Afghanistan, và chính việc làm đó khiến ông được tuyển vào làm việc cho cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Kabul, trải qua công việc đó trong suốt thời gian Taliban nắm quyền. Nabil kể, ông từng 2 lần bị Taliban phạt vạ vì để râu quá ngắn!?

Chính công việc tại LHQ đã đưa Nabil đến với vị trí trong Hội đồng An ninh Quốc gia vào năm 2004, dưới thời Tổng thống Hamid Karzai. Nabil nhanh chóng được cất nhắc lên làm chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Tổng thống. Vị trí công tác đó cho Nabil một cơ hội để ông chứng minh cái "chất" cứng rắn nấp bên dưới vỏ bọc kỹ sư hiền lành của mình. Vận số Nabil bắt đầu thay đổi vào năm 2008 sau khi đơn vị do ông chỉ huy ngăn chặn được một vụ mưu sát Tổng thống Karzai tại một cuộc tuần hành, trong khi hàng trăm sĩ quan cảnh sát và binh sĩ quân đội đã bị rối loạn hàng ngũ.

Hai năm sau, Nabil được Tổng thống Karzai bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan Ban Giám đốc An ninh Quốc gia (NDS). Năm 2012, Nabil lại bị thay thế bởi Assadullah Khalid, người được xem là đồng minh chính trị thân cận của Tổng thống Karzai.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Rahmatullah Nabil.

Tuy nhiên, Khalid khét tiếng là tàn bạo, đã từng cho xây một căn hầm tra tấn trong khu dinh thự riêng, nhưng năng lực làm việc thì không cao. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Khalid đã bị trọng thương trong một vụ đánh bom liều chết do Taliban tiến hành và không thể tiếp tục công việc. Thế là Tổng thống Karzai lại tìm đến Nabil. Đầu tháng 9/2013, Nabil được tái bổ nhiệm Giám đốc NDS.

Dưới thời Nabil làm Giám đốc lần trước, NDS đã thể hiện phong cách hoạt động độc lập khiến CIA bị bất ngờ, vì người Mỹ nghĩ rằng NDS do họ huấn luyện, cung cấp các trang thiết bị và trả lương thì tất phải phụ thuộc hoàn toàn vào họ trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, tình báo Afghanistan dưới sự chỉ huy của Nabil đã triển khai chiến dịch tuyển mộ và biến một số phiến quân khét tiếng nhất khu vực thành chỉ điểm, cộng tác cho mình, đồng thời bí mật triển khai chiến dịch chống Taliban tại khu vực biên giới với Pakistan.

Được đề cử lại chức vụ này trong chính phủ mới của Tổng thống Ashraf Ghani, Nabil đang đối mặt với một số thách thức từ những vấn đề tồn tại trong NDS từ những năm trước đây. Bức màn bí mật xung quanh Cơ quan Tình báo Afghanistan khiến cho nhiều người dân Afghanistan lo sợ hơn là tin tưởng. Cơ quan này có lực lượng bán quân sự riêng, có năng lực do thám bằng thiết bị công nghệ cao do Mỹ trang bị để do thám, theo dõi ngay chính người dân nước mình.

Do được huấn luyện bởi tình báo Mỹ nên cơ quan này cũng không khác gì các "ông thầy" của mình: hồ sơ lưu trữ chứa đầy những vụ tra tấn và lạm dụng tù nhân. Mặc dù Nabil đã lập ra một đơn vị điều tra nội bộ và cho phép các tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế tiếp cận trực tiếp các cơ sở của NDS, nhưng cơ quan này vẫn tiến hành hoạt động nghe lén, theo dõi rộng rãi người dân Afghanistan.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi vừa qua, các điệp viên của NDS đã cố tình rò rỉ các đoạn ghi âm những trao đổi dàn xếp kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho ông Ashraf Ghani. Giới chức Afghanistan và phương Tây không tin ông Nabil có liên quan trong vụ rò rỉ các băng ghi âm, và cả hai phe tranh cử đều tin tưởng Nabil vào tính trung lập của Nabil trong suốt thời gian xảy ra xung đột sau bầu cử. Và hiện nay, Tổng thống Ghani đã cụ thể hóa sự tin tưởng đó bằng việc bổ nhiệm ông làm Giám đốc NDS.

Một thách thức không nhỏ cho Nabil đến từ ngay trong nội bộ NDS. Nguyên thủy cơ quan này do Cơ quan Tình báo KGB của Liên Xô huấn luyện và giúp thành lập vào thập niên 70-80 thế kỷ trước, và hiện nay thành phần do KGB huấn luyện vẫn còn và đang làm việc bên cạnh thành phần xuất thân từ thánh chiến chống Liên Xô cách đây hơn 30 năm. Các điệp viên của 2 nhóm có cái nhìn và thái độ kình chống nhau. Vì vậy, Nabil cho rằng:  "Đưa họ vào cùng chung chiến tuyến là thách thức lớn nhất của chúng tôi".

Để đối phó với thử thách đó, Nabil xây dựng một thế hệ quan chức quản lý mới có khả năng lấp dần hố sâu ngăn cách giữa các nhóm kình địch, và tạo cầu nối giữa Afghanistan và phương Tây. Thành phần điệp viên mới sẽ bao gồm những người từng làm việc cho LHQ, những người sành sỏi, có bằng cấp về công nghệ thông tin, những người trẻ, thanh lịch và có năng lực quản trị được đào tạo bài bản tại Mỹ hoặc châu Âu.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.