Tân TTK LHQ và những thách thức trong nhiệm kỳ mới
Sau khi nhậm chức vào ngày 1/1/2017, ông Gutteres được dự đoán là sẽ đảm nhiệm một trong những công việc ngoại giao khó nhất trên thế giới trong bối cảnh LHQ nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trên mọi lĩnh vực mà chỉ có sự đoàn kết, chung tay góp sức của toàn bộ 193 quốc gia thành viên mới có thể giải quyết được.
Ông Guterres, 67 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002 trước khi giữ chức vụ lãnh đạo Cao ủy LHQ về người tị nạn từ năm 2005 đến 2015, đã giành chiến thắng thuyết phục trước 12 đối thủ nặng ký, gồm các nguyên thủ quốc gia, các nhân viên ngoại giao hàng đầu và người đứng đầu những cơ quan của LHQ trong cuộc chạy đua lần đầu tiên được tiến hành một cách minh bạch và công khai.
Tuy nhiên, giới phân tích, cho rằng thắng lợi này không có nghĩa là ông Guterres sẽ được hưởng “tuần trăng mật”. Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, ông sẽ phải ngay lập tức đảm nhận những nhiệm vụ thường trực của LHQ là tìm các giải pháp chấm dứt tình trạng đói nghèo, xây dựng hòa bình trên thế giới, tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa khủng bố, và bao trùm tất cả là cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn. Ngoài ra, bản thân nội bộ LHQ cũng có rất nhiều vấn đề đang chờ đợi tân Tổng Thư ký giải quyết.
Ông Guterres sẽ điều hành Ban Thư ký LHQ gồm khoảng 40.000 người với ngân sách hằng năm là 13 tỷ USD, song thường xuyên bị chỉ trích là hoạt động còn quan liêu và chưa hiệu quả. Nhiệm kỳ 5 năm của ông Guterres cũng là giai đoạn các quốc gia thành viên LHQ thực thi 17 mục tiêu đề ra trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 để hướng đến một thế giới an ninh, thịnh vượng "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Tuy nhiên, có lẽ thách thức lớn nhất đối với tân Tổng Thư ký là việc phải gây dựng lại sự đoàn kết trong đại gia đình LHQ. Kể từ thời Chiến tranh lạnh, chưa bao giờ cơ quan đa phương lớn nhất toàn cầu này rơi vào tình trạng thiếu đoàn kết như hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế chỉ có thể hóa giải được nếu các quốc gia tìm được tiếng nói và quyết tâm chung như cuộc chiến tại Syria, tình hình Ukraine, Yemen, bán đảo Triều Tiên, sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ...
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng giữ chức vụ điều hành diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh sẽ rất khác so với những chức vụ ông từng nắm giữ. Để đảm đương tốt vai trò Tổng Thư ký, ông Guterres cần phải ghi nhớ những điều như: Ông phải công nhận rằng ông "mắc nợ" 5 nước thành viên HĐBA LHQ vì họ đã đặt ông vào vị trí này.
Ông sẽ phải sống trong một "ngôi nhà ọp ẹp" do 5 thành viên thường trực dựng lên, không được về phe với thành viên này để chống lại thành viên kia. 5 quốc gia này sẽ thường xuyên bị chia rẽ, phản ánh những lợi ích quốc gia của họ trong các vấn đề toàn cầu, và do đó làm bế tắc HĐBA, như trong thời Chiến tranh lạnh. Do vậy, ông Guterres sẽ phải điều chỉnh để thích nghi.
Ông Antonio Guterres sẽ kế nhiệm ông Ban Ki-Moon từ đầu năm 2017. |
Thứ hai, đối với các cơ quan và chương trình của LHQ nói chung, ông Guterres phải công nhận rằng các chính phủ thành viên đề ra chính sách và các bộ máy quan liêu khác nhau của LHQ phải thực thi chính sách đó. Cả Tổng Thư ký và Ban thư ký LHQ đều không có bất kỳ vai trò kiến tạo chính sách độc lập nào.
Hiện tại, những kinh nghiệm của ông Guterres đối với Liên minh châu Âu (EU) là điều đáng ngại. Do quen với việc nhường chủ quyền quốc gia cho các thể chế của EU ở Brussels, nhiều nhà ngoại giao châu Âu ở New York có thói quen hành động theo hướng này tại LHQ. Chắc chắn Washington sẽ phản đối những quan điểm như vậy.
Lời nhắc nhở đối với ông Guterres: Với việc Anh rút khỏi EU, EU sẽ sớm chỉ có duy nhất một thành viên thường trực trong HĐBA. Nếu các chính phủ thành viên không thể nhất trí được chính sách, khi đó LHQ cũng chẳng thể làm gì. Sự bất bình giữa các thành viên không phải là cái cớ để Tổng Thư ký (hay Ban thư ký) tự do hành động, như cựu Tổng Thư ký Kofi Annan đã quen làm trong nhiệm kỳ của mình. Làm như vậy sẽ tất yếu dẫn đến xung đột với những nhóm nước thành viên LHQ và làm sao lãng những nhiệm vụ cấp bách khác.
Đánh giá một cách khách quan, việc ông Guterres là nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên được bầu chọn vào vị trí “cầm cân nảy mực” diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy 193 quốc gia thành viên muốn có một Tổng Thư ký LHQ có tầm ảnh hưởng lớn và những kỹ năng lãnh đạo thuần thục để chèo lái con thuyền LHQ vượt qua một trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử 71 năm tồn tại của mình.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về bất ổn, xung đột, nghèo đói... LHQ thực sự đang đứng trước ngã rẽ quyết định đòi hỏi phải có sự cải tổ và cơ cấu lại tổ chức để có thể tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Cũng vì thế, rất nhiều sứ mệnh khó khăn đang chờ đợi Tổng Thư ký thứ 9 của LHQ Anthonio Guterres.