Tân Tổng thống Angola và cuộc chiến chống tham nhũng

Thứ Hai, 29/07/2019, 16:00
Nguồn dầu mỏ dồi dào đã biến Angola thành nền kinh tế giàu thứ 3 ở vùng phụ cận hoang mạc Sahara châu Phi. Nhưng xứ này cũng là một trong những quốc gia còn tồn tại nhiều bất công, thể hiện ở tầng lớp chính trị siêu giàu và sống tách biệt với đại bộ phận 30 triệu dân cư của nước này.

Sau thời kỳ nội chiến tàn phá tiêu điều và kết thúc vào năm 2002, tiếp nhận một lượng tiền đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng đến từ Trung Quốc, Angola trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng 2 con số trong suốt hơn một thập niên. Nhưng quốc gia miền Nam châu Phi này cũng trở thành một trong những nước có nạn tham nhũng rất nghiêm trọng suốt 38 năm cầm quyền của cựu Tổng thống José Eduardo dos Santos.

Con trai cựu tổng thống dính cáo buộc tham ô

Trong một cuộc kiểm toán vào năm 2011, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã xác định một khoản tiền chênh lệch lên tới 32 tỷ USD liên quan đến những hoạt động tài chính gần đây của Tập đoàn dầu hỏa quốc gia Sonangol. Trong khi tầng lớp thống trị tinh hoa sống kiểu cách xa hoa tại vùng duyên hải Riviera của thủ đô Luanda, họ làm chủ những khu nhà lộng lẫy và nhiều tài sản tại một đất nước từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, thì oái oăm thay phần đông người dân Angola lại đang sống với mức chi tiêu không đầy 2 USD mỗi ngày.

Các chỉ số xã hội bao gồm tuổi thọ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em đều tồi tệ hơn rất nhiều so với một đất nước giàu có như Angola. Nhưng giờ đây đang có một đề xuất hướng tới thay đổi thực trạng trên. Angola đã có tân tổng thống, người này đã tiếp quản thành công sau khi cựu Tổng thống Santos phải từ chức hồi năm ngoái.

Tân Tổng thống Angola, ông João Lourenco, người nói ít, làm nhiều trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay. Ảnh nguồn: e-Global.

Nhiều người dân Angola đang mong đợi tân tổng thống João Lourenco, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và là một nhân vật MPLA (Phong trào nhân dân giải phóng Angola) khí khái, sẽ tiếp tục bảo vệ nhân dân, giữ gìn uy quyền tối cao của đảng, đồng thời duy trì các mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Ngay khi vào phủ tổng thống, ông Lourenco (tên thường gọi là JLO) đã bãi bỏ một phần di sản của người tiền nhiệm.

Tân Tổng thống Lourenco tuyên bố việc cần thiết nhất và giúp đỡ người nghèo khổ mà theo các nhà phân tích thì hành động này là một nỗ lực nhằm củng cố tính hợp pháp của MPLA để chống lại đảng đối lập UNITA, và thực tế này đã làm tăng hiệu quả cho kỳ bầu cử của ông Lourenco.

Nói cụ thể hơn thì Tổng thống Lourenco đã tiến hành một cuộc chiến công khai chống tham nhũng nhắm vào nguồn gốc tài sản bất minh của con trai cựu Tổng thống Dos Santos là José Filomeno dos Santos - người hiện đang kiểm soát quỹ tài sản Angola trị giá 5 tỷ USD cho đến cuối nhiệm kỳ của cha ông.

Bị bắt giữ vào năm 2018 với cáo buộc tham ô, nhưng tháng 3-2019, ông José Filomeno đã được thả mà không có lời buộc tội nào sau khi giới chức nói rằng họ đã phục hồi quyền kiểm soát số tiền vài tỷ USD thuộc về quỹ tài sản. Trong khi một số người coi hành động của ông Lourenco như một kiểu chống tham nhũng để củng cố quyền lực thì số người Angola khác lại xem hành động của ông Lourenco là một cách để sửa mình.

“Cho đến thời điểm này, cá nhân tôi vẫn hết sức quan tâm tới hành động của ông Lourenco, nó không mang tính trả thù hay dọn dẹp, mà chỉ đơn thuần là làm cho mọi thứ trở nên gọn hơn”, dẫn lời phát biểu của ông Ricardo Soares de Oliveira, một chuyên gia về Angola tại Đại học Oxford (Anh) cho biết.

Dầu hỏa chiếm 95% doanh thu nước ngoài của Angola, khiến cho nước này trở thành nền kinh tế lệ thuộc vào dầu hỏa nhiều nhất châu Phi. Ảnh nguồn: Roger Bosch / AFP/ Getty Images.

Chiến dịch “Bàn tay sạch”

Tân Tổng thống Lourenco đã ký một gói tín dụng trị giá 3,7 tỷ USD với IMF, nhằm mở ra một tương lai mới cho đất nước. Một phần trong thỏa thuận này là Angola đã hứa sẽ dừng các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng dầu khí với Trung Quốc vốn bùng nổ xây dựng thời hậu chiến khiến cho nước này ngập trong bẫy nợ. Tỷ lệ nợ nần của Angola xét trên tổng sản phẩm quốc nội là gần 100%, một sự hạn chế nghiêm trọng khi nước này muốn điều động ngân sách.

Ông Lourenco cũng đã thực hiện được những thay đổi sâu rộng trong ngành công nghiệp dầu khí nhằm nỗ lực phục hồi sản xuất vốn đã giảm từ mức đỉnh là 1,9 triệu thùng dầu/ngày cách đây một thập niên xuống chỉ còn 1,4 triệu thùng dầu. Ý tưởng được ông Lourenco đưa ra là giảm khoản thuế và những gói ưu đãi khác nhằm thuyết phục những “ông trùm” dầu hỏa như Total (Pháp) và Eni (Ý) bơm tiền vào các giếng dầu hiện có và lôi kéo những người khác khám phá những bể dầu mới.

Là một phần của sự tái cơ cấu, Tổng thống Lourenco đã sa thải bà Isabel dos Santos (quý bà giàu nhất châu Phi và cũng là con gái của cựu Tổng thống Dos Santos, đứng đầu Tập đoàn Sonangol). Tập đoàn này đã được chia thành 2, cắt bỏ vị trí trước đây của nó và nắm vai trò đầu tàu và điều hành ngành công nghiệp dầu hỏa. Dầu hỏa chiếm 95% doanh thu nước ngoài của Angola nên biến nước này trở thành quốc gia phụ thuộc dầu hỏa nhiều nhất châu Phi. Nhưng khi giá dầu thấp và sản xuất giảm đã siết chặt kho bạc nhà nước và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài suốt 4 năm.

Mặc dù có nguồn nước ngọt dồi dào và đất trồng trọt rộng rãi, nhưng Angola lại hầu như nhập khẩu mọi thứ, từ cà rốt đóng hộp cho tới rau diếp. Nhiều nông dân Angola bỏ hoang đất đai trong suốt thời kỳ nội chiến, và nền kinh tế dầu hỏa đã đẩy đồng nội tệ Kwanza lên mức phi thực tế, khiến cho giới doanh nhân và nông dân đều cảm thấy khó thở dù cho sản xuất những mặt hàng thô sơ nhất.

Cho đến đi đồng nội tệ Kwanza bị mất giá đến 85% vào năm 2018 thì giới nhà giàu chỉ đơn giản là nhập khẩu mọi thứ mà họ cần, từ dầu diesel đến rượu sâmpanh. Không phải ông Lourenco nhấn mạnh đến sự đa dạng hóa kinh tế. Nhưng khi trữ lượng dầu ngày một cạn kiệt, tình trạng nợ nần cao và sự cần thiết phải thay đổi diện mạo xã hội, mà các cố vấn tổng thống đã nói rằng có rất ít sự lựa chọn, nhưng sẽ tái cấu trúc nền kinh tế khiến cho nó hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư ngoại quốc.

Để khẳng định mình không chỉ nói suông, ông Lourenco đã thực hiện tác phong khiêm tốn và cởi mở nhất. Không giống như người tiền nhiệm, Tổng thống Lourenco tuyên bố đừng in hình ông lên tờ tiền.

Ông Ricardo Viegas de Abreu, Bộ trưởng Bộ Giao thông và nguyên là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Lourenco khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử cho đất nước Angola. Chúng tôi đã chạm tới một giai đoạn mà không thể chi tiêu vô tội vạ được nữa. Một nền kinh tế mới chỉ có thể được xây dựng trên khuôn khổ pháp luật. Tổng thống Lourenco đã khuyến khích chúng tôi đi đúng hướng”.

Chống “rửa tiền” thông qua ngân hàng

Tại ngân hàng trung ương Angola, một kiến trúc sang trọng mang phong cách thực dân với những bức tranh tường Bồ Đào Nha trang trí ngay lối vào, Thống đốc José de Lima Massano đang kể một câu chuyện tích cực: “Angola đang dịch chuyển. Có những thứ thực sự đang thay đổi, và rất nhanh chóng”, ý ông Massano là việc loại bỏ các ngân hàng thiếu vốn chiếu theo luật đầu tư mới nhằm cho phép khối ngoại tham gia vào thị trường Angola mà không cần phải có đối tác địa phương.

Ngân hàng trung ương từng có thời kỳ dài vướng phải cơ chế giám sát yếu kém (bao gồm sự giám sát lỏng lẻo các quy định chống rửa tiền) và kiểm tra nghèo nàn các tổ chức tài chính (những nơi này hay bị ví von là “heo đất” với những chính trị gia có dính lứu “đi đêm” với ngân hàng). Thống đốc Massano đã đóng cửa một số ngân hàng và khởi động quy trình đấu giá nhằm làm trong sạch một hệ thống phân bổ đồng đôla khan hiếm.

Ông Massano cũng đẩy mạnh những biện pháp chống rửa tiền và phát biểu: “Chỉ bằng cách làm sạch hình ảnh các ngân hàng này (các ngân hàng trong nước) thì mới có thể nâng cao những mối quan hệ với các đối tác ngân hàng Mỹ vốn từng bị xấu đi do khủng hoảng đồng đôla. Cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng thống João Lourenco phát động là tin rất tốt lành.

Một góc thủ đô Luanda (Angola) lung linh, rực rỡ về đêm. Ảnh nguồn: Smithsonian.

Một trong những rủi ro với các ngân hàng đại lý là “tiền bẩn” có thể đi qua các tài khoản của họ, vì vậy không ai dám chịu trách nhiệm. Ngân hàng trung ương đã xử lý sự thiếu hụt bản thân đồng đôla – một trong những căn nguyên khiến các nhà đầu tư cố gắng làm ăn ở Angola – bằng cách cho phép thị trường xác định tỷ giá hối đoái một cách thực tế hơn. Tiền tệ đã được cố định bằng đồng đôla Mỹ. Nó không hề bền vững mà chúng tôi phải nghĩ cách làm một thứ gì đó”.

Nhà báo điều tra Rafael Marques de Morais, một tiếng nói có trọng lượng trong giới tinh hoa, đã thừa nhận có một sự thay đổi thực sự dưới trướng của ông Lourenco.

Mặc dù chính quyền của ông Lourenco đã có những đổi mới nhằm chống lại chế độ cũ, nhưng theo nhà báo Morais thì những người từng bị hoen ố bởi tham nhũng vẫn đang thực sự cạnh kề với quyền lực. Những người bất đồng chính kiến với tân tổng thống Lourenco nói rằng với quy mô nhỏ của lực lượng tinh hoa Angola xem ra tân tổng thống có rất ít sự lựa chọn để tìm ra những thành phần kỹ trị có học thức.

Ông Morais quả quyết: “Nếu quý vị muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Angola thì tôi muốn nói rằng tân tổng thống đã có những ý định rất tốt, thiện chí chính trị chưa từng có – nhưng thiếu tầm nhìn về cách làm thế nào để tiến hành trơn tru”.

Một sự cố đã khiến Tổng thống Lourenco nhíu mày khi nó liên quan đến nguyên Phó tổng thống Manuel Vicente, người bị các công tố viên Bồ Đào Nha cáo buộc tham nhũng và rửa tiền. Ông Lourenco đã gây sức ép thành lập một phiên tòa ở Angola hơn là ở Bồ Đào Nha vì cáo buộc Lisbon can thiệp vào chủ quyền của Angola.

Một cuộc đấu giá gần đây cho giấy phép viễn thông lần thứ 4 bao gồm các dịch vụ di động, truyền hình cố định và truyền hình trả tiền, cũng đang dấy lên câu hỏi về mức độ mở rộng cải cách. Cuộc đấu giá này đã thu hút sự quan tâm của các công ty nước ngoài tiến vào một thị trường từng bị chiếm hữu bởi Unitel – một công ty tư nhân vốn do cựu Tổng thống Dos Santos làm Chủ tịch, Ông này từng sở hữu 25% cổ phần, và 25% cổ phần khác thuộc sở hữu của Sonangol.

Cuối cùng giấy phép viễn thông đã về tay Telstar, một công ty được kiểm soát bởi một vị tướng Angola mới được thăng chức gần đây. Trong khi Angola vẫn được xem là chốn an toàn cho đầu tư nước ngoài, thì nền kinh tế nước này tiếp tục chịu ảnh hưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do IMF dự báo đã tăng trưởng không đầy 0,5% trong năm 2019 này.

Nhà báo điều tra de Morais nói rằng vấn đề ở đây là muốn xây dựng một nền kinh tế mới thì chính quyền của Tổng thống Lourenco đang đứng trước 2 lựa chọn: bảo tồn MPLA vốn đang tồn tại tham nhũng trong cốt lõi của nó; hoặc tháo dỡ toàn bộ cấu trúc của MPLA để theo đuổi một cải cách kinh tế căn bản hơn. Tương lai đất nước Angola phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của tân Tổng thống Lourenco ngay lúc này.

Văn Chương (tổng hợp)
.
.