Tân Tổng thống Ecuador - Rafael Correa

Thứ Sáu, 02/02/2007, 13:00

Tổng thống Correa nổi tiếng là một đồng minh thân thiết của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, nhưng ông luôn cho rằng không hề bị ảnh hưởng bởi vị đồng nhiệm này. Correa cũng khẳng định mình không đứng trong hàng ngũ của Mỹ.

Những đề xuất của tân Tổng thống cánh tả Rafael Correa, 44 tuổi, bao gồm xem xét lại nợ nước ngoài và giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ đối với các vấn đề của Ecuador. Ông Correa tuyên thệ chỉ tái trả nợ nước ngoài sau khi nhu cầu dân nghèo trong nước được đáp ứng, và phải soạn lại hiến pháp quốc gia. Những vị khách có mặt trong buổi lễ nhậm chức của Correa bao gồm Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Thái tử Tây Ban Nha.

Ông Correa tuyên bố với những người tham dự rằng, thể chế chính trị hiện tại đã làm hỏng đất nước Ecuador. Theo ông Correa, Ecuador có “một hệ thống tồi tệ đã hủy hoại nền dân chủ, kinh tế và xã hội chúng ta”. Correa nói về cuộc “cách mạng dân sự” chỉ mới bắt đầu và sẽ mang đến sự thay đổi sâu sắc. Ecuador từng trải qua nhiều khủng hoảng chính trị trong những năm gần đây với 8 đời tổng thống trong một thập niên. Chỉ có 3 tổng thống phục vụ đủ nhiệm kỳ từ năm 1979.

Sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Correa ký một tài liệu chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3/2007 để thành lập Hội đồng sửa đổi hiến pháp theo hướng nhằm hạn chế quyền lực của các đảng phái truyền thống. Correa cam kết sẽ cho xây dựng những căn nhà giá rẻ cho người nghèo trong nước.

Nhậm chức tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm, tình hình Ecuador đang gặp rất nhiều bất ổn sẽ là thách thức lớn trong thời gian đầu của tân Tổng thống. Ngày 14/1, cộng đồng lớn dân bản địa của Ecuador đã chấp nhận ông Correa là lãnh đạo của họ tại nghi lễ tổ chức ở vùng núi Andes, với sự có mặt của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez.

Correa hủy bỏ hiệp định mậu dịch tự do với Washington vì nó đang gây tổn hại cho công nghiệp Ecuador, mặc dù ông chủ trương mở rộng giao dịch buôn bán cũng như mở cửa thị trường với các quốc gia khác; và cho biết sẽ không nối lại một hiệp ước cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Eloy Alfaro ở Manta thuộc vùng bờ biển Thái Bình Dương, nơi hiện có 400 lính Mỹ.

Correa khôi hài: “Chúng ta có thể thương lượng với Mỹ về một căn cứ ở Manta, và nếu họ cho phép chúng ta lập một căn cứ quân sự ở Miami thì chúng ta sẽ đồng ý nếu không có vấn đề gì”.

Được mô tả là nhân vật có uy tín và nhiều năng lực, Correa xuất hiện trong những cuộc míttinh với chiếc dây thắt lưng da (chơi chữ theo tên ông - correa có nghĩa là dây thắt lưng) để chứng tỏ cách ông sẽ dùng đến để giải quyết nạn tham nhũng. Là người khuynh tả, Correa không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử Quốc hội bởi vì ông đang muốn một cuộc trưng cầu dân ý để soạn lại hiến pháp cũng như cải tổ Quốc hội. Correa cũng nổi tiếng là một đồng minh thân thiết của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, nhưng ông luôn cho rằng không hề bị ảnh hưởng. Correa cũng khẳng định mình không đứng trong hàng ngũ của Mỹ.

"Bộ ba" thân thiết Hugo Chavez, Rafael Correa và Evo Morales.

Ông Correa sinh năm 1963 ở thành phố Guayaquil, tốt nghiệp Khoa Kinh tế Đại học Catholique de Louvain (Bỉ) và Đại học Illinois (Mỹ) năm 2001. Ông biết nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và rành thổ ngữ Quechua vùng núi Andes.

Năm 2005, Correa trở thành Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Alfredo Palacio. Chủ trương của ông trong nhiệm kỳ tổng thống của mình là giảm nghèo trong dân chúng và tự chủ về kinh tế. Correa là người hoài nghi thỏa thuận mậu dịch tự do với Washington và nỗ lực tăng cường hợp tác giữa Ecuador với các quốc gia Mỹ Latinh khác.

Là chuyên gia kinh tế, Correa mô tả 5 khu vực cải cách chính yếu của mình là: cách mạng hiến pháp, cách mạng đạo đức, cách mạng kinh tế và sản xuất, cách mạng giáo dục và y tế, cách mạng phẩm cách, chủ quyền và hội nhập Mỹ Latinh. Correa là người thành lập Alianza PAIS, đảng liên minh với đảng Xã hội Ecuador. Correa hứa hẹn cải cách công nghiệp dầu hỏa, bao gồm tăng phần trăm thu nhập từ dầu hỏa dành cho dân nghèo, noi theo các cải cách của nguyên Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Diego Borja. Correa cáo buộc các công ty dầu hỏa nước ngoài hoạt động tại Ecuador đã không tuân thủ những quy định về môi trường và đầu tư.

Ông nói: “Nhiều hợp đồng dầu hỏa đã thật sự lừa gạt đất nước Ecuador. Cứ 5 thùng dầu mà các công ty đa quốc gia sản xuất, họ chỉ để lại một thùng cho nhà nước, còn lấy đi 4 thùng... Điều đó không thể chấp nhận được. Chúng ta sẽ phải xem xét lại và thương lượng lại các hợp đồng này”.

Correa lên tiếng phê phán một quyết định của Tổng thống Jamil Mahuad vào năm 2000 chấp nhận đồng USD Mỹ như là tiền mặt chính thức của Ecuador, song cũng thừa nhận chưa thể hủy bỏ quyết định đó trong tình hình buổi giao thời này. Correa cũng đề xướng đồng tiền chung Mỹ Latinh - như đồng euro của châu Âu.

Đối với quân du kích FARC, Correa không coi đó là một tổ chức khủng bố vì tin rằng quyết định đó không khác nào tuyên chiến với họ và xa hơn nữa là khiến cho Ecuador dính líu vào cuộc xung đột nội địa Colombia.

Tuy nhiên, trong tháng 10/2006, Correa nói thêm rằng ông sẽ “truy đuổi và bắt giữ” các thành viên FARC nếu họ xâm nhập Ecuador trái phép, và cũng lên án các hành động bắt cóc, xâm phạm quyền con người và đánh bom của tổ chức này

Trần Phong (tổng hợp)
.
.