Tân Tổng thống Moon Jae-in với mục tiêu “Hàn Quốc vĩ đại và đáng tự hào”

Thứ Hai, 15/05/2017, 10:26
Không nằm ngoài dự đoán, ứng cử viên của đảng Dân chủ theo xu hướng tự do Moon Jae-in đã giành thắng lợi với 41% tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn chưa từng có tiền lệ tại Hàn Quốc, trở thành vị chủ nhân Nhà Xanh đầu tiên nhậm chức ngay sau khi kết quả được công bố không cần trải qua giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, sau chiến thắng hoan hỉ cùng tuyên bố sẽ xây dựng một Hàn Quốc vĩ đại và đáng tự hào, ông Moon Jae-in được cho là sẽ trở về thực tế với một loạt thách thức không hề nhỏ: từ chia rẽ nội bộ, khó khăn kinh tế, đến mối lo Triều Tiên, hay quan hệ đang trục trặc với Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả với Mỹ.

Trên bàn cờ đối nội

Sau nhiều bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền lực lặp đi lặp lại trên chính trường, mới đây nhất là vụ “Choi-gate” liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye, người dân Hàn Quốc mang tâm lý chán ngán hệ thống chính trị hiện thời và khát vọng thay đổi. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất trong hơn 20 năm qua đã phản ánh khát vọng này của người dân Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là vị tổng thống tiếp theo sẽ cần có những thay đổi chính trị sâu sắc hơn để dập tắt sự bất mãn trong dân chúng.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang phải đối mặt với một loạt thách thức trước nguy cơ suy thoái. Đặc biệt, sau tác động của các đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), “cỗ máy” kinh tế này đã mất khả năng chịu đựng và rơi vào tình trạng đình trệ.

Bất ổn kéo dài và tương lai chưa chắc chắn khiến nhiều doanh nghiệp hoãn kế hoạch đầu tư và tuyển dụng trong khi các hộ gia đình phải “thắt lưng buộc bụng”. Tháng 2 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5%, cao nhất trong 7 năm qua.

Ông Moon Jae-in, một cựu luật sư về nhân quyền, sẽ phải lãnh đạo một quốc gia vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa hai phe bảo thủ và tự do trong lúc phải giải quyết những bất ổn kinh tế do tổng thống bị phế truất Park Geun-hye để lại. Ông Moon Jae-in cũng phải hàn gắn rạn nứt giữa những người theo quan điểm bảo thủ và tự do, đồng thời phải vượt qua thế yếu trong quốc hội khi đảng Dân chủ của ông không giành được đa số ghế.

Để thúc đẩy các sáng kiến lớn, bao gồm việc tạo ra 500.000 việc làm mỗi năm và cải cách các tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc, ông cần phải thúc đẩy quan hệ đối tác với các đảng phái và các chính khách mà ông từng cạnh tranh quyết liệt trong chiến dịch tranh cử.

Trên bàn cờ đối ngoại

Thế cờ hóc búa trên bàn cờ ngoại giao cũng khiến tân Tổng thống Hàn Quốc phải đau đầu. Việc triển khai THAAD giống như cái gai trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc. Ngay từ đầu, ý tưởng về THAAD đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh và việc triển khai hệ thống này đã khiến Hàn Quốc gánh chịu những đòn trả đũa kinh tế nặng nề và làm quan hệ Trung - Hàn tụt dốc.

Trước thực tế trên, ông Moon Jae-in đã tranh cử với cam kết xem xét lại quyết định triển khai THAAD. Đây được xem là “một mũi tên trúng hai đích”: có thêm thời gian tìm kiếm sự đồng thuận với Bắc Kinh và tìm cách sửa chữa quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thương lượng lại với Mỹ về khía cạnh tài chính để không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh khăng khít giữa hai nước.

Không chỉ được biết đến với quan điểm phản đối việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc và coi Bắc Kinh là đồng minh không kém phần quan trọng so với Washington, trong chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae-in cam kết khôi phục “Chính sách Ánh dương”, có nghĩa là tiến hành đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân, một trong những thách thức đối ngoại then chốt của ông Moon Jae-in.

Ông Moon Jea-in vẫy chào người ủng hộ sau khi đắc cử.

Mặc dù thừa nhận cần phải áp đặt các biện pháp cấm vận và ngăn chặn Triều Tiên, song ông cho rằng chỉ với phương pháp này thôi thì chưa đủ để giải quyết cuộc xung đột và khiến Bình Nhưỡng từ bỏ việc phát triển chương trình hạt nhân. Ông khẳng định cần phải đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo ông Moon Jae-in, chỉ có đàm phán đi kèm với các thỏa thuận về kinh tế, thương mại với Triều Tiên mới giúp làm giảm căng thẳng và thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chính sách quân sự của mình. Tuy nhiên, chủ trương này của ông Moon Jae-in dường như đi ngược lại với chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên.

Điều đó nghĩa là ông Moo Jae-in sẽ vấp phải sự phản đối từ phía Washington. Mặc dù chính ông Moon Jae-in từng gọi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc và tự nhận là “người bạn của nước Mỹ”, nhưng ông cũng từng tuyên bố Seoul phải học cách nói “không” với Washington.

Theo ông, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc hiện nay đang ở mức quá cao. Tất cả những điều nói trên cho thấy chiến thắng của ông Moon Jae-in tượng trưng cho sự khởi đầu của giai đoạn khó khăn đối với mối quan hệ Mỹ - Hàn.

Trong quan hệ với Nhật Bản, ông Moon Jae-in sẽ phải hóa giải vấn đề “phụ nữ mua vui”. Chính quyền tiền nhiệm đã đạt một thỏa thuận với Tokyo về việc xin lỗi và đền bù tài chính cho các nạn nhân, tuy nhiên dường như đối với người dân xứ Hàn, thỏa thuận này vẫn không thỏa đáng.

Vụ một bức tượng “phụ nữ mua vui” được dựng lên trước Lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Busan (Hàn Quốc) là một cách phản ứng gay gắt của người dân địa phương. Khi còn là Chủ tịch đảng Dân chủ, ông Moon Jae-in đã chỉ trích chính quyền chưa thảo luận với các nạn nhân trước khi đạt thỏa thuận với Nhật Bản. Trên cương vị mới, ông có thể sẽ đàm phán lại thỏa thuận này theo hướng có lợi hơn cho người dân Hàn Quốc.

Sau cơn “địa chấn chính trị” làm rung chuyển xứ Hàn, chiến thắng của ông Moon Jae-in trong cuộc chạy đua vào Nhà Xanh lần này đồng nghĩa với việc phe tự do tại Hàn Quốc chính thức trở lại chính trường sau 9 năm dưới quyền của phe bảo thủ. Vị tổng thống thứ 19 có nhiệm vụ nặng nề là khôi phục uy tín của hệ thống chính trị trong lòng dân chúng thông qua một cuộc “đại phẫu” chính trị nhằm tìm cách hàn gắn xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc và củng cố khối đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức.

Cuộc bầu cử vừa qua đã giúp chấm dứt tình trạng khoảng trống lãnh đạo nguy hiểm kể từ khi bà Park Geun-hye bị phế truất, song còn đó vô số bài toán khó liên quan cả kinh tế, xã hội, an ninh và ngoại giao đang chờ nhà lãnh đạo mới đưa ra lời giải.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.