Thách thức mới của Bộ trưởng Kinh tế Đức gốc Việt

Thứ Năm, 19/05/2011, 11:45

Ngày 11/5, ông Philipp Rosler, 38 tuổi, lãnh đạo mới của đảng Tự do (FDP) đã được đề cử làm Bộ trưởng Kinh tế Đức kiêm Phó Thủ tướng. Hiện đang là Bộ trưởng Y tế, chính khách gốc Việt sẽ đảm nhiệm một trọng trách mới trên sân khấu chính trị của đất nước châu Âu hùng mạnh này. Nhiệm vụ tối ưu tiên của ông Rosler là đề ra một đường lối chính trị mới để vực dậy đảng FDP đang trong giai đoạn khó khăn.

Vừa qua, lại đã có những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo của đảng FDP ở Đức, một chính đảng đang cầm quyền trong Chính phủ liên hiệp của nữ Thủ tướng Merkel. Đó là bác sĩ P. Rosler, một người Đức gốc Việt, tân Chủ tịch đảng FDP, sẽ thôi giữ chức Bộ trưởng Y tế để đảm nhiệm chức Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức. Việc này đã xảy ra sau khi có những áp lực từ nhiều phía trong đảng khiến bà B. Homburger, trưởng nhóm của đảng FDP trong Quốc hội Liên bang Đức phải rút lui sau mới hơn một năm và nhường lại cho ông R. Bruderle, đương kim Bộ trưởng Kinh tế Đức.

Trong vài ngày tới sau khi được Tổng thống Đức bổ nhiệm chính thức thì ông Rosler sẽ là Bộ trưởng Kinh tế trẻ tuổi nhất của Đức từ trước tới nay. Trong tư cách là Chủ tịch đảng của một trong ba chính đảng trong Chính phủ liên hiệp hiện nay ở Đức, nên Rosler còn kiêm chức Phó Thủ tướng, tức thứ hai sau Thủ tướng Merkel.

Trong hệ thống chính trị của Đức thì Bộ trưởng Kinh tế không quan trọng bằng các Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng với chức vụ mới này, ông Rosler có được 2 may mắn trong chính trị. Thứ nhất, kinh tế Đức đang lên như diều, nên trong tư cách Bộ trưởng Kinh tế, ông Rosler sẽ tạo được thiện cảm cho nhiều giới ở Đức. Thứ hai, từ bỏ chức Bộ trưởng Y tế là một vị trí thường gặp nhiều đối kháng và không được lòng của nhiều giới. Với 2 điều kiện tốt này, Rosler và đảng FDP hy vọng rằng sẽ cải thiện được tình hình đang vô cùng xấu từ hơn một năm nay.

Ông Rosler có khả năng vực dậy uy tín cho đảng FDP hay không? Về câu hỏi này chính ông D. Bahr, một trong ba người chính và thân cận của tân Chủ tịch đảng Rosler, đồng thời sẽ giữ chức Bộ trưởng Y tế mới, đã trả lời trên báo Đức là, việc lấy lại uy tín cho đảng FDP cần phải có thời gian chứ không thể một sớm một chiều được. Vì theo các cuộc thăm dò ý kiến của cử tri ở Đức mới đây thì đảng FDP chỉ còn được khoảng 3-5% cử tri ủng hộ. Nghĩa là đảng này đang đứng trước một sự phá sản chính trị. Vì theo luật bầu cử Quốc hội Liên bang và tiểu bang ở Đức thì mỗi chính đảng phải được ít nhất 5% tổng số phiếu của cử tri mới được cử đại diện vào Quốc hội.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vào cuối năm 2009, đảng FDP đã chiếm được gần 15%, mức cao nhất mà đảng này đã đạt được từ trước tới nay. Đó là nhờ tài hùng biện và lãnh đạo của cựu Chủ tịch đảng, ông G. Westerwelle. Nhưng từ khi tham chính làm Phó thủ tướng và kiêm Bộ trưởng Ngoại giao thì ông Westerwelle đã trở thành người tự kiêu, mất khôn ngoan, khiến cho đảng FDP đã bị mất uy tín trầm trọng và nhanh chóng, nên ông đã phải từ chức Chủ tịch đảng FDP từ đầu tháng 4/2011.

Trong 3 cuộc bầu cử Quốc hội ở 3 tiểu bang trong năm nay, đảng FDP đã mất toàn bộ ghế trong Quốc hội một tiểu bang, còn 2 tiểu bang khác số ghế của đảng FDP đã xuống tới mức thấp nhất. Trong năm nay còn 4 cuộc bầu cử ở 4 tiểu bang nữa ở Đức. Đây sẽ là dịp thử thách và thước đo là liệu tân Chủ tịch đảng Rosler có vực dậy uy thế cho đảng FDP hay không.

Một số nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của ông Rosler là làm sao tạo được sự tin tưởng và đoàn kết ngay trong ban lãnh đạo mới của đảng FDP. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông Rosler, FDP thắng cử lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vào cuối năm 2013. Sở dĩ lúc này chưa thể nói một cách chắc chắn là liệu ông Rosler có thể phục hồi uy tín cho đảng FDP hay không là vì một số lý do khách quan và chủ quan.

Tân Bộ trường Kinh tế Đức, Philipp Rosler và bà Birgit Homburger, trưởng nhóm đại biểu khối Tự Do - Dân chủ tại Quốc hội Đức tiếp xúc với báo chí tại Berlin.

Thứ nhất, giải pháp nhân sự mới vừa được thành hình ngày 10/5 không phải là giải pháp thượng sách mà ông Rosler mong ước. Vì trong thành phần nhân sự mới này có hai nhân vật cũ đã thất bại chính trị nhưng vẫn được tiến cử giữ các chức vụ quan trọng trong ban lãnh đạo của đảng FDP. Đó là ông R. Bruderle, tân Trưởng nhóm của đảng FDP trong Quốc hội Liên bang, và bà B. Homburger sẽ được cử làm Phó chủ tịch thứ nhất của đảng FDP trong đại hội đảng bất thường vào cuối tuần này.

Thứ hai, ở Đức, đảng FDP bảo vệ quyền lợi của các giới hành nghề tự do như bác sĩ, dược sĩ, luật sư và giới chủ nhân các hãng xưởng cỡ trung bình. Đây là những thành phần trung lưu trong xã hội Đức, và thường giữ thái độ độc lập cũng như chủ nghĩa cá nhân rất cao. Trong chính trị, tài trí hay khả năng là một yếu tố quan trọng, nhưng sự may mắn và cơ duyên cũng đóng vai trò rất lớn. Bác sĩ Rosler, người ta cũng thấy ngoài tài năng giúp ông đã sớm thành đạt trong việc học tập lẫn sự nghiệp chính trị, khiến cho ông đã trở thành bộ trưởng của một tiểu bang khi ở độ tuổi 30.

Từ gần hai năm nay, nhờ có đảng FDP thắng cử lớn và tham chính, nên ông Rosler đã trở thành Bộ trưởng Y tế. Và nay do những sai lầm của cựu Chủ tịch Westerwelle, nên Rosler đã được đề cử là Chủ tịch đảng và Phó thủ tướng. Ông còn được may mắn nữa là Thủ tướng Merkel rất có thiện cảm với ông, và đặt nhiều hy vọng là ông Rosler sẽ giải quyết được các khó khăn nội bộ của đảng FDP.

Nói tóm lại, đảng FDP đang bị khủng hoảng lãnh đạo rất lớn ở Đức trong hơn một năm qua. Cuối tuần này đại hội đảng sẽ quyết định một ban lãnh đạo mới, do Rosler làm tân Chủ tịch đảng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là hiện nay dư luận ở Đức đang đặc biệt theo dõi diễn tiến đại hội của đảng FDP

M.T. (tổng hợp)
.
.