Tham vọng cải tổ của ông Shinzo Abe

Thứ Ba, 24/09/2019, 17:28
Tuần qua, chính trường Nhật Bản chứng kiến cuộc cải tổ nội các sâu rộng nhất của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.

Giới phân tích cho rằng, động thái “thay máu” quan trọng này nhằm khôi phục uy tín và củng cố quyền lực chính quyền đương nhiệm, đồng thời chuẩn bị cho lộ trình sửa đổi hiến pháp cũng như thử thách thế hệ lãnh đạo mới trước khi ông Abe kết thúc nhiệm kỳ.

Chọn mặt gửi vàng

Cuộc cải tổ nội các lần này diễn ra trong bối cảnh “Đất nước mặt trời mọc” đang đứng trước những thách thức lớn liên quan đến quan hệ song phương với Hàn Quốc và Nga, cũng như các vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Abe đã “thay máu” nội các mạnh mẽ nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 bằng việc thay thế hoặc thuyên chuyển 17 vị trí, chỉ giữ lại Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Đây được coi là hai cánh tay đắc lực, tạo nên “xương sống” của chính quyền Abe kể từ năm 2012.

Đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản đã bổ nhiệm 13 chính khách hoàn toàn mới vào các vị trí bộ trưởng. Trong đó, phải nhắc đến “ngôi sao đang lên” Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi (38 tuổi) - bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong nội các kể từ sau chiến tranh, với uy tín rất lớn khi 75% người được hỏi trong các cuộc khảo sát mới đây đặt kỳ vọng vào ông.

Ngoài ra, Thủ tướng Abe còn “chọn mặt gửi vàng” khi bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono và Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi - hai chính khách cốt cán trong đội ngũ cố vấn an ninh.

Theo giới phân tích, Taro Kono cam kết sẽ thúc đẩy hiệu quả thể chế an ninh và an toàn cho người dân, cũng như hỗ trợ tăng cường hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc nhằm ứng phó với các vụ thử tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, Thủ tướng kỳ vọng Toshimitsu Motegi, nhờ khả năng đàm phán và cá tính cứng rắn, sẽ giải quyết những khó khăn trong căng thẳng quan hệ Nga - Nhật liên quan đến quần đảo mà Moscow gọi Kuril, còn Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Cải tổ nội các là cách Thủ tướng Shinzo Abe khôi phục uy tín và củng cố quyền lực chính quyền đương nhiệm.

Củng cố quyền lực

Trong mỗi lần cải tổ nội các, Thủ tướng Abe đều cược rằng mọi nhân vật do chính ông lựa chọn sẽ giúp ổn định chính trị và đưa ra các quyết sách hiệu quả hơn trước những thách thức mới. Nhiều ý kiến nhận định, ông Abe đang tìm cách giúp đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) củng cố quyền lực trong thời gian dài hơn.

Tham vọng muốn tiếp tục tại vị của Thủ tướng có thể thấy rõ qua việc ông loại bỏ nghị sĩ Fumio Kishida - ứng viên tiềm năng kế nhiệm Thủ tướng Abe - khỏi chiếc ghế Tổng Thư ký LDP (vị trí thứ hai sau chức chủ tịch) và thay vào đó bổ nhiệm một nhân vật ít nổi hơn là Toshihiro Nikai.

Dễ thấy Thủ tướng Abe muốn tạo nên tính liên tục và ổn định trong hoạt động của nội các khi giữ lại một vài người cũ. Sự pha trộn trụ cột và lính mới sẽ xây dựng nên một nội các biết chia sẻ ở các lĩnh vực khác nhau trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn hơn.

Rõ ràng, ông chủ yếu vẫn đặt niềm tin vào những người ủng hộ mình trong suốt chặng đường cầm quyền đã qua, từ đó việc điều hành chính phủ sẽ diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, ông Shinzo Abe cũng đang có xu hướng phó thác việc duy trì đoàn kết trong nội bộ đảng cho những cá nhân trung thành với ông.

Nếu ông Shinzo Abe muốn tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc, điều lệ LDP phải thay đổi. Khi không chắc chắn về động thái này, Thủ tướng buộc phải âm thầm chọn ứng viên cho vị trí Chủ tịch LDP khi đưa nhiều nhân vật đang lên vào nội các để “tỏa sáng” dưới quyền của LDP. Bước đi chiến lược này vừa thử thách năng lực và sự trung thành của họ, vừa giúp LDP gia tăng sức mạnh trước các đảng đối lập và lấy lòng cử tri.

Shinjiro Koizumi là một ví dụ điển hình, khi mà giới phân tích khẳng định con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi trở thành “lá bài” hút phiếu ủng hộ của người dân đối với nội các ông Abe, đồng thời phản ánh nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản nhằm nuôi dưỡng tài năng tương lai để kế nhiệm ông.

Cải cách Hiến pháp

Bên cạnh mục tiêu củng cố quyền lực, xây dựng một nội các mới đồng nghĩa với nỗ lực cải cách Hiến pháp Hòa bình 1947. Từ năm 2012, ông Shinzo Abe luôn tìm cách thực hiện “sứ mệnh” sửa đổi Điều 9, đưa Nhật Bản trở thành “quốc gia bình thường”.

Trong hiến pháp sửa đổi mà LDP đề xuất, ông Abe trao lại quyền tham chiến cho nước Nhật bằng cách đưa Lực lượng Phòng vệ vào Điều 9, cùng việc kêu gọi thành lập các lực lượng vũ trang quốc gia và chỉ định Thủ tướng là Tổng Tư lệnh. Ông coi đây như “gốc rễ của quốc phòng” giúp bảo đảm an toàn và trật tự không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên phạm vi quốc tế trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản diễn biến phức tạp và khó lường.

Trên thực tế, mục tiêu này đang gặp nhiều trở ngại khi khi tỷ lệ phản đối vẫn ở mức gần 50% và LDP vẫn chưa nhận đủ 2/3 số ghế để thông qua cải cách dù giành thế áp đảo trong cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7-2019. An sinh xã hội đứng đầu danh sách các vấn đề cử tri muốn nội các mới giải quyết và tiếp theo là kinh tế. Chưa tới 10% đối tượng được khảo sát đề cập đến cải cách hiến pháp như một ưu tiên.

Cải tổ nội các lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, được đánh giá như một bước đi tận dụng đồng minh ở các vị trí quan trọng cùng những “làn gió mới” tăng sức mạnh đàm phán - thuyết phục, sẽ giúp ông Abe sớm hoàn thành tham vọng sửa đổi hiến pháp.

Một dấu hiệu tích cực là mức tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng Abe sau cải tổ đã tăng thêm 5 điểm so với tháng 8-2019, đạt mức 56%. Dường như, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã thành công trong việc xoa dịu những chỉ trích và lấy lại niềm tin của người dân vào đảng cầm quyền LDP.

Nội các mới có thể khiến bộ máy chính quyền Nhật Bản khởi sắc, vận hành trơn tru và gắn kết hơn trước, tạo tiền đề cho ông Abe tiếp tục các tham vọng cá nhân. Tuy nhiên, thay đổi hiến pháp vẫn luôn là một ván bài đầy mạo hiểm, hoàn toàn có thể khiến Thủ tướng gục ngã chỉ với một bước đi sai lầm...

Trần Quân
.
.