Tham vọng của Quốc vương Qatar

Thứ Hai, 26/03/2012, 23:40

Nắm trong tay khối tài sản quốc gia giàu có, những kỹ năng ngoại giao bẩm sinh và một mạng lưới truyền hình có tầm ảnh hưởng mạnh nhất khối Arập - đài Al Jazeera, Quốc vương Qatar Hamad Al Thani đã trở thành một trong những chính khách quan trọng nhất của khu vực Trung Đông. Qatar nhỏ bé là vậy, mà thế và lực của Vương quốc này hiện nay đang được cả khu vực nể trọng. Nhưng, tham vọng của Quốc vương Al Thani còn cao hơn, xa hơn thế.

Đa dạng nước đi trên bàn cờ Trung Đông

Ấn tượng đầu tiên đối với người đối diện khi tiếp xúc Quốc vương Qatar, Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, là ngoại hình to quá khổ trong bộ y phục truyền thống của đàn ông Arập được đính các tua trang trí bằng vàng cùng bộ ria mép dày và đậm của ông. Con người "bề thế" ấy lại là vua một tiểu vương quốc nhỏ bé trong vùng Vịnh Persic. Qatar có diện tích rất nhỏ hẹp, chỉ khoảng 11.437km2.

Năm 1949, xứ Qatar chỉ có vỏn vẹn 16.000 dân, trong đó chỉ có hơn 600 người biết viết nhiều hơn cái tên của mình. Ngày nay, Qatar có dân số 1.853.563 người, và đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới tính theo thu nhập đầu người, với thu nhập bình quân đầu người 109.000 USD năm 2011. Sự giàu có và cuộc sống sung túc là lý do để thần dân xứ Qatar yên tâm ủng hộ Quốc vương của mình tiếp tục trị vì trên ngai vàng mà không màng chạy theo làn gió "dân chủ" kiểu "Mùa xuân Arập" đang làm đảo lộn đời sống chính trị, xã hội toàn khu vực.

Quốc vương Al Thani đang khá thành công với những hoạt động ngoại giao nhộn nhịp, những cuộc hội nghị quốc tế với các nhân vật quyền thế, các nguyên thủ đến từ những quốc gia láng giềng và phái đoàn từ Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL). Từ trước khi "Mùa xuân Arập" ùa đến, Hamad Al Thani đã bận rộn với hàng loạt hoạt động ngoại giao làm cầu nối hòa giải giữa các bên xung đột, như giữa Chính phủ Sudan với phiến quân ở vùng Darfur, giữa 2 nước láng giềng hiềm khích Eritrea và Ethiopia, giữa Mỹ với lực lượng Taliban ở Afghanistan, và năm 2008 đánh dấu thành công vang dội của Quốc vương Hamad Al Thani với màn trung gian hòa giải giúp ngăn chặn nội chiến tái diễn ở Liban.

Qatar "bé hạt tiêu" nằm kẹp giữa 2 "ông lớn" trong khu vực là Arập Xêút và Iran. Điều đó buộc Hamad Al Thani không có chọn lựa nào khác hơn là phải "tự khẳng định mình". Trong cái thế luôn bị Arập Xêút "lấn ép" về nhiều mặt, Quốc vương Hamad Al Thani đã phải tìm kiếm xây dựng các mối quan hệ ngoại giao đa phương, rộng khắp, không chỉ trong khu vực Trung Đông mà vươn ra phạm vi toàn cầu.

Để tạo "thế" đối trọng với sức mạnh của Arập Xêút, Quốc vương Hamad Al Thani đã "niềm nở" mời Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đến dự Hội nghị cấp cao khối Arập tại Doha. Và để tạo "chỗ dựa" vững chắc về an ninh, quân sự, Hamad Al Thani đã thuyết phục Mỹ chịu di chuyển đưa một trong những căn cứ của Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) và một trong những căn cứ không quân lớn nhất đến đóng đô trên đất Qatar.

Người ta nói, Quốc vương Hamad Al Thani đang ôm mộng biến Qatar thành "cái rốn" của khu vực Trung Đông, làm chiếc cầu nối giữa Đông và Tây, giữa những "kẻ thù" trong thế giới của khủng bố và chống khủng bố. Qatar không chỉ có  căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ mà còn là nơi chứa chấp kẻ thù của Mỹ, như phiến quân Al-Shabab, các tướng Iraq thời ông Saddam Hussein, và là nơi đặt văn phòng đại diện của Taliban, nơi đặt trụ sở hoạt động mới của thủ lĩnh Hamas Khaled Mashaal.

Chính Quốc vương Hamad Al Thani đã thuyết phục ông Khaled Mashaal dời "căn cứ" từ Damascus, Syria, đến Doha do ở Syria đang xảy ra bạo loạn chống chính phủ. Và cũng chính Quốc vương Hamad Al Thani đã thuyết phục Liên đoàn Arập đồng ý thông qua các nghị quyết chống lại ông Gaddafi, từ đó tạo điều kiện giúp NATO ném bom Libya. Ông cũng là người đầu tiên kêu gọi quốc tế trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy chống Chính phủ Syria, thậm chí can thiệp quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Để ghi khắc dấu ấn trên bàn cờ chính trị quốc tế, Quốc vương Qatar đã không ngại móc hầu bao tài trợ cho quân nổi dậy Libya khi lực lượng này hết tiền để tiếp tục "đánh Gaddafi", đồng thời cử máy bay chiến đấu Mirage đến Benghazi. Còn chính quyền mới tại Ai Cập thì đã nhận của Quốc vương Hamad Al Thani 500 triệu USD tiền mặt gọi là tài trợ khẩn cấp, kèm theo lời hứa 10 tỉ USD đầu tư lâu dài sắp tới.

Phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền cho những động thái ngoại giao đa phương của Quốc vương Hamad Al Thani chính là mạng truyền hình cáp Al Jazeera của Qatar. Đài Al Jazeera phát sóng cả tiếng Arập và tiếng Anh. Đài này hiện đang có chương trình riêng cho khu vực Balkan và đang dàn dựng chương trình phát sóng cho khu vực Mỹ Latinh và châu Phi. Hamad Al Thani là một trong những người hâm mộ giáo sĩ Yusuf al-Qaradawi, nhà tư tưởng của tổ chức Muslim Brotherhood, nên đã lệnh cho đài Al Jazeera phát sóng miễn phí các bài rao giảng triết lý của vị giáo sĩ này.

Nhiều lời gièm pha, điều ra tiếng vào cho rằng Quốc vương Hamad Al Thani đang thúc đẩy sự lớn mạnh của dòng Hồi giáo Sunni. Nhưng tờ Le Monde của Pháp nhận định rằng, đây là một trong những động thái cao cờ của Quốc vương Hamad Al Thani trong tham vọng đưa Qatar "chinh phục thế giới".

Quốc vương Qatar Hamad Al Thani và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Arập

Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani là một hình mẫu của thế hệ thứ hai các vương triều Arập trong khu vực Trung Đông. Sinh năm 1952, Al Thani sinh trưởng trong gia tộc Bedouin giàu ảnh hưởng Al Thani cai trị Vương quốc Qatar từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay. Từ tuổi thiếu niên, Hamad Al Thani đã được gửi sang Anh học tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst.

Năm 1971, khi Hamad tròn 20 tuổi, trở về khi đất nước Qatar giành độc lập. Ông gia nhập quân ngũ, thăng tiến lên đến hàm thiếu tướng và chức Tổng tư lệnh quân đội. Hamad lên ngôi trị vì sau khi phế bỏ vua cha vào ngày 27/61995. Vì lo ngại hành động của Hamad Al Thani có thể trở thành "tấm gương" để các hoàng tử Arập Xêút noi theo, Hoàng gia Arập Xêút quyết không bao giờ tha thứ cho Sheikh Hamad Al Thani.

Sheikh Hamad cùng với các Tiểu vương xứ Dubai, Abu Dhabi và Bahrain, là những đại diện tiêu biểu cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Arập được hun đúc mạnh mẽ từ sau cuộc chiến 6 ngày giữa khối Arập với Israel. Thất bại về phương diện quân sự của khối Arập trước Israel đã khơi dậy trong những hoàng tử Arập ấy một tinh thần tự tôn dân tộc Arập.

Tinh thần tự tôn dân tộc Arập ấy giờ đây được khoác lên chiếc áo hiện đại bằng đồng tiền dầu mỏ vô tận. Gần đây, Al Jazeera đã đưa tin về việc một nhóm chính khách gốc Qatar ở Pháp đã viết một bức thư gửi cho Đại sứ quán Qatar ở Paris để xin Quốc vương Hamad Al Thani giúp đỡ giải quyết tình trạng nghèo đói ở các khu nhập cư ngoại ô Paris vốn đang bị chính quyền sở tại bỏ rơi.

Ngay lập tức, Qatar lập ra ngay một quỹ trị giá 50 triệu euro để cứu giúp khu vực này. Còn tại Đức, Cơ quan quản lý Đầu tư Qatar (quỹ đầu tư tài sản quốc gia Qatar) hiện đang nắm giữ 17% cổ phần trong hãng xe hơi Volkswagen, 10% cổ phần trong hãng xe Porsche và 9% cổ phần trong công ty xây dựng khổng lồ Hochtief. Tiểu vương quốc này còn bỏ tiền thâu tóm nhiều đất đai nông nghiệp, các ngân hàng, bất động sản và ngành du lịch ở nhiều quốc gia, từ Ukraina cho đến Pakistan và Thái Lan.

Còn tại Pháp, Qatar sở hữu nhiều cổ phần trong tập đoàn năng lượng Suez, Ngân hàng Dexia và nhà xuất bản Lagardère. Một tên tuổi lớn của kinh tế Pháp là tập đoàn sản xuất máy bay EADS cũng đang chờ Qatar rót tiền đầu tư. Qatar đã khiến cho chính khách cực hữu Marine Le Pen phải thốt lên lời cảnh giác về "mối đe doạ" đối với nền độc lập của quốc gia Pháp!?

Đài truyền hình Al Jazeera, một công cụ tuyên truyền hiệu quả của Quốc vương Hamad Al Thani .

Tay chơi chính trị quyền biến

Sự trỗi dậy của tinh thần tự tôn dân tộc, của bản sắc Arập chính là một trong những động cơ mạnh nhất đằng sau hoạt động chính trị của Quốc vương Hamad Al Thani. Khi làn sóng biểu tình "Mùa xuân Arập" chuyển biến theo những sự kiện, bước ngoặt mới, vai trò chính trị của Quốc vương Hamad Al Thani cũng thay đổi, từ một nhà trung gian trở thành một "tay chơi chính trị" trong khu vực. Meghan O'Sullivan, cựu đặc phái viên của Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Iraq nhận định: "Qatar đã theo đuổi chính sách đối ngoại quyết liệt hơn và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn".

Trước đây, khi chưa có làn sóng biểu tình, Libya đã là "kẻ thù" không chỉ của Qatar mà còn của Arập Xêút. Bởi thế, khi cuộc nổi dậy chống Gaddafi nổ ra khiến hàng trăm người đã chết do bạo động, Hamad Al Thani đã nhanh chóng có những động thái quyết liệt, như việc ủng hộ NATO can thiệp quân sự vào Libya, tài trợ cho quân nổi dậy và kết bạn với giáo sĩ Sheikh Ali al-Salabi, người đã vận động các nhóm Hồi giáo ở miền Đông Libya chống Gaddafi. Cho đến ngày nay, Quốc vương Hamad Al Thani vẫn tự xem mình là "người tiên phong" thổi lửa vào "Mùa xuân Arập".

Sự ban phát tiền tài trợ và ủng hộ về mặt chính trị, ngoại giao của Qatar đã mang lại kết quả: các lực lượng "cách mạng" tại Bắc Phi giờ đây xem Quốc vương Hamad Al Thani như một ân nhân, một "đối tác đích thực" trong làn sóng biểu tình "Mùa xuân Arập". Cờ của Qatar vẫn bay song song bên cạnh cờ của Libya tại các chốt kiểm soát an ninh. Và trong buổi lễ kỷ niệm 1 năm "cách mạng" của Tunisia, Quốc vương Hamad Al Thani là vị khách mời đặc biệt phát biểu trước đám đông dân chúng Tunisia để kêu gọi "cách mạng phải được tiếp tục"!?

Trong quan hệ với Arập Xêút, Hamad Al Thani tùy thuộc vào tình huống để lựa thế hợp tác hay không hợp tác. Chẳng hạn, trong vấn đề Libya, vì ông Gaddafi là "kẻ thù" của cả Qatar và Arập Xêút nên Hamad Al Thani đã chấp nhận hợp tác với Riyadh chống Gaddafi. Nhưng khi thấy Riyadh "xìu xìu, ển ển" trong việc thuyết phục ông Ali Abdullah Saleh từ bỏ quyền lực ở Yemen, Hamad Al Thani lập tức không tham gia hợp tác mà đẩy vấn đề cho Washington giải quyết.

Rồi khi Arập Xêút muốn giữ lại cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Hamad Al Thani quay sang tìm sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi khi thấy Riyadh có ý định "hạ bệ" Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Hamad Al Thani lập tức trở lại cùng phe với Riyadh. Sự thay đổi "đồng minh" xoành xoạch  trong các vấn đề khu vực đủ để giới phân tích nhìn nhận ở Quốc vương Hamad Al Thani một khả năng vận dụng ngoại giao "bậc thầy".

Tuy nhiên, tham vọng chính trị khu vực của Quốc vương Hamad Al Thani, kèm theo đó là hàng loạt động thái theo bên này, bỏ bên kia liên tục, nhất là những động thái gần đây theo chiều hướng chống Tổng thống Syria Assad đã khiến cho Quốc vương Hamad Al Thani trở thành cái gai ở một số nơi. Chắc chắn ở Syria và Liban, Hamad Al Thani không được hoan nghênh, cho dù trước đây Hamad Al Thani từng giúp đỡ Hezbollah tái thiết sau cuộc chiến năm 2006 với Israel. Ngay cả Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) ở Libya hiện nay cũng cảm thấy khó chịu với sự hiện diện của Hamad Al Thani.

Ai đó đã so sánh Qatar với Công quốc Luxembourg của châu Âu. Nhưng đó chỉ là sự so sánh thiếu chuẩn xác. Qatar trước sau vẫn chỉ là Qatar, một tiểu vương quốc, ngay cả quân đội chính quy còn không có. Không phải Qatar mà là Quốc vương Hamad Al Thani mới là tác nhân quan trọng trên bàn cờ khu vực Trung Đông

An Tôn - Quốc Vương (tổng hợp)
.
.