Thấy gì qua cuộc đấu ngoại giao Nga-Mỹ, Nga-Ukraine và Nga-Séc?

Thứ Sáu, 23/04/2021, 15:05
Ngày 19-4, một đoạn video được công bố trên truyền thông cho thấy Đại sứ Cộng hòa Séc tại Moscow bị triệu tập đến Bộ ngoại giao Nga để thông báo việc 20 đại diện ngoại giao Séc sẽ phải rời khỏi nước Nga trong vòng 24 giờ. Đây được xem là màn “ăn miếng trả miếng” của nước Nga đối với hành động của Cộng hòa Séc trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga trước đó 2 ngày.

Màn đấu ngoại giao Nga-Ukraine-Séc

Vụ trả đũa trục xuất các nhà ngoại giao giữa Nga và Séc xuất phát từ một vụ việc đã xảy ra quá lâu, tưởng chừng đã được giải quyết xong rồi. Phía Cộng hòa Séc cáo buộc 2 điệp viên cơ quan tình báo quân đội Nga là Alexander Petrov và Ruslan Boshirov có liên quan trong một vụ nổ kho đạn dược tại ngôi làng Vrbetice, cách thủ đô Prague khoảng 300 km về phía Đông vào năm 2014. Petrov và Boshirov được cho là đã xuất hiện ở khu vực trên không lâu trước thời điểm xảy ra vụ nổ, gây hậu quả không lớn (2 người chết).

Tổng lãnh sự Ukraine Alexander Sosonyuk.

Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Hamacek cho rằng vụ nổ có chủ đích nhắm vào một chuyến vận chuyển vũ khí từ kho đạn để cung cấp cho một lái buôn vũ khí ở Bulgaria. Có dư luận cho rằng chuyến hàng vũ khí sẽ được giao cho quân đội Chính phủ Ukraine. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng chuyến hàng vũ khí thực chất sẽ được tay lái súng Bulgaria giao cho các phiến quân ở Syria. Cả hai đều là lý do đáng tin cậy để kết luận tình báo Nga có liên quan vụ nổ nhằm phá hỏng chuyến hàng vũ khí nói trên.

Phía Nga cho rằng cáo buộc do Cộng hòa Séc đưa ra là không có cơ sở. Vụ việc đó dường như đã được giải quyết xong xuôi từ lâu. Cơ quan điều tra của Séc đã đưa ra kết luận nguyên nhân vụ nổ là do lỗi của người quản lý kho đạn. Không có bằng chứng nào để chứng minh tình báo Nga có liên quan, đồng thời vụ việc từ năm 2014, tại sao đến thời điểm này lại được khui ra, tạo nên căng thẳng ngoại giao.

Song song với vụ trục xuất các nhà ngoại giao Cộng hòa Séc, nước Nga cũng đã ra lệnh trục xuất một nhà ngoại giao Ukraine. Ngày 17-4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Cơ quan Tình báo phản gián FSB đã bắt quả tang Tổng lãnh sự Ukraine tại St. Petersburg Alexander Sosonyuk đang giao dịch thu thập tài liệu chứa thông tin mật với một công dân Nga. Ngay sau đó Sosonyuk bị FSB bắt giam vài tiếng đồng hồ để thẩm vấn.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 17-4 đã triệu tập Tham tán Đại sứ quán Ukraine Vasyl Pokotylo đến để thông báo Tổng lãnh sự Alexander Sosonyuk có 72 tiếng đồng hồ để rời khỏi lãnh thổ Nga, tính từ ngày 19-4. Phía Ukraine đáp trả bằng việc thông báo trục xuất theo cách tương tự đối với một nhà ngoại giao Nga tại Kiev.

Vụ trục xuất nhà ngoại giao Nga và Ukraine diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa hai nước đang leo thang sau vụ việc đụng độ quân sự hôm 26-3 ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, làm chết 4 binh sĩ Ukraine. Một màn đấu khẩu cũng diễn ra giữa Bộ Ngoại giao hai nước Ukraine và Nga xung quanh vụ bắt giữ và trục xuất Tổng lãnh sự Alexander Sosonyuk.

Dấu vết phương Tây

Trong vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Séc đã thông báo với các đồng minh trong khối NATO và EU để lôi kéo sự ủng hộ. Anh, Mỹ đã lên tiếng “hoàn toàn ủng hộ” hành động và cáo buộc của Séc đối với Nga cũng như việc nước này sẽ mở cuộc điều tra đối với 2 công dân Nga bị nghi liên quan trong vụ nổ.

Khi căng thẳng leo thang ở miền Đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tìm đến các thủ đô châu Âu để tham vấn và đề nghị giúp đỡ đối phó với nước Nga. EU đã lên tiếng ủng hộ Ukraine, kêu gọi Nga ngừng “bắt nạt” Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn kêu gọi cộng đồng quốc tế vạch “những lằn ranh đỏ” với nước Nga và yêu cầu nước Nga không được vượt qua, nếu vượt qua sẽ áp lệnh trừng phạt. Những động thái, diễn biến này nói lên điều gì?

Vụ việc trục xuất nhà ngoại giao giữa Nga với Ukraine và Cộng hòa Séc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ đang tiếp diễn với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn thể hiện thái độ cứng rắn với Nga. Giới phân tích cho rằng, những vụ việc xảy ra giữa Nga với Séc và giữa Nga với Ukraine giống như những can xăng được chế thêm vào mồi lửa căng thẳng theo kiểu “Chiến tranh Lạnh” giữa Nga với phương Tây. Ảnh hưởng và sự ủng hộ của phương Tây đối với hai quốc gia này trong cuộc đối đầu với nước Nga được ví như ngoại lực tiếp sức để tạo nên áp lực xung đột, căng thẳng xung quanh nước Nga. Từ đó tạo điều kiện cho phương Tây tính toán các bước đi chiến lược sắp tới trong cuộc đối đầu mới.

Hôm 15-4, Mỹ đã thông báo việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước Nga, bao gồm lệnh cấm các ngân hàng Mỹ mua nợ công mới của Nga, trừng phạt đối với 38 cá nhân và tổ chức và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga. Căn cứ của lệnh trừng phạt được phía Mỹ đưa ra là việc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ. Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định nước Nga chẳng liên quan gì đến các hoạt động quấy phá bầu cử ở Mỹ nhưng người Mỹ, nhất là đảng Dân chủ không tin và quả quyết nước Nga chắc chắn có liên quan.

Ngày 17-4, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga cũng sẽ trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời hạn chế hoạt động của những người còn lại ở Moscow để trả đũa. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga cũng sẽ cấm người Nga và những người không phải là người Mỹ làm việc trong các cơ quan đại diện của Mỹ tại Nga và ngừng chương trình cho phép các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Nga không giới hạn, cũng như bổ sung 8 quan chức Chính phủ Mỹ vào danh sách trừng phạt của mình.

Giới quan sát ngoại giao đánh giá, tuy tuyên bố rất hùng hồn nhưng mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước Nga lại không nhiều, thậm chí rất hạn chế. Và người ta lạc quan tin rằng khả năng đối thoại giảm căng thẳng vẫn còn để ngỏ, với cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden vẫn còn nằm trong kế hoạch để triển khai.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.