“Thiên thời địa lợi” cho bà Hillary Clinton?
- FBI thẩm vấn bà Hillary Clinton 3 tiếng rưỡi vụ bê bối sử dụng email
- Hé lộ nhân vật số 2 cùng bà Hillary Clinton chạy đua vào Nhà Trắng
- Lợi thế mới của bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng
- Bà Hillary Clinton sẽ trở thành Nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ?
Vây cánh của bà giờ càng thêm mạnh bởi bên cạnh đã chính thức xuất hiện nhân vật “nặng ký”- nữ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts và theo dư luận thì nếu bà Clinton thắng cử, đây sẽ là nữ Phó Tổng thống.
Là thành viên đảng Dân chủ, trước đây là giáo sư chuyên về luật phá sản tại Trường Luật Harvard, là một học giả pháp lý uyên bác, bà Warren là một trong những người được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực pháp luật thương mại trong khi còn giảng dạy tại Đại học Harvard. Bà là một nhà hoạt động ủng hộ bảo vệ người tiêu dùng mà kết quả thực tiễn cho loạt hoạt động này là việc thành lập Cục Bảo vệ tài chính tiêu dùng Hoa Kỳ.
Bà E. Warren đã viết một số tác phẩm nghiên cứu, chúng được nhắc đến thường xuyên trong các cuộc phỏng vấn truyền thông liên quan đến nền kinh tế Mỹ hay trong lĩnh vực tài chính cá nhân.
Tháng 9- 2011, bà E. Warren tuyên bố ứng cử vào Thượng viện Mỹ, thách thức Thượng nghị sĩ đương nhiệm Scott Brown của đảng Cộng hòa. Bà giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 6-11- 2012, trở thành nữ Thượng nghị sĩ đầu tiên từ Massachusetts. Bà được giao quản lý Ủy ban đặc biệt của Thượng viện về người già; Ủy ban vấn đề đô thị về ngân hàng - nhà ở và Ủy ban Hưu bổng, Y tế, Giáo dục, Lao động.
Là một nhân vật hàng đầu trong đảng Dân chủ theo xu hướng cấp tiến, bà từng được xem như là một ứng cử viên tổng thống tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2016. Tuy nhiên, bà E. Warren đã nhiều lần tuyên bố bà không có ý định tranh cử tổng thống. Giữ vị trí trung lập, bà không ủng hộ chính thức cho bất kỳ ứng cử viên nào cho đề cử của đảng Dân chủ năm 2016, nhưng sau nhiều tháng “án binh” trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, bà E. Warren ngày 9-6 đã chính thức ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Phát biểu với tờ Boston Globe, bà E. Warren nói: "Tôi đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến và đảm bảo rằng bà Clinton sẽ là tổng thống kế tiếp của nước Mỹ đồng thời đảm bảo ông Donald Trump sẽ không có chỗ nào ở gần Nhà Trắng". Nữ Thượng nghị sĩ nhấn mạnh bà muốn đứng sau cựu đệ nhất phu nhân bởi vì "bà ấy là một chiến binh gan góc" và "việc có một nữ chiến binh dẫn dắt chính xác là những gì mà đất nước này cần".
Đầu tuần này, nữ Thượng nghị sĩ bang Massachusetts xuất hiện cùng bà Hillary Clinton trước đám đông ủng hộ ở thành phố Cincinnati, bang Ohio. Quyết định vận động cùng bà Warren lần đầu tiên ở thành phố này thể hiện tư thế mới của bà Clinton nhằm chiếm ưu thế trong cuộc đấu với ông Trump vào tháng 11 tới. Kể từ năm 1964, bang Ohio có “lịch sử” ủng hộ tất cả các ứng viên tổng thống thành công và chưa có người thuộc đảng Cộng hòa nào thắng ghế Nhà Trắng mà không thắng ở Ohio.
Thêm một sự kiện nữa khiến bà Hilary Clinton không thể không tận dụng nhằm tấn công đối phương - Sự kiện Brexit chấn động châu Âu và toàn thế giới. Theo Washington Post, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa được tổ chức ở Anh với việc đa số người dân ủng hộ phương án Brexit để nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ gây ra tình trạng hỗn loạn với thị trường tài chính thế giới và nền chính trị ở Anh, mà còn là một tiếng chuông cảnh báo cho các cử tri ở Mỹ sắp đưa ra quyết định trọng đại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Ngay khi biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý, trong chuyến thăm Scotland dự khai trương một khu nghỉ dưỡng và mở cửa lại một sân golf sau đợt trùng tu mở rộng, ông Donald Trump đã hân hoan đánh giá kết quả này là "tuyệt vời". Tỷ phú này còn phát biểu với báo giới: “Brexit là một thành tích vĩ đại".
Tại Hội nghị các thị trưởng Mỹ diễn ra tại thành phố Indianapolis, bang Indiana, trong diễn từ của mình, bà Hillary Clinton tuy không gọi tên cụ thể ông Donald Trump nhưng bà cho rằng, Mỹ nên do những người "biết đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích kinh doanh cá nhân" lãnh đạo, rằng Mỹ cần những nhà lãnh đạo "phải ý thức là mỗi lời bình luận đầy tính khoa trương đưa ra trong tình hình hỗn loạn sẽ chỉ tạo ra thêm hỗn loạn mà thôi".
Những diễn biến sau ngày 23-6 đã cho thấy ngay tại Anh, nhiều người lựa chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu đã phải đối mặt với thực tế phũ phàng trước những biến động lớn về kinh tế và chính trị, để rồi nhận ra rằng họ không thu được nhiều lợi ích như những gì các chính trị gia vận động cho Brexit đã hứa hẹn, và trong trường hợp này, ai ai cũng nhớ ra rằng bên kia bờ Đại Tây Dương, Donald Trump là ứng cử viên mạnh mồm hứa hẹn nhiều nhất!
Các nhà quan sát cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý vừa qua là cơ hội để người Anh bày tỏ bao nhiêu bức xúc của mình, khi nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit nhưng vẫn tin chắc rằng Anh sẽ ở lại với EU, nhiều người trong số họ bỏ phiếu “Đi” nhưng cứ nghĩ rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chung và rồi khi kết quả bỏ phiếu được công bố, rất nhiều người đã… ngơ ngác ân hận.
Tình thế hiện nay của nước Mỹ và nước Anh khá giống nhau khi người dân hai nước tỏ ra thất vọng với chính sách của chính phủ trong vấn đề kinh tế, việc làm, dịch vụ y tế hay nhập cư nhưng quá trình toàn cầu hóa có thể chỉ có lợi cho người giàu, có trình độ cao mà quên đi phần còn lại của đất nước mình. Đây chính xác là thông điệp mà ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Với những tính toán "được - mất" của một ông trùm bất động sản, tỷ phú này muốn nước Mỹ rút khỏi phần còn lại của thế giới, tập trung vào hiện thực hóa khẩu hiệu "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". “Nữ tướng” bên cạnh bà Clinton phản pháo sâu cay: "Khi Donald Trump nói ông ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại, ý ông ta là sẽ làm nước Mỹ vĩ đại hơn đối với những người giàu có như chính ông ta!"
Nữ Thượng nghị sĩ bang Massachusetts xuất hiện cùng bà Hillary Clinton trước những người ủng hộ ở thành phố Cincinnati, bang Ohio.