Thổ Nhĩ Kỳ: Thủ tướng từ chức, nội các của Tổng thống càng thêm vững

Thứ Sáu, 27/05/2016, 18:20
Hôm 22-5 vừa qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu chính thức nộp đơn xin từ chức đến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, mở đường cho nhân vật trung thành với Erdogan đảm nhận chức vụ này và thành lập nội các mới.

Trong bài diễn văn chia tay, Thủ tướng Ahmed Davutoglu thừa nhận quyết định từ chức của ông không là ý muốn cá nhân mà là do ông phải hành động như thế để duy trì sự đoàn kết nhất trí của đảng cầm quyền AKP.

văn phòng Tổng thống Erdogan cho biết ông Ahmet Davutoglu quyết định từ chức chỉ vài giờ sau khi đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) lên tiếng xác nhận Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông Binali Yildirim, năm nay 60 tuổi, được bầu vào vị trí chủ tịch đảng này trong một hội nghị được triệu tập bất thường. Tổng thống Erdogan cũng chính thức yêu cầu ông Yildirim thành lập chính phủ mới sau khi Davutoglu rời khỏi chiếc ghế thủ tướng.

Vào đầu tháng 5, Davutoglu đã phát đi thông báo ông sẽ từ chức do cá nhân có nhiều khác biệt với tổng thống. Trong khi đó, Yildirim được tin là hòa hợp hơn với Erdogan vì đã có loạt hành động cố gắng thúc đẩy sửa đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để tổng thống có trong tay nhiều quyền lực hơn.

Trong bài diễn văn cảm ơn những đại biểu đã bầu ông vào chức chủ tịch AKP với số phiếu áp đảo, Yildirim công khai xưng tụng tổng thống đương quyền: “Con đường của chúng ta là con đường của tiếng nói và hơi thở của người dân, của lãnh đạo đảng chúng ta – Recep Tayyip Erdogan” đồng thời nhấn mạnh rằng, ông ta sẽ cố gắng đề xuất một hiến pháp mới có thể thay đổi hệ thống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường quyền lực cho tổng thống.

Yildirim tuyên bố: “Chúng ta luôn hãnh diện nói rằng chúng ta là bạn của Recep Tayyip Erdogan, chúng ta cùng chia sẻ số phận và niềm đam mê chung”.

Từ trái qua: Binali Yildirim, Ahmed Davutoglu và Recep Tayyip Erdogan.

Trong một thông điệp đọc tại buổi khai mạc hội nghị đảng, Erdogan một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của một hiến pháp mới và một hệ thống chính quyền mới. Ông ta cũng bày tỏ hy vọng nhiệm kỳ tổng thống sắp tới sẽ giúp sửa chữa hệ thống chính quyền “mất cân đối” hiện nay.

Những người ủng hộ Binali Yildirim, đương nhiên bày tỏ sự tin tưởng vai trò của ông trong công cuộc phát triển những dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và nâng cao uy tín cho AKP. Tuy nhiên, những người chỉ trích – bao gồm lãnh đạo đảng Công nhân Người Kurd (PKK) đối lập - buộc tội tham nhũng chống lại Yildirim bất chấp ông ta mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này.

Sự thay đổi bộ máy lãnh đạo AKP diễn ra giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – đang phải đối mặt với một loạt những mối đe dọa an ninh quốc gia - trong đó bao gồm cuộc xung đột bùng phát trở lại giữa chính quyền với phe nổi dậy người Kurd ở miền nam nước này, làn sóng đánh bom khủng bố liều chết liên quan đến chiến binh người Kurd và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như tình hình bất ổn trong nước do tác động từ cuộc nội chiến ở nước Syria láng giềng.

Sự chuyển giao quyền lực của AKP cũng trùng hợp với giai đoạn căng thẳng đang tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) về một thoả thuận gây tranh cãi của Ankara và Athens nhằm làm giảm bớt làn sóng người tỵ nạn bất hợp pháp từ nước này tràn vào Hy Lạp.

Ahmed Davutoglu từng có một thời là cố vấn thân cận của Tổng thống Erdogan và là cựu Ngoại trưởng - bất đồng với tổng thống về một loạt các vấn đề bao gồm khả năng tổ chức những cuộc thương lượng hòa bình với phe nổi dậy người Kurd, sự giam giữ chưa được xét xử đối với một số nhà báo bị buộc tội gián điệp và học giả bị buộc tội ủng hộ khủng bố.

Trong khi đó, Erdogan đang cố gắng mở rộng định nghĩa về chủ  nghĩa khủng bố. Lập trường của Erdogan cũng xung khắc với những điều kiện của EU cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ hưởng quyền miễn visa khi du lịch. Điều mấu chốt là Erdogan muốn chức vụ tổng thống có trong tay mọi quyền lực hơn trước đây trong khi Davutoglu - người có tư tưởng độc lập – lại không tán thành điều này.

Tân thủ tướng Yildirim cam kết trước giới báo chí rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành những chiến dịch kiên quyết chống lại phe nổi dậy người Kurd cho đến khi nào những hoạt động vũ trang chống chính quyền của nhóm này chấm dứt. Yildirim cũng kêu gọi giới chức EU chấm dứt”sự nhầm lẫn” giữa nỗ lực để trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ và thỏa thuận về người tỵ nạn của nước này với Hy Lạp.

Yildirim phát biểu một cách cứng rắn: “Đã đến lúc chúng ta biết rằng họ đang nghĩ những gì về Thổ Nhĩ Kỳ. Cho dù có trở thành thành viên của EU hay không, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tiếp tục mở rộng nền dân chủ và quyết tâm phát triển đất nước”.

Di An (tổng hợp)
.
.