Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải quan hệ Mỹ - Iran

Thứ Năm, 26/03/2009, 10:15
Suốt thời gian qua, Ankara đã theo dõi sát sao mọi động thái có thể thay đổi trong quan hệ giữa Washington với Tehran. Nhận thấy diễn văn nhậm chức tổng thống của Barack Obama hé mở những "dấu hiệu tích cực" đối với vấn đề Iran, Ankara đã xúc tiến thực hiện vai trò trung gian của mình.

Mỹ nhờ Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải với Iran

Trong chuyến thăm Tehran bắt đầu từ ngày 10/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đã chuyển cho người đồng nhiệm Iran Mahmoud Ahmadinejad  thư của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đưa tin về sự kiện này, Hãng Thông tấn Iran Fars không nói rõ nội dung bức thư là gì, nhưng lại tiết lộ rằng mấy hôm trước (7/3), khi đến thăm Ankara, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này sẽ đứng ra làm trung gian tổ chức cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran.

Kết thúc chuyến thăm Ankara, tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan, bà Hillary Clinton cũng đã thông báo Tổng thống Mỹ Obama sẽ đến thăm nước này trong vòng một tháng tới.

Chuyến thăm đó ngoài việc cải thiện một bước quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO vốn bị kéo căng vì cuộc chiến ở Iraq và giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là con đường an toàn và hiệu quả nhất cho quân đội Mỹ rút khỏi Iraq. Ngoài ra, còn vì Washington muốn Ankara làm trung gian nối lại quan hệ với Tehran đã bị đóng băng 30 năm nay.

Hơn nữa, Ankara còn là nơi để Tổng thống Obama có thể thực hiện bài phát biểu, mà như ông đã hứa trong lễ nhậm chức, nhằm cam kết với thế giới Hồi giáo rằng "nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông sẽ tìm kiếm một giải pháp mới, hướng về tương lai, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đem lại lợi ích cho cả đôi bên".

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ còn nói cụ thể hơn: Tổng thống Mỹ Obama sẽ đến thăm Ankara trong hai ngày 6 và 7/4, để thảo luận với Tổng thống Abdullah Gul về vấn đề này.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ xem xét các vấn đề xung quanh dự án Nabucco nhằm cung cấp gas từ các nước Trung Á và Trung Đông cho châu Âu, thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Washington quan tâm và ủng hộ dự án này, bởi như vậy sẽ giảm nhẹ "áp lực từ Moskva" trong vấn đề bảo đảm năng lượng cho châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại cuộc gặp Ankara hôm 7/3. Ảnh: AP.

Được biết, cuối tháng 2 vừa qua bà Hillary Clinton đã bổ nhiệm Dennis Ross làm trợ lý đặc biệt cho bà về các nước Vùng Vịnh và Tây - Nam Á. Đây là khu vực Washington đặc biệt quan tâm, bởi ở đó họ đang tiến hành hai cuộc chiến tranh, đối đầu với mối đe dọa thường xuyên về quân sự, với chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Như tờ The Washington Post đã viết: "Trên thực tế, trợ lý về các nước Vùng Vịnh có nghĩa là trợ lý về Iran".

Các mối quan hệ với Iran sẽ là nhiệm vụ chủ yếu của Dennis Ross. Ông đã nhiều năm làm việc ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, đã từng tiến hành các cuộc thương lượng lâu dài hòa giải cuộc xung đột giữa Israel với các nước Arập, đã từng giữ nhiều chức vụ ngoại giao quan trọng dưới thời Tổng thống Bush-cha và Tổng thống Bill Clinton. Còn có nguồn tin muốn giấu tên nói rằng Dennis Ross "đã từng bí mật tiếp xúc với người của Tehran".

Iran cũng muốn Ankara giúp khởi động lại quan hệ với Mỹ

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, Iran cũng đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giúp khôi phục các quan hệ giữa Iran với Mỹ. Theo lời ông Tayyip Erdogan, ngay từ khi cựu Tổng thống G.Bush vẫn còn đang làm chủ Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo Iran đã đề nghị Ankara giúp đỡ thu xếp các cuộc tiếp xúc với Washington.

Ông khẳng định Ankara đã chuyển ngay thư của Tehran cho Nhà Trắng và bày tỏ với phía Mỹ rằng "Iran thật sự muốn Thổ Nhĩ Kỳ đảm đương vai trò này. Nếu Mỹ cũng muốn như vậy, thì cứ đề nghị, chúng tôi sẵn sàng thực hiện vai trò đó".

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad chào mừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đến thăm Tehran hôm 10/3. Ảnh: AP.

Suốt thời gian qua Ankara đã theo dõi sát sao mọi động thái có thể thay đổi trong quan hệ giữa Washington với Tehran. Nhận thấy diễn văn nhậm chức tổng thống của Barack Obama hé mở những "dấu hiệu tích cực" đối với vấn đề Iran. Bởi thế, Ankara đã xúc tiến thực hiện vai trò trung gian của mình.

Tại cuộc họp báo trước khi Tổng thống Abdullah Gul lên đường đi thăm Iran và tham dự cuộc gặp thượng đỉnh Tổ chức các nước hợp tác kinh tế ở Tehran, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babadcan cũng đã tuyên bố nước ông sẽ làm tất cả những gì để Mỹ và Iran có thể hiểu nhau.

Ông nhấn mạnh rằng sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đàm phán Mỹ - Iran là hoàn toàn tự nhiên, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO và là đối tác chiến lược truyền thống của Mỹ. Hơn thế nữa, Thổ Nhĩ Kỳ còn là quốc gia láng giềng có quan hệ hữu nghị với Iran.

Ngày 11 và 12/3 vừa qua, tại Tehran diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa nguyên thủ và thủ tướng các nước Tổ chức hợp tác kinh tế (Organization for Economic Co-operation - OEC, bao gồm 10 nước là: Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Afghanistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tadjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan). Bên lề cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ là thời cơ thuận lợi để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Iran trao đổi ý kiến về các vấn đề tổ chức cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran.

Những năm gần đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện hình ảnh của mình trong thế giới Hồi giáo nói chung và với Iran nói riêng. Chính việc Ankara từ chối tham gia cuộc chiến ở Iraq có thể được coi là sự mở đầu quá trình cải thiện quan hệ giữa các nước Trung Đông với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt trong thời gian gần đây quan hệ giữa hai nước Hồi giáo này càng trở nên khăng khít. Chỉ trong vòng một năm 2008, ngoại trưởng hai nước đã gặp nhau tới 9 lần.

Năm ngoái, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã thăm chính thức Ankara. Hiện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đang ở thăm Tehran và ngay sau cuộc gặp này, ngày 15/3 Tổng thống Iran Ahmadinejad sẽ lại đến thăm Ankara

Linh Vũ (tổng hợp)
.
.