Thủ tướng Anh Gordon Brown từng là Tổng biên tập báo khi 12 tuổi

Thứ Hai, 26/05/2008, 16:00
Ngày ông Gordon Brown đăng quang chức vụ Thủ tướng Anh vào 27/6/2007, nhật báo The Times ở Anh đưa ra nhận xét: "Chính khách mang dòng máu Scotland này chỉ có một khuyết điểm, đó là tự mình đưa ra quyết định và thích thực hiện trong nháy mắt. Thắng lợi của Brown xứng đáng là câu chuyện ly kỳ nhất trong đời sống chính trị của nước Anh năm 2007".

Nhận xét của báo The Times quả là đúng khi nhìn lại quá trình học tập của ông Brown tại Trường trung học Kirkcaldy ở thành phố Glasgow và suốt 10 năm 2 tháng giữ chức Bộ trưởng Tài chính.

Gordon Brown là con người hết sức đam mê công việc và có năng khiếu học tập đặc biệt. Đây chính là lý do khiến ông là sinh viên Đại học Edinburgh khi mới 16 tuổi và kết thúc đại học với tấm bằng cử nhân hạng ưu vào năm 21 tuổi.

Năm 11 tuổi, khi còn học tại Trường trung học Kirkcaldy, Brown đã nghĩ ra cách kiếm tiền và bày tỏ quan điểm bằng việc vay mượn tiền của mẹ để xuất bản một tờ báo nhỏ được đặt tên rất thời thượng là The Gazzete và được bán với giá 3 xu một tờ.

Năm 1963, tờ báo The Gazzete của ông chủ báo nhỏ Brown đã làm mọi người ngạc nhiên khi đăng bài phỏng vấn nhà du hành vũ trụ người Mỹ John Glenn khi ông này có chuyến viếng thăm thành phố Glasgow.

Vài tháng sau, ông chủ báo Brown (khi ấy mới 12 tuổi) còn viết một bài bình luận chính trị, mặc cho khuyên can của thầy cô giáo ở vai trò cố vấn cho tờ The Gazzete, trong đó dự báo rằng chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Harold Macmillan chẳng bao lâu sẽ sụp đổ và người thay thế sẽ là Harold Wilson hoặc Edward Health. Không ai tin vào lời tiên đoán của một cậu bé mới 12 tuổi như Brown.

Vậy mà thực tế lại diễn ra đúng như vậy: một năm sau, Harold Wilson trở thành thủ tướng còn Edward Health trở thành thủ lĩnh đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, cho dù có cố gắng cách mấy, ông chủ báo nhỏ tuổi Brown vẫn không tài nào cứu được việc đình bản của tờ The Gazzete vào cuối năm 1964 do bị lỗ nặng.

Năm 1994, khi diễn ra cuộc chiến giành quyền lãnh đạo Công đảng sau cái chết của Chủ tịch Công đảng John Smith, Brown có cơ may chiến thắng lớn. Ông Brown giàu kinh nghiệm hơn Tony Blair và hoàn toàn hy sinh vì chính trị.

Thế nhưng ông Blair dễ mến hơn lại chiến thắng. Khi ấy, tại nhà hàng Granita ở thủ đô London, hai chính trị gia đã ký ngầm thỏa thuận rằng - Blair sẽ làm thủ tướng hai nhiệm kỳ, sau đó sẽ chuyển giao cho Brown, người trong thời gian đó sẽ giữ chức Bộ trưởng Tài chính.

Và chính thỏa thuận ngầm này đã khiến Brown trở thành vị Bộ trưởng Tài chính lâu đời nhất nước Anh từ hai thế kỷ trở lại đây. Tuy rằng, trước đó, vào thế kỷ XIX, William Gladstone từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong 12 năm 4 tháng. Nhưng các nhiệm kỳ của Gladstone lại bị ngắt quãng nhiều lần từ 1832 đến 1882 mà không liên tục suốt 10 năm 2 tháng như Brown. Vì vậy, Brown được công nhận là Bộ trưởng Tài chính lâu đời nhất trong lịch sử nước Anh.

Trở thành Bộ trưởng Tài chính vào tháng 4/1997, việc làm đầu tiên của ông Brown là kiên quyết chống lại chủ trương chấp nhận đồng euro và bỏ đồng bảng Anh, mặc cho sức ép của Thủ tướng Blair. Thế nhưng, chính thái độ quyết đoán của Brown đã vực dậy nền kinh tế Anh và đưa nước Anh trở thành quốc gia có nền kinh tế mạnh thứ ba trên thế giới chỉ sau Mỹ và Nhật.

Cùng với việc từ chối chấp nhận đồng euro, Brown còn trao cho Ngân hàng Quốc gia Anh quyền độc lập trong chính sách tiền tệ và chịu trách nhiệm trong việc cắt giảm hay tăng lãi suất để tác động đến nền kinh tế quốc gia. Đây là một quyết định được đánh giá là quyết đoán và dũng cảm của ông Brown, vì từ bao đời nay, Bộ trưởng Tài chính mới là người có quyền quyết định các chính sách tiền tệ và áp dụng các mức lãi suất.

Ông Brown còn chủ trương cắt giảm lãi suất hối phiếu từ 20% (từ năm 1997) xuống 10% (1999), chủ trương tăng mức thuế thu nhập đối với những thành phần giàu có và trung lưu, cắt giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp nhỏ từ 24% xuống còn 19%.

Hành động này không chỉ làm tăng thu ngân sách, giảm lạm phát mà còn kích thích các doanh nghiệp nhỏ phát triển, thu hút lao động và làm giảm tỉ lệ người thất nghiệp xuống còn mức 5,5% vào năm 2002 so với mức 7% vào năm 1997 và so với mức bình quân tỉ lệ thất nghiệp toàn Liên minh châu Âu là 8,1%.

Từ năm 2003, ông Brown chủ trương tăng mức thuế đánh vào các khoản vay vốn, nhằm kích thích các thành phần dân cư  bỏ vốn tự có vào kinh doanh (làm giảm áp lực lạm phát), đồng thời sử dụng nguồn thu thuế này để chi cho phúc lợi xã hội, y tế và giáo dục.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các chính sách tài chính và tiền tệ của ông Brown đã góp phần đưa nền kinh tế Anh tăng trưởng ở mức 2,7% từ năm 1997 đến năm 2006, so với mức tăng trưởng bình quân của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu là 2,1%.

Năm 2004, ông Brown và Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan đã được Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế bình chọn là hai nhà kinh tế - tài chính hàng đầu thế giới của năm.

Alistair Darling, người thay thế ông Brown ở chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 6/2007, đã nhận xét về người tiền nhiệm của mình như sau: “Ai cũng biết, ông ấy là ai, nhưng không ai biết quan điểm thật sự của ông ấy là gì. Nhưng có điều ông ấy quyết đoán không khác gì nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin”

Văn Hòa (Theo Paris Match)
.
.