Thủ tướng Cameron và bài toán bảo vệ sự toàn vẹn của nước Anh

Thứ Tư, 20/05/2015, 17:45
Chiến thắng của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh không khiến mọi người chìm trong ảo tưởng: ông có rất ít thời gian để duy trì tính thống nhất của khối Liên hiệp Anh, ngăn cản nước Anh đơn độc phiêu lưu tại châu Âu. Tuy Thủ tướng Cameron đã đạt được chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 7/5 vừa qua, nhưng phần nào bị thất bại tại Ireland và nhất là tại Scotland, nơi mà sự thành công áp đảo của đảng độc lập SNP (với 56/59 ghế) lại gợi nhắc đến khát vọng độc lập của Scotland mà người ta nghĩ rằng "đã giải quyết xong trong ít nhất 10 năm" sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cách đây hơn nửa năm.

Tháng 9/2014, qua cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên, phía chống độc lập nói rằng, việc tách khỏi Liên hiệp Anh  sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Scotland và cuộc sống của mọi người sẽ bị đảo lộn nếu khối liên hiệp từng tồn tại 307 năm với Anh bị phá vỡ. Đối với nhiều người, sự mất mát của Scotland không chỉ về tình cảm mà còn có nghĩa là hành động cắt đứt quan hệ lịch sử về kinh tế, văn hóa, cũng như thúc đẩy mối quan tâm về quyền lực của Vương quốc Anh và ảnh hưởng với bên ngoài.

Thủ hiến Scotland Alex Salmond, thuộc phe nói "Có" - "bỏ phiếu có vì một Scotland thịnh vượng", tin rằng quá trình chuyển tiếp độc lập sẽ mất 18 tháng. Tuy nhiên, những người khác cho rằng nó sẽ mất từ 2-3 năm.

Thủ tướng Cameron tuy phát biểu trình bày với báo The Times rằng: "Cho dù kết quả như thế nào thì chúng ta vẫn là một nước dân chủ. Chúng ta phải tôn trọng ý kiến người dân bày tỏ qua lá phiếu" nhưng ông đã sốt sắng làm một cuộc vận động ngoại giao con thoi và có những thuyết phục hết sức tình cảm: "Chúng tôi mong muốn các bạn ở lại bằng cả trái tim và linh hồn. Xin đừng lẫn lộn giữa tạm thời và vĩnh viễn".

Thủ tướng David Cameron.

Cuối cùng, 55% cử tri Scotland bỏ phiếu ở lại với Vương quốc Anh. Kết quả sơ bộ này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân Scotland và người dân Vương quốc Anh. Để làm người dân Scotland thêm an lòng, Thủ tướng Cameron không ngừng nhắc đến "tính nhất quán của quốc gia", đồng thời hứa hẹn với họ về một sự phân quyền quan trọng hơn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thuế khóa. Bù lại, đảng độc lập SNP có lẽ vẫn không an lòng sau khẳng định của Thủ tướng rằng ông sẽ hỏi ý kiến người dân Anh về mối quan hệ của nước Anh và Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Cameron không phải là một người ngờ vực châu Âu mà chỉ là một người Anh có trách nhiệm. Cho dù ông ý thức rõ nước Anh sẽ  mất mát những gì nếu rời khỏi EU. Nhưng ông đã dính kết với lời hứa sẽ thực hiện trưng cầu dân ý từ cách đây nhiều tháng để chống lại sự lớn mạnh của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Vì thế, tự tin vào sự hậu thuẫn của cử tri, ông đã nhanh chóng quyết định tận dụng ưu thế, do vậy cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra vào năm 2016.

Và để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc trưng cầu này, tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu, diễn ra vào tháng 6 tới, Thủ tướng Cameron sẽ có thể đưa ra những cải cách cho EU mà ông tin rằng sẽ thuyết phục được người dân không đòi tách khỏi Liên minh.

Ngay trong tuần này, Ngoại trưởng Philip Hammond và Bộ trưởng Kinh tế George Osborne có thể đến Berlin để thăm dò ý kiến của Thủ tướng Angela Merkel, người mà London xem như là chìa khóa của mọi sự dung hòa.

Bà  Merkel đã từng tuyên bố rằng, "không quan niệm một Liên minh châu Âu mà không có người Anh". Và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Anh về vấn đề người di dân từ Đông Âu mà Thủ tướng Cameron đã từng nhắc "sẽ biến nó thành một vấn đề cho thấy châu Âu có khả năng chấp nhận đến đâu để cải cách".

Tuy nhiên, Thủ tướng Cameron biết rõ rằng con đường sẽ rất chật hẹp nếu ông không muốn trở thành "người cha sáng lập nước Anh nhỏ bé" như tít của bài xã luận trên tờ Washington Post, tức không có Scotland và cắt đứt với châu Âu.

Poster trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 9/2014: “Tương lai Scotland trong tay người Scotland”.

Scotland và Anh là kẻ thù trong lịch sử. Ý thức đấu tranh chủ quyền của họ kéo dài qua nhiều thế kỷ, việc họ cùng chung sống trên cùng một hòn đảo đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh. Trong lịch sử họ không tin tưởng lẫn nhau, mỗi bên lại có những lý lẽ chính đáng khác nhau để nghi ngờ. Vấn đề dân tộc gắn liền với những cuộc đấu tranh của các triều đại và những nỗ lực thành lập khối liên hiệp được áp đặt thông qua các cuộc chinh phục hay toan tính của các triều đại.

Người Anh đặc biệt lo ngại rằng các thế lực ngoại bang, đặc biệt là Pháp, có thể dùng Scotland làm bàn đạp để tấn công nước Anh. Người Scotland lo ngại việc người Anh ngăn chặn điều này sẽ dẫn đến việc họ bị lợi dụng, và có thể là cả sự diệt vong của dân tộc Scotland. Khối liên hiệp Anh ra đời năm 1707 là kết quả vận động bởi Quốc hội của cả hai bên.

Động cơ của Anh vẫn là mối lo ngại cũ về địa chính trị. Scotland thì bị chi phối nhiều hơn bởi các vấn đề tài chính mà họ không thể tự giải quyết. Thành quả tạo nên là một hòn đảo thống nhất, hoạt động như một quốc gia duy nhất. Châu Âu đã tự xé mình ra từng mảnh qua hai cuộc thế chiến xoay quanh các vấn đề liên quan đến quyền của các quốc gia- dân tộc, khi ý tưởng về quốc gia- dân tộc bị thử thách.

Sau các cuộc chiến tương tàn, một nguyên tắc được đưa ra ở châu Âu là những biên giới hiện hành, tuy chưa đạt đến sự thống nhất trong tư tưởng, sẽ vẫn không bị thay đổi. Mục đích là để xóa bỏ một trong những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh ở châu Âu.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã xóa bỏ một tập hợp các biên giới, biến những biên giới nội bộ thành biên giới bên ngoài. Cuộc nội chiến Nam Tư trở thành một cuộc chiến tranh quốc tế khi Nam Tư không còn tồn tại và trở thành các cuộc nội chiến bên trong các quốc gia - dân tộc như Bosnia, Serbia và Croatia. Đồng thời, biên giới ở vùng Caucasus cũng được vẽ lại khi Armenia chiếm đóng một phần đất từng thuộc về Azerbaijan.

Và trong một hành động chống lại nguyên tắc dân tộc tự quyết, các nước NATO đã chia Serbia thành hai phần: một phần của người Albanian gọi là Kosovo và phần còn lại của Serbia. Chia nhỏ các nhóm dân tộc với quyền tự quyết, bản thân châu Âu đã tạo ra mâu thuẫn ngay trong chính mình vì một trong những lý do để Liên minh châu Âu tồn tại là nhằm xóa bỏ các cuộc chiến tranh dân tộc tự quyết bằng cách nỗ lực thiết lập nên một khuôn khổ vừa bảo vệ vừa làm giảm vai trò của các quốc gia dân tộc.

Minh Luân - Đinh Linh (tổng hợp)
.
.