Thủ tướng Serbia bị tấn công khi tham dự Lễ tưởng niệm vụ thảm sát Srebrenica

Thứ Sáu, 17/07/2015, 21:45
Trong khuôn khổ Lễ tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát tại thị trấn Srebrenica ở Bosnia và Herzegovina vào ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Aleksandar Vucic đã dẫn đầu đoàn đại biểu Cộng hòa Serbia đến tham dự tại khu tưởng niệm Potocari. Nhưng bất ngờ phái đoàn Serbia bị những người phản đối tấn công, khiến Thủ tướng A. Vucic phải nhanh chóng rời khỏi hiện trường vì lý do an ninh.

Vụ thảm sát ở Srebrenica diễn ra từ ngày 11 đến 13/7/1995, do lực lượng quân đội Serbia trong cuộc nội chiến Nam Tư thực hiện đã giết hại hơn 8.000 người Hồi giáo Bosnia, được lịch sử ghi nhận như là vụ tàn sát dân thường lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Kẻ chủ mưu Ratko Mladic hiện đang bị giam giữ trong nhà tù của Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) tại The Hague (Hà Lan), chờ ngày ra tòa lĩnh án về các tội danh như tội phạm chiến tranh, diệt chủng và gây tội ác chống lại nhân loại.

Khoảnh khắc Thủ tướng A. Vucic chuẩn bị rời Đài tưởng niệm.

Lễ tưởng niệm năm nay quy tụ các đoàn đại biểu đến từ 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nước láng giềng với Bosnia và Herzegovina trên bán đảo Balkan, cũng như phái đoàn của Mỹ do cựu Tổng thống Bill Clinton dẫn đầu trong đó có cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright cùng nhiều vị dân biểu Mỹ.

Theo Ban tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Srebrenica, sẽ có khoảng 50.000 quan khách và thân nhân của những người đã thiệt mạng tham dự tại Trung tâm tưởng niệm Potocari, nơi chôn cất các nạn nhân đã được xác định danh tính từ những ngôi mộ tập thể ở các khu vực xung quanh thị trấn Srebrenica quy tập về. Nhân dịp này sẽ diễn ra lễ chôn cất hài cốt của 136 nạn nhân mới được xác định, đưa tổng số các ngôi mộ ở khu tưởng niệm Potocari thành 6.607 mộ, chiếm 82,5% con số thường dân vô tội đã bị thảm sát.

Để bảo vệ dịp lễ trang trọng này, Bộ Nội vụ Bosnia và Herzegovina đã huy động một đội ngũ hùng hậu gồm hơn 2.000 cảnh sát viên, với 1.200 nhân viên có vũ trang trong đó 350 người thuộc lực lượng an ninh chuyên trách bảo vệ các yếu nhân nước ngoài. Đúng vào thời điểm phái đoàn Serbia xuất hiện gần Đài tưởng niệm, tiếng la ó phản đối bỗng nổi lên, bởi dân chúng vẫn coi người Serbia là thủ phạm chính của vụ thảm sát 20 năm trước. Nhưng cho dù hoàn cảnh đang ở thế bất lợi, Thủ tướng A. Vucic vẫn quyết định tiến lên lễ đài để đặt hoa và cúi đầu tưởng nhớ vong linh những người bị giết hại, cũng là cử chỉ thiện chí bày tỏ tinh thần hòa giải và củng cố tình hữu nghị giữa 2 quốc gia láng giềng.

Lực lượng an ninh Bosnia bất lực trước cuộc tấn công.

Sau khi Thủ tướng A. Vucic nghiêng mình trước Đài tưởng niệm, chuẩn bị rời bước trở về chỗ cũ thì bất ngờ nhiều kẻ giấu mặt, đứng lẫn trong đám đông gần đó đã hè nhau phá vỡ hàng rào cảnh sát, rồi đồng loạt ném những thứ đã chuẩn bị từ trước như gạch đá, chai lọ... về phía người đứng đầu Chính phủ Serbia, buộc đội vệ sĩ riêng của Thủ tướng A. Vucic phải ra tay can thiệp, kịp thời dìu ông rời khỏi nơi nguy hiểm, lên xe riêng có lắp kính chống đạn ra sân bay quốc tế Sarajevo lên chuyên cơ trở về Serbia.

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công Thủ tướng A. Vucic, Văn phòng Tổng thống Serbia đã ra tuyên bố, cực lực lên án hành động bạo lực chống lại người đại diện cho Nhà nước Serbia. Còn Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivica Dacic thẳng thắn nhận định: "Vụ tấn công không chỉ nhắm vào cá nhân Thủ tướng A. Vucic, mà còn chống lại đường lối hòa bình và hợp tác trong khu vực mà Chính phủ Serbia luôn theo đuổi". Riêng ông Nebojsa Stefanovic, Bộ trưởng Nội vụ Serbia đã phê phán lực lượng an ninh Bosnia không hoàn thành trách nhiệm được giao phó; đồng thời yêu cầu giới hữu trách ở Bosnia và Herzegovina phải tiến hành mở cuộc điều tra, đưa các thủ phạm giấu mặt ra trước ánh sáng công lý.

Các vệ sĩ dìu Thủ tướng A. Vucic (người đeo kính) rời khỏi hiện trường.

Về phần Thủ tướng A. Vucic ngay sau khi trở về Belgrade, đã lên tiếng trên Đài Truyền hình Quốc gia Serbia, chính thức ngỏ lời xin lỗi tới các vị đại biểu đại diện cho cộng đồng quốc tế vì sự vắng mặt đường đột của mình tại lễ tưởng niệm, bởi "lý do bất khả kháng" như nguyên văn lời ông. "Đây không phải là một sự cố mà là một vụ gây bạo lực có tổ chức. Thực ra các phần tử cố tình tấn công tôi đã xúc phạm đến hương hồn của các nạn nhân, cũng như tất cả thân nhân của họ đang có mặt tại lễ tưởng niệm", Thủ tướng A. Vucic nhận định; đồng thời cho biết thêm trong vụ tấn công bất ngờ, ông đã bị một hòn sỏi ném trúng khiến mắt kính bên trái vỡ rạn... nhưng không gây thương tích trầm trọng.

Đáp lại các phản ứng từ phía Serbia, ông Mladen Ivanic Chủ tịch Hội đồng Tổng thống và ông Camil Durakovic, Thị trưởng thị trấn Srebrenica thay mặt Ban lãnh đạo Bosnia và Herzegovina, cũng đã lên tiếng chính thức phản đối vụ tấn công nhắm vào người đứng đầu Chính phủ Serbia tại Srebrenica, gọi đó là "hành động làm xói mòn lòng tin trong quan hệ giữa 2 nước".

Liên quan đến tội ác diệt chủng ở Srebrenica, hơn 9 năm trước, vào đầu năm 2006,  Chính phủ Cộng hòa Serbia đã ra tuyên bố lên án tất cả các hành động mang tính chất tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ. Đến năm 2010, Quốc hội Serbia đã thông qua một quyết nghị lên án vụ thảm sát Srebrenica, do những phần tử cực đoan người Serbia thực hiện trong quá khứ.

Thu Hường (tổng hợp)
.
.