Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: Tham vọng đế chế

Thứ Tư, 30/11/2011, 16:29
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là người như thế nào? Ông đang nuôi tham vọng gì khi liên tục tiến hành những động thái chính trị, ngoại giao nóng bỏng thời gian gần đây?

 Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đang thân thiện với Israel bỗng quay sang tấn công ngoại giao dồn dập, bao vây Israel tứ phía? Điều gì khiến ông Erdogan và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ do ông lãnh đạo hăng hái đi đầu trong cuộc chiến ngoại giao vây hãm Syria của Tổng thống Bashasr al-Assad - người cách đây vài tháng vẫn còn là “bạn thân” của ông? Đó là những câu hỏi đang được giới quan sát đặt ra đối với vị thủ tướng được xem là giỏi nhất của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây.

Một người Hồi giáo lý tưởng

Recep Tayyip Erdogan sinh tháng 2/1954 tại thành phố Istanbul, trong một gia đình gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ, từng di cư sang sinh sống ở Batumi, Gruzia, trước khi quay trở về tỉnh Rize và sau này là Istanbul. Thời thanh niên, Erdogan được học hành tử tế, tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh tại một trường đại học trong nước và từng chơi bóng đá trong một câu lạc bộ bán chuyên nghiệp tại địa phương.

Bước ngoặt đánh dấu Erdogan tham gia hoạt động chính trị là vào năm 1976, khi ông chính thức được bầu làm trưởng chi nhánh Istanbul của đảng Cứu quốc (Hồi giáo). Sau binh biến năm 1980, Erdogan gia nhập đảng Phúc lợi và năm 1985 làm trưởng chi nhánh Istanbul của đảng này.

Thủ tướng Erdogan (phải) với Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tại một hội nghị ở Seoul.

Thập niên 90 thế kỷ XX đánh dấu bước thăng tiến mạnh của Erdogan trên chính trường. Năm 1991, ông lần đầu trở thành nghị sĩ trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ; sau đó từ năm 1994-1998 làm Thị trưởng thành phố Istanbul - 1 trong 2 thành phố lớn nhất nước này. Ngay sau đó, ông phải chịu phạt 10 tháng tù về tội phát ngôn xúc phạm tôn giáo và kích động thù hận. Cùng lúc đó, đảng Phúc lợi của ông cũng bị Tòa án Hiến pháp giải tán vì "đe dọa tính thế tục" của Thổ Nhĩ Kỳ đã được quy định trong Hiến pháp.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Ra tù vào tháng 7/1999, thì đầu năm 2001, Erdogan đã bắt tay vào thành lập đảng mới lấy tên là đảng Công lý và Phát triển (AKP), cũng là một đảng Hồi giáo. Tiếp sau đó là một sự trở lại ngoạn mục: chỉ 1 năm sau khi thành lập, AKP đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2002, chiếm gần 2/3 số ghế trong Quốc hội. Tuy vậy, Erdogan vẫn chưa thể trở thành Thủ tướng vì án phạt cấm hoạt động chính trị từ năm 1998 vẫn còn hiệu lực, do đó ông đã không thể ra ứng cử. Chiếc ghế Thủ tướng Hồi giáo đầu tiên của đảng AKP tạm thời được giao cho ông Abdullah Gul.

Lại xảy ra một diễn biến phức tạp khi Hội đồng Bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ ra phán quyết hủy kết quả bầu cử của khu vực Siirt - cũng là nơi Erdogan phạm sai lầm về phát ngôn dẫn đến án phạt từ năm 1998 - do gian lận phiếu bầu và quyết định tiến hành bầu lại vào tháng 2/2003. Lần này, Erdogan đã có thể ra ứng cử nhờ một thay đổi về luật do đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập thực hiện dẫn đến án phạt Erdogan bị vô hiệu hóa. Thế là đảng AKP điền tên Erdogan vào danh sách ứng cử khu vực Siirt và ông thắng cử, chính thức trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan (trái) với cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou.

Việc đảng Hồi giáo AKP lần đầu lên cầm quyền đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của chính trị Hồi giáo và điều đó đã gây nên nỗi lo ngại sâu sắc trong giới thế tục ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta e ngại các giá trị thế tục được xác lập từ khi ông Mustafa Kemal Ataturk thành lập nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại - như việc tách nhà thờ Hồi giáo ra khỏi thể chế Nhà nước - có khả năng bị ông Erdogan "khai tử". Sự lo ngại này càng gia tăng khi Erdogan có những động thái và phát ngôn sặc mùi tôn giáo - chính trị.

Một người Hồi giáo chính thống nhưng không cực đoan, Erdogan cũng đã không ít lần khiến cho đồng minh Mỹ phải bực mình xen lẫn lo ngại sau khi ông từ chối tham gia cuộc chiến của Mỹ ở Iraq năm 2003, đồng thời từ chối cho Mỹ mượn căn cứ quân sự Incirlik làm bàn đạp tấn công Iraq. Giới chức NATO khi đó đã lo rằng Erdogan có thể đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO đồng thời lánh xa phương Tây, đi theo con đường như Iran.

Nhưng những điều lo ngại đó đã không xảy ra, và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là Iran. Ngoài việc bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ đeo khăn trùm đầu, các chính sách của ông Erdogan đã không hề động chạm gì đến "tính thế tục" của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn về chính sách đối với phương Tây, Erdogan thậm chí còn xích lại gần với phương Tây hơn những người tiền nhiệm thuộc phe thế tục.

Chính Erdogan là người thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thật trớ trêu, Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Erdogan từng một thời (cách đây 6 năm) phải đóng vai "anh nhà nghèo" xin gia nhập "câu lạc bộ nhà giàu" EU, bị khinh rẻ là kẻ "bệnh hoạn của châu Âu", bị EU hạch sách với đủ thứ điều kiện khó khăn. Vậy mà, sau 8 năm dưới quyền lãnh đạo của Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua khó khăn, hiện đang là một trong những quốc gia có nền kinh tế ổn định và phát triển năng động nhất thế giới (tăng trưởng GDP năm 2010 đạt 8,9%), trong khi những anh "nhà giàu" năm nào của châu Âu hiện nay đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, nợ nần như Chúa Chổm và có nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào! Bây giờ, đến lượt EU, và cả Mỹ, lại trông cậy vào Thổ Nhĩ Kỳ cho hàng loạt chính sách trong khu vực, kể cả giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Thủ tướng Erdogan và Tổng thống Syria Bashar Assad (phải) từng là "bạn thân".

Thời thế tạo anh hùng

Bên cạnh những thành công về kinh tế và đối nội, Erdogan cũng gặt hái khá nhiều thành công trên lĩnh vực ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo của ông đã chìa bàn tay thân ái ra với Israel - "kẻ thù" của thế giới Arập và Hồi giáo - đồng thời kết bang giao với Syria, trong khi bản thân Erdogan cũng dần dần xây dựng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thậm chí còn mời cả gia đình Assad sang Thổ Nhĩ Kỳ du lịch. Xa hơn thế, Ankara còn đẩy mạnh quan hệ giao hảo với Hy Lạp và các nước láng giềng Balkan, kể cả Armenia ở Trung Á, đến tận Ukraina ở Đông Âu và Morocco, Tunisia, Ai Cập, Libya ở Bắc Phi.

Thổ Nhĩ Kỳ chứ không ai khác đã cùng với Brazil ký kết thỏa thuận "tay ba" với Iran để thực hiện một phương án "hoán chuyển nhiên liệu hạt nhân", trong đó Thổ Nhĩ Kỳ lãnh vai trò nước làm giàu nhiên liệu hoán chuyển cho Iran. Nói chung, đó là chính sách đối ngoại mới với trọng tâm đặt vào việc khuếch trương vai trò trên bàn cờ chính trị khu vực Trung Đông. Thành công bước đầu của chính sách đối ngoại đó là đã đạt được mục tiêu xây dựng quan hệ bang giao tốt với tất cả các nước láng giềng.

Và khi đạt được những thành công nhất định trong các chính sách về kinh tế và đối ngoại, Erdogan cũng bắt đầu đặt tham vọng nhiều hơn ở khu vực Trung Đông. Với sự hậu thuẫn từ Mỹ, Erdogan đã nỗ lực nâng cấp vai trò "nước lớn" của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, thông qua việc trung gian hòa giải và đàm phán bình thường hóa quan hệ Syria-Israel, đồng thời đứng ra nhận lãnh vai trò trung gian hòa giải giữa Iran với Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ khi Israel ngang ngược triển khai chiến dịch Cast Lead tại Dải Gaza vào cuối năm 2008 đầu năm 2009 tàn sát dã man hơn 1.300 người Palestine vô tội, Erdogan đã quyết định thể hiện vai trò "đầu tàu" khu vực bằng cách quay ngoắt 180 độ trong quan hệ với Israel. Vụ thảm sát kinh hoàng đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn, còn Syria thì dứt khoát rút khỏi bàn đàm phán.

Theo những người thân cận của ông Erdogan, bản thân ông khi đó đã rất tức giận việc Thủ tướng Israel Ehud Olmert hành xử một cách vô trách nhiệm. Cơn giận của ông đã bộc phát thành cơn thịnh nộ trút thẳng vào Tổng thống Israel Simon Peres khi 2 ông gặp nhau ở Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Sự tức giận đó càng lên cao sau khi xảy ra vụ việc biệt kích Israel đột kích tàu Mavi Marmara mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ đi cứu trợ Dải Gaza, làm chết 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan nhất quyết buộc Tel Aviv phải chịu trách nhiệm cho hành động vô lối đó.

Trung tuần tháng 9/2011, Erdogan tiến hành một chiến dịch ngoại giao "bao vây Israel". Khi vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế ở Cairo, Ai Cập, trong chuyến công du nhằm mục đích chiến lược đó, Erdogan đã được hàng ngàn người dân Ai Cập ra đón tiếp cuồng nhiệt như thể người hâm mộ đón một ngôi sao thần tượng của họ. Đám đông cuồng nhiệt đã hô vang "Erdogan! Erdogan! Một người Hồi giáo đích thực". "Ai cập và Thổ Nhĩ Kỳ chung một nắm đấm".

Vâng, Erdogan đến thời điểm đó đã là người hùng trong mắt rất nhiều người ở Ai Cập, Tunisia, Libya, Jordan và cả cộng đồng Arập nói chung, vì ông đã vì quyền lợi của người Arập Hồi giáo đứng lên chống Israel một cách quyết liệt nhất. Không chỉ vận động ngoại giao chống Israel, Erdogan còn mở một chiến dịch vận động ngoại giao quốc tế ủng hộ Palestine gia nhập Liên Hiệp Quốc với tư cách một nhà nước độc lập. Cho dù chiến dịch ủng hộ Palestine không thành công trọn vẹn (Palestine không được gia nhập LHQ, nhưng chí ít cũng được UNESCO kết nạp), nó cũng cho thấy Thủ tướng Erdogan đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao vai trò trong khu vực hơn trước rất nhiều.

Giới phân tích cho rằng, biến động chính trị - xã hội trong khu vực từ đầu năm đến nay, được mệnh danh là "Mùa xuân Arập", chính là thời thế đã tạo anh hùng Erdogan. Chính Erdogan là người đầu tiên lên tiếng thuyết phục Tổng thống Hosni Mubarak chấp nhận từ bỏ quyền lực; cũng chính Erdogan là người hăng hái xung phong nhận lãnh vai trò tổ chức hội nghị nhóm tiếp xúc để tìm giải pháp cho khủng hoảng ở Libya. Và bây giờ, đến lượt Syria.

Ngày 22/11, Erdogan lần thứ 2 kêu gọi Tổng thống Syria Assad từ chức. Trước đó, Erdogan đã không dưới 2 lần lên tiếng chỉ trích đích danh Tổng thống Assad vì đã để xảy ra tình trạng đàn áp đẫm máu người biểu tình tại các thành phố miền Trung và Bắc Syria, chỉ trích Tổng thống Assad đã không thực hiện cải cách như đã hứa. Trên thực tế, từ tháng 7/2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thành phần đào tẩu chống Chính phủ Syria "mượn" một vùng lãnh thổ giáp biên giới phía Bắc Syria để làm căn cứ xây dựng lực lượng chống Damascus. Ông Erdogan thậm chí còn tuyên bố nếu Syria không chấm dứt bạo lực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "động binh" để "bảo vệ dân thường"…

Tất cả những động thái và phát ngôn này đều hoàn toàn bất ngờ vì mới cách đây không lâu, AnkaraDamascus còn là "bạn" của nhau. Điều gì khiến Erdogan trở mặt với Assad nhanh đến vậy? Phải chăng khi cứng rắn với Assad là Erdogan muốn tỏ cho cả khu vực Trung Đông thấy rằng chính Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Arập Xêút hay Syria và Iran có khả năng thống trị khu vực Trung Đông? Câu trả lời chỉ có thể nằm ở chính các hoạt động ngoại giao thời gian gần đây và sắp tới của ông Erdogan.

Tờ Asia Times số ra ngày 23/11/2011 đã có bài viết phân tích khá sâu rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Thủ tướng Erdogan là kẻ thắng lớn trong "Mùa xuân Arập". Sẽ còn nhiều sự kiện nữa liên quan đến "Mùa xuân Arập" và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Trung Đông, thể hiện tham vọng to lớn của ông Erdogan biến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ thành một đế chế Ottoman mới. Đây chính là tham vọng lớn nhất của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

An Châu (Tổng hợp)
.
.