Thuật dùng người của ông Joe Biden

Thứ Ba, 22/12/2020, 09:58
Sau khi kết quả bầu cử cơ bản sáng tỏ và được phép chuyển giao quyền lực, ông Joe Biden lần lượt công bố việc sắp xếp nhân sự nội các cho tương lai. Với tình hình quốc tế và trong nước hiện nay của Mỹ, nhân sự nội các của ông Joe Biden nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Một phần là bởi từ trước đến nay trong đảng Dân chủ có nhiều phe phái nên cân bằng nội bộ là một vấn đề khó khăn, đây sẽ là thử thách lớn đối với ông Joe Biden về sự khôn khéo và kỹ năng chính trị. Mặt khác, những nhân vật mà ông Joe Biden chọn vào nội các sẽ đóng vai trò hàn thử biểu quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ sau này.

Như đã biết, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Anthony Brinken, 58 tuổi, được đề cử giữ chức Ngoại trưởng. Bên cạnh đó là các trường hợp như Alejandro Mayorka, 61 tuổi, người Mỹ gốc Cuba được đề cử giữ chức Bộ trưởng An ninh nội địa; cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Avril Haines, 51 tuổi, được đề cử giữ chức Giám đốc CIA; Linda Thomas-Greenfield, 68 tuổi, từng đảm nhận vai trò trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi dưới thời ông Obama được đề cử vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc nhiệm kỳ tới.

Ông Joe Biden đề cử Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Tiếp đó là cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Janet Yellen được để cử vào vị trí Bộ trưởng Tài chính; Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Tiến bộ Mỹ Neera Tanden đảm nhận vai trò Giám đốc Cục Quản lý ngân sách và hành chính; Cecilia Rouse, Giám đốc Trung tâm Các vấn đề công cộng và quốc tế thuộc Đại học Princeton làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng.

Theo truyền thông Mỹ, ông Joe Biden cũng đã chấm chọn Lloyd Austin, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau khi được Thượng viện phê chuẩn, ông này sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gốc Phi đầu tiên. Điều này có ý nghĩa rất lớn ngay cả khi ông đã có Phó Tổng thống, bà Harris, là một phụ nữ da màu.

Theo phân tích, việc lựa chọn và công bố thành viên nội các của ông Joe Biden rõ ràng có dự tính. Một là, nó thể hiện kỹ năng chính trị lão luyện của ông. Ông Biden có hơn 30 năm lăn lộn trên chính trường Mỹ, vừa liên tục giữ vị trí quan trọng ở Thượng viện, vừa đảm nhận chức Phó Tổng thống dưới thời ông Obama nên hiểu rõ đời sống và mạng lưới quan hệ chính trị của Washington.

Một trong những biểu hiện đó là việc ông Joe Biden không vội vàng tưởng thưởng, dùng người theo tình thân mà sàng lọc trong số những ứng cử viên đã sớm chấm chọn trước đó, công bố từng đợt và theo dõi phản ứng sau đề cử. Những điều này đã thấy sự tính toán kỹ càng, chắc chắn từng bước của ông trong công tác nhân sự.

Kỹ năng cân bằng của ông Joe Biden cũng luôn được đánh giá cao. Xét từ những thành viên chủ chốt đã công bố hiện nay, ông vẫn giữ vững phong cách nhất quán của mình trong việc chọn người và dùng người, cố gắng cân bằng quyền lực của các phe phái trong đảng, vừa quan tâm hợp lý đến phe cánh tả và cánh hữu, vừa thể hiện lập trường thái độ lấy phe trung dung trong đảng làm chủ thể, xem xét đầy đủ cơ sở cử tri hiện tại và trong tương lai, ngăn chặn sự quá khích gây nên xung đột trong nội bộ đảng và phản ứng của dư luận Mỹ.

Bên cạnh cân nhắc kết hợp hài hòa giữa nền tảng chuyên môn, độ tuổi và kiến thức, lựa chọn của ông Joe Biden còn tương đối chú trọng đến phong cách cá nhân. Hầu hết các nhân vật được lựa chọn được đánh giá là có ý thức làm việc tập thể tương đối mạnh. Đội ngũ của ông Joe Biden có lẽ đã xác định được việc cần phải khôi phục sự đoàn kết của nước Mỹ.

Cuối cùng, đó là việc thể hiện quan điểm cầm quyền đa dạng và bao trùm. Trong chính trị, đặc biệt là trong đợt bầu cử vừa qua, ông Joe Biden nổi tiếng với lập trường ôn hòa về chính trị và sắc tộc. Sau các sự kiện người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát da trắng sát hại dẫn đến phong trào biểu tình đường phố và cuộc xung đột sắc tộc quy mô lớn vừa qua, ông Joe Biden luôn thể hiện sự đồng cảm và đứng về phía những sắc tộc thiểu số ở Mỹ nên đã nhận được sự ủng hộ của nhóm cử tri thiểu số này. Việc này không chỉ là lời nói hay cử chỉ mà nó còn thể hiện qua hành động.

Trong nội các thành lập lần này, ông Joe Biden đã sử dụng và trọng dụng nhiều quan chức gốc Phi, Mỹ Latin và đều là những vị trí quan trọng như Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc và Bộ trưởng An ninh nội địa. Điều này vừa thể hiện quan điệm chính trị đa dạng sắc tộc, đồng thời cũng vừa là một chính sách chính trị và sắc tộc hết sức tinh tế, trái ngược với ông Trump vốn chủ trương cổ vũ chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng.

Khác với sự kiêu ngạo, không nể nang người khác và có phần tùy tiện của ông Trump, ông Joe Biden được cho là đã cố gắng thể hiện sự điềm đạm và nhẹ nhàng, tìm cách duy trì tính ổn định chính trị. Phần lớn các thành viên nội các do ông đề cử đều là "công thần" dưới thời ông Obama. Không ít người trong số đó từng giữ chức vụ cao trong thời gian ông là Phó Tổng thống và hầu hết ông đưa họ từ vị trí phó lên trưởng, thể hiện sự tin tưởng giao cho trọng trách quan trọng.

Cuối cùng, đó là thể hiện sự coi trọng tính chuyên nghiệp trong dùng người. Xét từ danh sách mà ông Joe Biden đã công bố, tất cả các ứng cử viên được đề cử đều có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong các cơ quan chính phủ, có kiến thức chuyên môn sâu rộng. Theo cách nói của ông, chỉ cần ngồi vào văn phòng, ngay lập tức họ có thể bắt tay ngay vào công việc.

Trong số những lựa chọn đã biết, chỉ có trường hợp Bộ trưởng Quốc phòng của ông Lloyd Austin. Là người có kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực an ninh, quân sự, tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của ông này là ông mới chỉ rời quân ngũ hơn 4 năm, trong khi theo quy định thì phải trên 7 năm mới có thể đảm nhận vai trò này. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ cũng từng có tiền lệ đề cử và bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng chưa đủ 7 năm.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.