Thực hư chuyện cựu Tổng thống Hosni Mubarak chết lâm sàng

Thứ Tư, 04/07/2012, 16:00

Ngày 21/6/2012, người phát ngôn của Hội đồng Tối cao Lực lượng quân đội (Supreme Council of the Armed Forces - Scaf) ở Cairo, Ai Cập đã thông báo rằng Mubarak hiện đang rơi vào hôn mê sâu, chết lâm sàng (clinically dead) tại bệnh viện. Liệu đây là chuyện thực hay chỉ là chiêu trò cố tình làm cho tình hình Ai Cập càng rối rắm thêm sau 2 vòng bầu cử tổng thống? Theo Đài BBC News, trước đây đã có vài lần ông Mubarak "chết lâm sàng" nhưng sau đó bỗng nhiên khỏe mạnh trở lại.

Sau khi bị tuyên án tù chung thân vào ngày 2/6/2012, cựu Tổng thống Mubarak bị đưa về giam giữ tại nhà tù Tora, Cairo. Theo phóng viên Leyne của BBC News, ông Mubarak vốn đã trở bệnh nặng từ đầu tháng 6/2012. Đến ngày 15/6/2012, bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn. Tin tức từ báo giới ở Cairo cho biết, Mubarak đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện quân y Maadi, ngày 19/6/2012 bằng trực thăng và hiện bệnh tình rất nặng, đang cận kề với cái chết.

Đối chiếu với các nguồn tin khác thì Mubarak đã bị đột quỵ từ nhà tù Tora và được các giám thị nhanh chóng chuyển từ đó đến bệnh viện quân y Maadi để các bác si4 duy trì sự sống. Trong lúc ông đang hấp hối, theo nguyên tắc an ninh, cảnh sát nổi và chìm vẫn túc trực phía trước cửa phòng hồi sức và cả khu vực bệnh viện để đề phòng bất trắc. Theo giới chức an ninh, không loại trừ những kẻ chống đối ông thuộc Phong trào Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) sẽ nhân cơ hội này để giết chết người mà họ cho là kẻ thù không đội trời chung của họ trong hơn 30 năm Mubarak cai trị Ai Cập.

Sau nhiều năm tại vị, với cương vị nguyên thủ quốc gia của mình, Mubarak đã được tiếp cận với nhiều hợp đồng đầu tư, vốn sản sinh ra hàng trăm triệu bảng Anh lợi nhuận, đa số có được đều thu ở nước ngoài và gửi trong các tài khoản ngân hàng bí mật hoặc đầu tư vào thị trường nhà cao cấp hoặc khách sạn.

Theo nhà báo Doucet, Mubarak có nhiều cơ ngơi ở Manhattan, biệt thự Beverly Hills trên đường Rodeo Drive. Sau khi Mubarak từ chức, ngày 12/2/2011, Chính phủ Thụy Sĩ đã tuyên bố phong tỏa mọi tài sản của ông trong các ngân hàng. Người Ai Cập xuống đường biểu tình vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc họ cho rằng gia đình Mubarak đã lợi dụng quyền lực để làm giàu, lấy của công làm của riêng, trong giai đoạn 2000-2008, ước tính có khoảng 57 tỉ USD đã được tuồn bất hợp pháp ra nước ngoài.

Mấu chốt của vấn đề là: phe Huynh đệ Hồi giáo đã thề sẽ đưa Mubarak ra xét xử lại khi họ đã lên nắm quyền và nhất quyết cho rằng ông phải bị tuyên án tử hình. Trong khi người dân Ai Cập đi bỏ phiếu bầu tổng thống thì các tướng lĩnh của nước này đã giải tán Quốc hội và giành lấy mọi quyền lập pháp. Các nhà hoạt động dân chủ đã mô tả hành động này là sự đảo chính của quân đội.

Bệnh viện quân y Maadi có nhiều trang thiết bị cần thiết để chăm sóc cho tình trạng hiện nay của ông Mubarak. Các bác sĩ đã dùng máy trợ tim một vài lần để làm tim ông đập lại bình thường bằng xung điện. Theo cảnh sát, hiện có những nhóm dân (cả ủng hộ lẫn chống đối Mubarak) tụ tập bên ngoài bệnh viện không ngớt la hét ầm ĩ.

Theo nhà báo Leyne, khi Ủy ban bầu cử công bố kết quả bầu tổng thống ngày 21/6/2012, nếu đúng là Mubarak đang giả chết, thì khi ứng viên Morsi của Huynh đệ Hồi giáo lên làm tổng thống, chắc chắn ông này sẽ đem Mubarak ra xét xử lại với mức án cao nhất là tử hình

Lê Miên Tường (theo BBC News, CNN)
.
.