Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej:

Tỏa lan nhân cách từ quyền năng trên ngôi cao

Thứ Hai, 17/10/2016, 12:35
Trị vì trong 7 thập kỷ, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej trên bình diện lịch sử thế giới được xem là một trong những vị quân vương trị vì lâu nhất lịch sử hiện đại. Biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc còn được toàn dân Thái Lan kính ngưỡng tôn vinh như một vị Phật sống.

Người biến cung điện thành phòng thí nghiệm và nông trại

Chào đời tại Bệnh viện Mount Auburn ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Mỹ, năm 1927, Bhumibol là con trai út của Mahidol Adulyadej, Hoàng tử xứ Songkla (con trai của Vua Chulalongkorn). Bhumibol được đem về Thái Lan năm 1928, sau khi Hoàng tử Mahidol tốt nghiệp ngành Y tại Đại học Harvard.

Hoàn tất chương trình tiểu học tại trường Mater Dei ở Bangkok, năm 1933, Bhumibol đến Thụy Sĩ để theo học tại École Nouvelle de la Suisse romande. Khi hoàng huynh Ananda Mahidol lên ngai ở Thái Lan thì lúc đó Bhumibol đang theo học tại Đại học Lausanne. Thời sinh viên, Bhumibol là người đam mê các hoạt động văn hóa như nhiếp ảnh, chơi và sáng tác các tác phẩm cho kèn saxophone, trong lĩnh vực sáng tác và hội họa, Bhumibol cũng tỏ ra là người tài hoa.

Quốc vương đính hôn với bà Sirikit năm 1948.

Bhumibol kế vị ngai vàng sau khi Vua Ananda Mahidol mất ngày 9-6-1946, trong một sự kiện được miêu tả là “một tai nạn liên quan đến vũ khí (một vụ nổ súng) xảy ra trong hoàng cung” ở Bangkok, cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Nỗi đau buồn sâu sắc khi mất người anh mà Bhumibol luôn ngưỡng mộ được bộc lộ trong một bức thư riêng: “...Tôi không ngừng suy nghĩ về anh ấy, dù chỉ trong phút chốc. Tôi luôn nghĩ rằng, trong suốt cuộc đời mình, sẽ không bao giờ bị chia cắt khỏi anh. Nhưng định mệnh thật nghiệt ngã. Tôi không hề nghĩ đến ngai vàng, chỉ nghĩ rằng mình mãi là một đứa em của anh".

Vì chưa hoàn tất chương trình học nên chú của Bhumibol được chỉ định làm nhiếp chính vương, trong khi Bhumibol chuyển sang nghiên cứu luật và khoa học chính trị, những môn cần thiết cho một nhà lãnh đạo trong tương lai.

Trong thời gian sống ở Thụy Sĩ, những khi rảnh rỗi, Bhumibol thường đến Paris thăm gia đình người anh họ đang là Đại sứ Thái Lan tại Pháp. Trong gia đình này, Bhumibol có tình cảm nhất với người con gái lớn, Mom Rajawongse Sirkit Kitiakara.

Khi Bhumibol bị thương một mắt trong một tai nạn xe hơi ở Lausanne, Mom Rajawongse Sirkit thường đến Lausanne chăm sóc người chú họ của mình. Mẹ của Bhumibol yêu cầu cô chuyển đến học tại một trường nội trú ở Lausanne. Rồi lễ đính hôn được tổ chức đơn giản ở Lausanne và sau đó họ làm lễ thành hôn vào ngày 28-4-1950, chỉ vài tuần trước lễ đăng cơ.

Trong thời gian 7 năm đầu trị vì, khi chính quyền bị đặt dưới quyền kiểm soát của nhà độc tài Plaek Pibulsonggram, Quốc vương Bhumibol hầu như không có thực quyền và chẳng thể làm gì khác hơn là giữ một vai trò mang tính chất tượng trưng cho chính phủ quân sự.

Tháng 9-1957, Plaek Pibulsonggram bị lật đổ, tướng Sarit Dhanarajata lên nắm quyền. Quốc vương ra chiếu chỉ phong cho vị tướng này là “Sarit, Hộ vệ đô thành” và từ đó vương triều được hồi sinh bằng quyết tâm của chính Bhumibol quyết làm sống lại vị trí vững mạnh của hoàng gia.

Quốc vương Bhumibol chơi nhạc với thủ lĩnh ban nhạc Benny Goodman.

Nên nhớ rằng, Quốc vương Bhumibol là một trong những người giàu nhất thế giới, nhờ đó nhà vua có thể tài trợ cho nhiều dự án quốc gia. Tài sản của nhà vua và hoàng gia Thái được quản lý bởi Văn phòng Tài sản Hoàng gia (CPB), số tài sản này ước tính từ 2 đến 8 tỉ USD.

Ông sử dụng tài sản to lớn của mình để cung cấp tài chính cho nhiều đề án phát triển, đặc biệt là ở những vùng nông thôn nghèo nàn lạc hậu, ông thường xuyên “vi hành” nhưng không phải để “ngao du sơn thủy” mà xuống tận các cánh đồng, hỏi han để biết tâm tư của những người nông dân và trưởng làng.

Với sức khoẻ và nhiệt huyết dồi dào, trung bình mỗi năm, Quốc vương Bhumibol chỉ ở trong cung điện khoảng 7 tháng, thời gian còn lại ông dành cho những chuyến đi thị sát, tới những nơi xa xôi hẻo lánh, nghèo khó nhất Thái Lan, trò chuyện với người dân và lội xuống ruộng hòa mình với cuộc sống ở đó. Quãng đường rong ruổi của ông mỗi năm trung bình khoảng 30.000 dặm - hầu hết đều trên trên chiếc xe Jeep ông tự cầm lái. Trong tâm trí của những người dân Thái, nhà vua là một người thân thiện, với cuốn sổ và cây bút trên tay, luôn lắng nghe và tràn đầy ý tưởng mới.

Ông đã sử dụng uy danh của mình trong đời sống kinh tế và xã hội của đất nước, chủ yếu là qua một loạt các đề án phát triển kinh tế mà ông đề xuất, tổ chức và tài trợ. Mặt nam và tây của Điện Chitralada rộng lớn của ông biến thành tổ hợp trang trại, cánh đồng, nhà máy chế biến, nơi ông có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp, thủy lợi trong chương trình phát triển mang tên "Những đề án hoàng gia", từ các đề án nghiên cứu, huấn nghiệp, bảo tồn nước đến vô số dự án phát triển điền địa, từ thoát nước vùng đầm lầy đến bảo vệ rừng...

Có hơn 3.000 đề án khởi xướng bởi Quốc vương được chia thành 8 lĩnh vực: nông nghiệp, môi trường, y tế, huấn nghiệp, tài nguyên nước, truyền thông, phúc lợi xã hội và những lĩnh vực khác được triển khai trên toàn quốc, nhằm vào mục tiêu cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở vùng nông thôn Thái Lan. Vương triều của ông cũng giúp cho Phật giáo - quốc giáo của Thái Lan - hưng thịnh hơn bao giờ hết.

Ủng hộ mạnh mẽ ngành nông nghiệp Thái Lan, nhà vua không ít lần thân chinh xuống ruộng.

Dòng tu Thammayut Nikaya (một dòng tu thuộc Phật giáo Tiểu thừa được Hoàng gia bảo trợ) được hồi sinh. Lần đầu tiên kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế bị lật đổ, một buổi lễ rước thuyền hoàng gia trên sông Chao Phraya được tổ chức, nhà vua đến làm lễ dâng y (cúng dường y phục và các đồ dùng sinh hoạt) cho các đền chùa trong biển người cung nghinh chào đón. Nghi thức cày ruộng từ triều đại Chakri (tương tự lễ tịch điền của các triều đại phong kiến Việt Nam) được phục hồi khiến hình ảnh của Quốc vương càng trở nên gần gũi với người dân.

Có một điều thú vị: Nhà vua là một nhạc công và sáng tác nhạc jazz tài năng. Nhà vua được trao tặng danh hiệu thành viên danh dự Viện Âm nhạc và Nghệ thuật Vienna vào lúc 32 tuổi. Ông thường trình diễn nhạc jazz trên sóng phát thanh của đài Or Sor và cũng đã công diễn với những huyền thoại nhạc jazz như Benny Goodman, Jack Teagarden, Lionel Hampton và Maynard Ferguson. Các ca khúc được ông sáng tác thường vang lên tại các cuộc tụ họp công cộng và được trình diễn trong các buổi hòa nhạc.

Danh thế trong một chính trường nhiều biến động

Lên ngôi năm 18 tuổi, chưa từng được học về trách nhiệm của một đế vương, song vị vua trẻ đã tuyên thệ sẽ "cai trị quốc gia bằng sự công bằng, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân". Và ông đã chứng minh rằng đó không chỉ là lời hứa suông.

Liên tục bị chao đảo bởi những biến động chính trị, suốt gần 7 thập kỷ trị vì, Quốc vương Bhumibol đã chứng kiến 17 cuộc đảo chính và 26 đời thủ tướng, kinh tế quốc gia phát triển, còn giá trị cộng đồng và gia đình bị suy giảm, tham nhũng được ông xem như một thứ “quốc nạn”.

Mặc dù theo luật pháp, nhà vua phải đứng ngoài các vấn đề về chính trị, và quyền lực của ông chỉ mang tính biểu tượng, song bằng sự công tâm và trung lập của mình, ông đã không ít lần thành công trong việc làm cố vấn, trung gian hòa giải những bất hòa chính trị.

Năm 1992, Quốc vương Bhumibol thủ giữ vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi đất nước Thái Lan sang nền dân chủ. Cuộc đảo chính ngày 23-2-1991 đặt Thái Lan dưới sự cai trị của một chế độ độc tài quân sự. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1992, các chính đảng chiếm đa số mời tướng Suchinda Kraprayoon, người lãnh đạo cuộc chính biến, làm thủ tướng.

Động thái này gây ra nhiều bất bình, tăng cường độ xung đột dẫn đến các cuộc biểu tình và gây ra nhiều thương vong khi quân đội được sử dụng để trấn áp hay giải tán các cuộc tụ tập. Tình thế trở nên đáng quan ngại khi cả hai phía đều không có dấu hiệu nhượng bộ khiến tình trạng bạo động càng leo thang. Quốc vương cho đòi Suchinda và nhà lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ, thiếu tướng Chamlong Srimuang, đến gặp ông trong một buổi hội kiến được truyền hình trực tiếp.

Ở cao điểm của cuộc khủng hoảng, hình ảnh hai nhân vật chống đối nhau cùng phủ phục trước nhà vua (theo nghi thức hoàng gia) đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên toàn dân tộc. Qua sóng truyền hình, Quốc vương Bhumibol ra lời kêu gọi kiềm chế và hợp tác "vì đất nước của tất cả chúng ta chứ không phải vì đất nước của hai vị. Cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến mọi người ở Bangkok, mà còn ảnh hưởng tới cả nước. Nếu như Bangkok bị thiệt hại, cả nước cũng sẽ bị thiệt hại. Không ai có thể hát khúc ca khải hoàn trên đống đổ nát của đất nước”.

Vài giờ sau đó, Thủ tướng Suchinda và đối thủ đồng loạt tuyên bố rời khỏi chính trường, quân đội buông vũ khí, người biểu tình cũng rút lui. Đó là một trong vài lần hiếm hoi nhà vua can thiệp trực tiếp vào tranh chấp chính trị. Một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành và từ đó nền dân chủ được phục hồi.

Thái Lan sẽ để tang nhà vua một năm, hoãn mọi hoạt động giải trí và lễ đăng quang của người kế vị sẽ không diễn ra cho đến khi quốc tang kết thúc.

Trong những tuần lễ trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 4-2006, liên minh chống Thaksin (bao gồm đảng Dân chủ, Liên minh nhân dân vì dân chủ và Hiệp hội Luật Thái Lan) thỉnh cầu nhà vua bổ nhiệm thủ tướng và nội các thay thế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng yêu cầu này vấp phải nhiều sự chống đối.

Quốc vương Bhumibol, trong bài diễn văn đọc ngày 26-4, trả lời rằng: "Thỉnh cầu Quốc vương bổ nhiệm thủ tướng là không dân chủ. Ấy là, tôi xin lỗi, một sự lộn xộn. Đó là điều không hợp lý". Một ngày sau khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, Thaksin đến gặp riêng Quốc vương Bhumibol. Chỉ vài giờ sau đó, hình ảnh của Thaksin đầy nước mắt xuất hiện trên truyền hình toàn quốc với lời tuyên bố từ chối chức vụ thủ tướng và sẽ “xa lánh chính trường”.

Trong một bài diễn văn đọc trên truyền hình trước các thẩm phán cao cấp, Quốc vương Bhumibol yêu cầu ngành tư pháp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Ngày 8-5-2006, Tòa án Hiến pháp tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử tháng 4 và ra lệnh tổ chức một vòng tuyển cử mới.

Ảnh hưởng sâu rộng của Quốc vương trên công luận Thái còn được thể hiện sau vụ bạo động Phnom Penh năm 2003 ở Campuchia, khi hàng trăm người Thái phẫn nộ do Đại sứ quán Thái Lan ở Phnom Penh bị đốt, tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Campuchia tại Bangkok, giật đổ tường và tìm cách tràn vào tòa nhà.

Nhưng khi Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia, Sant Sarutanonda, bảo cho đám đông biết rằng ông vừa nhận được một cuộc điện đàm từ Arsa Sarasin, thư ký nhà vua, chuyển lời của nhà vua kêu gọi bình tĩnh, tình thế căng thẳng đã được giải quyết trong hòa bình.

Đối với người dân Thái Lan, Quốc vương Bhumibol là một biểu tượng của sự ổn định, một huyền thoại về nhân cách, một vị vua đã cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ đất nước. Mặc dù hiếm khi xuất hiện trước công chúng do tuổi cao sức yếu, đặc biệt trong 6 năm trở lại đây, thời gian ông ở bệnh viện nhiều hơn ở hoàng cung do phải điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tụ dịch quanh não và sưng phổi nhưng hình ảnh của nhà vua luôn hiện diện ở khắp nơi; những bức chân dung của ông cao hàng mét được treo ở hầu hết các tòa nhà chính phủ, sân bay, trường học và các địa điểm công cộng.

Tháng 5-2006, Quốc vương Bhumibol nhận Huy chương Thành quả trọn đời vì phát triển nhân loại đầu tiên của LHQ từ Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan.

Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.