Toà thánh Vatican, quốc gia đặc biệt

Thứ Năm, 24/03/2005, 07:48

Với vỏn vẹn 44 hécta, Tòa thánh Vatican là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới. Quốc gia này mang thể chế vương quyền độc tôn nhưng không phải theo kiểu cha truyền con nối mà do cử tri bầu chọn. Tuy nhiên, chỉ có một bầu cử đoàn gồm những hồng y giáo chủ cao cấp của Giáo hội là có quyền bầu giáo hoàng mới. Giáo hoàng có thể thuộc những dân tộc khác nhau trên thế giới.

Từ trước đến nay, hậu trường của Tòa thánh Vatican luôn là một bí mật đối với mọi người. Dưới đây là những chi tiết nhỏ được tiết lộ về hậu cung của Vatican.

Đội vệ binh người Thụy Sĩ

Đây là đội quân phục vụ các giáo hoàng từ rất lâu đời. Từ năm 1506, Giáo hoàng Jules II đã bắt đầu tuyển những người lính đánh thuê từ Thụy Sĩ. Nhưng ngày nay, tuy quân đội có lịch sử lâu đời này vẫn tồn tại, nhưng các thành viên của nó không còn phải gánh vác những trách nhiệm chinh chiến nữa.

Tiếng là “Những người bảo vệ tự do của Giáo hội”, đội vệ binh Thụy Sĩ  gồm 94 người, chỉ còn mang tính dân tộc của họ nhờ những bộ quân  phục, mà người ta cho là do chính hai danh họa Raphael và Michel Angelo phác họa ra. Nhiệm vụ của đội vệ binh Thụy Sĩ là canh gác các cửa ngõ của thành Vatican, cung điện Giáo hoàng và lâu đài Castel Gandolfo. Tuy nhiệm vụ của họ trông buồn tẻ nhưng cũng rất oai phong, vì muốn trở thành thành viên của đội vệ binh Thụy Sĩ cần phải hội đủ ba điều kiện: phải là người Thụy Sĩ, phải theo đạo Thiên Chúa và phải cao ít nhất 1,74 mét.

Ngoài đội vệ binh Thụy Sĩ, Vatican còn có một đội cảnh binh gồm toàn người Italia có nhiệm vụ canh gác các khu vườn và đảm bảo an ninh cận kề cho chính giáo hoàng. Từ ngày Giáo hoàng Jean Paul II bị ám sát hụt vào tháng 5/1981 thì việc bảo vệ Giáo hoàng lại càng chặt chẽ hơn. Đội cảnh binh này cộng tác với cảnh sát Italia mỗi khi Giáo hoàng công du, nghĩa là khi Giáo hoàng rời địa phận của Vatican đến thành phố Roma hoặc đi đến những nơi khác của Italia.

Tờ báo Osservatore Romano

Nhật báo này cũng lâu đời không kém đội vệ binh Thụy Sĩ. Tờ Osservatore Romano ra đời cách đây 140 năm và được bổ sung những ấn phẩm ra hàng tuần in bằng 7 thứ tiếng. Mục đích chính của những ấn phẩm này không nhằm bán kiếm tiền mà nhằm quảng bá rộng khắp thông tin về hoạt động của Giáo hội, của Giáo hoàng. Tờ Osservatore Romano không bao giờ tiết lộ số lượng báo phát hành hàng ngày và cũng rất kín đáo với một số khía cạnh trong đời sống chính trị ở Italia, đặc biệt là đối với tình hình khủng hoảng về sự sống còn của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, được đổi tên là đảng Bình dân vào năm 1996, một đảng chính trị quan trọng trên chính trường Italia. Do đây là một đảng thân hữu của Vatican nên vị tổng biên tập của báo Osservatore Romano bao giờ cũng được chọn từ các đảng viên cốt cán của đảng này.

Đài phát thanh Vatican

Tòa thánh Vatican còn có một đài phát thanh riêng truyền thông tin đi khắp thế giới, đó là Đài phát thanh Vatican còn gọi là Radio Vatican. Hằng ngày, Radio Vatican phát trên 30 thứ tiếng của nhân loại. Theo Cha Pierre, người phụ trách chính của đài này, thì Radio Vatican được thành lập theo quyết định của Giáo hoàng Pie XI sau khi ký kết Hiệp ước Latran với chính quyền phát xít Italia vào năm 1921. Để ghi nhận sự trung thành của Ignace de Loyola, người sáng lập ra dòng Tên, là tuyệt đối trung thành với Tòa thánh, nên Giáo hoàng Pie XI đã giao cho các cha thuộc dòng Tên phụ trách đài này.

Đội xe

Tổng cộng chiều dài đường giao thông ở Vatican chỉ không quá 500m. Ngoài ra, Vatican còn có một sân bay trực thăng và một đường tàu hỏa nối liền với thủ đô Roma mà nhà ga chính nằm ngay phía sau cung điện của Giáo hoàng. Kể từ tháng 1/2002, Giáo hoàng đã không di chuyển bằng tàu hỏa nữa mà chỉ đến Roma hay đến làm việc trong nội cung của Vatican bằng xe hơi. Thường thì Giáo hoàng Jean Paul II thích đi trên những xe đời cũ nhưng chắc chắn được chế tạo riêng theo đơn đặt hàng của Vatican, có đến 12 chiếc, gồm toàn hiệu Mercedes, nằm trong một nhà xe “quý phái” ở bên dưới Viện phụ trách các vấn đề tôn giáo, trong đó chiếc Mercedes bọc thép mang biển số SC V1, sản xuất năm 1988 thường được sử dụng để phục vụ riêng cho việc đi lại của Giáo hoàng.

Quản lý đội xe đặc biệt này là Piero Cicchetti, 48 tuổi, một người Roma và cũng là tài xế riêng của Giáo hoàng Jean Paul II. Piero Cicchetti luôn nhớ mãi câu nói mà Giáo hoàng đã dặn dò mình khi được Hồng y Giáo chủ Sodano, Bí thư thứ nhất của Vatican, tiến cử với Giáo hoàng: “Piero, ta có thể tin tưởng vào con vì con mang tên một trong những tông đồ của Giáo hội là Thánh Piero”. Phụ việc cho Piero Cicchetti để quản lý đội xe là một nhóm gồm 7 lái xe và 2 thợ máy.

Thư viện

Mức độ phong phú của thư viện Tòa thánh Vatican không kém gì so với các bảo tàng của Tòa thánh. Nhưng không phải ai cũng có thể vào hoặc mượn được sách ở thư viện này. Ở đây có hơn 1 triệu ấn phẩm, 150.000 bản viết tay và một bộ sưu tập quý giá nhất  về những ấn phẩm đầu tiên của ngành in trên thế giới, trong đó đáng kể nhất là 2 cuốn Thánh Kinh do Gutemberg, người phát minh kỹ thuật in, cho xuất bản vào thế kỷ XV.

Từ năm 1988 đến nay, Đức cha Leonard Doyle, nguyên giáo sư cổ tự học tại Trường đại học Toronto ở Canada, được giao việc quản lý thư viện độc đáo này. Có thể nói đây là một thư viện hữu ích đối với nhân văn học hơn là đối với thần học. Cha Boyle chủ trương bảo tồn khối lượng sách quý vốn có trong thư viện hơn là làm giàu thêm cho thư viện bằng những sách mới nhập. Do đó, từ ngày ông đến phụ trách thư viện này, ông chỉ mới tậu thêm 5 tác phẩm viết tay cổ có giá trị.

Hiệp hội những người làm việc ngoài đời

Trụ sở của hiệp hội này chiếm hai gian nhà cổ với trang trí nội thất lỗi thời. Ngoài cửa chỉ khắc có 4 chữ cái ADLV thay cho toàn bộ tên Associazone Dipendenti Laici Vatican, tức Hiệp hội những người làm việc ngoài đời đến làm việc tại "Ngôi nhà của Chúa" ở Vatican. Có thể coi đó là công đoàn của những người lao động cho Tòa thánh. Trong số 2.400 người qua cổng Thánh Anna, ngăn đôi giữa thành phố Roma và Tòa thánh để vào Vatican làm việc thì có đến 700 người là thành viên của công  hội này. Với mặt bằng lương tương tự như các nghề khác ở Roma, họ làm việc mỗi tuần 6 ngày, mỗi ngày 6 tiếng. Mỗi chức vụ ở đây, ngoài thanh thế ra còn đem lại cho họ một số đặc quyền nhưng việc tăng lương có phần hơi chậm hơn so với các nơi khác ở Italia

Hoàng Phú (Theo Point de Vue)
.
.