Tội phạm trong thế giới chân dài

Thứ Tư, 19/10/2005, 08:45

Người mẫu Pháp Corine Porte từng mô tả công nghiệp người mẫu là “hình thức tội phạm được hợp pháp hóa” tại phương Tây. Ma túy, gái điếm cao cấp, giết người... đều hiện diện trong công nghiệp người mẫu. Tất cả xoay quanh trục tiền tài và danh tiếng.

Vụ siêu mẫu Kate Moss thú nhận mình sử dụng cocain, đúng như tường thuật trên tờ Daily Mirror, tiếp tục là đề tài thời sự nóng liên quan tới lối sống thế giới người mẫu. Cuối tháng 9/2005, Kate Moss đã sang Mỹ để vào trại cai nghiện. Sự nghiệp siêu mẫu này đang bên bờ vực sau khi hàng loạt hợp đồng quảng cáo bị hủy.

Cái chết của nhà thiết kế kim hoàn Đức Rudolph Moshammer nổi tiếng làng thời trang toàn cầu (mệnh danh “Tsar of Fashion” - ông hoàng làng thời trang) bị bóp cổ tại biệt thự riêng vào tháng 1/2005 chỉ là một vụ nữa trong “hồ sơ tội phạm” công nghiệp thời trang. Trong bộ hồ sơ này, có những vụ chứa nhiều tình tiết không thua bất kỳ kịch bản hình sự nào của Hollywood.

Ngày 29/3/1997, Melanie Pavicic, 21 tuổi, cùng bạn trai Vahid Mahanian, xông vào nhà vợ chồng Robert và Glennis McArthur. Vợ chồng McArthur đã phải quỳ lạy xin tha mạng. Melanie Pavicic lấy đi chiếc nhẫn hột xoàn, đầu máy VCR cùng mớ thẻ tín dụng. Melanie Pavicic là người mẫu và đã từng tham gia điện ảnh trong phim khoa học hình sự giả tưởng X-Files!

Nhà thiết kế kim hoàn Đức Rudolph Moshammer.

Nhưng chỉ vài tuần sau, Pavicic cùng Vahid Mahanian bị bắt giữ (bị xử 4 năm tù). Ít người biết được rằng, Pavicic từng là học sinh giỏi của Trường trung học ở Coquitlam (ngoại ô Vancouver, Canada) nhưng không theo học đại học mà mong trở thành người mẫu. Cô được toại nguyện. Ở trong thế giới người mẫu cô đã khám phá nhiều mặt trái của ngành công nghiệp này. Chán đời, nghiện ngập, mất phương hướng, Pavicic trở thành một con người khác hẳn...

Do doanh thu quảng cáo, báo chí phương Tây hiếm khi lột tả “nguyên bản” mặt tối của thế giới thời trang. Doanh thu quảng cáo từ các công ty thời trang như Gap hoặc các hãng mỹ phẩm như Johnson & Johnson nhiều hơn hết trong tổng doanh thu quảng cáo báo chí phương Tây, kể cả xe hơi, dược phẩm và thực phẩm. Quan hệ lợi nhuận giữa báo chí và hãng thời trang khiến ít khi ban biên tập ủng hộ đề xuất phóng sự mổ xẻ thực trạng bê bối của công nghiệp thời trang, đặc biệt đối với các tờ báo chuyên ngành thời trang. Do đó, độc giả ít khi biết các vụ bê bối kinh khủng, như câu chuyện sau đây.

Cuối năm 1998, triệu phú công nghiệp thời trang John Badum, 46 tuổi, bị gã tình nhân tên là Hamid Ouhda 23 tuổi giết chết tại Batavia (New York). Một giờ sau, trong cơn bấn loạn, Ouhda lao đầu vào chiếc xe tải và chết tức thì. John Badum là một trong những gương mặt nổi bật trong giới thời trang phương Tây, từng tung ra mặt hàng lụa cao cấp Go Silk.

Quen biết Ouhda trong một thương vụ làm ăn, Badum sắp xếp cho "người tình" lấy em gái mình để được cấp thẻ xanh. Cuộc tình vừa đơm hoa chưa kịp kết trái thì Ouhda tuyên bố chỉ xem Badum như bạn và muốn hò hẹn với người khác phái. Tức giận, Badum yêu cầu Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ ngưng thực hiện hồ sơ thẻ xanh cho Ouhda. Nổi cáu, Ouhda trả thù!

Anh Vũ (tổng hợp)
.
.