Tổng Giám đốc IMF sắp hầu tòa

Thứ Sáu, 08/01/2016, 10:05
Bà Christine Lagarde sẽ phải hầu tòa theo một lệnh của Tòa án Tư pháp Pháp yêu cầu bà phải chịu trách nhiệm đối với một số vấn đề liên quan đến vụ kiện năm 2007 của triệu phú người Pháp Bernard Tapie. Với lệnh này, bà Lagarde sẽ phải tham gia tiến trình xét xử kéo dài.


Một quan chức của IMF cho biết, trước mắt bà Lagarde vẫn đảm nhiệm chức vụ của mình tại IMF, và cơ quan này cũng chưa quyết định có yêu cầu bà tự ngưng chức hay không. Còn luật sư riêng của bà Lagarde nói với báo chí rằng bà Lagarde sẽ kháng cáo lệnh trên của Tòa án Tư pháp.

Việc bà Lagarde dính dáng đến luật pháp trong vụ Tapie đã được biết đến từ khi bà được bầu làm Tổng Giám đốc IMF vào tháng 6-2011, thay thế ông Dominique Strauss-Kahn, cũng là một cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp (bị bắt giam và điều tra tội lạm dụng tình dục). Từ đó đến nay, bà Lagarde luôn bảo vệ vai trò của mình trong vụ việc của Tapie - một vụ việc bê bối kéo dài đến 20 năm và làm lộ ra nhiều mối quan hệ bí mật trong hậu trường giữa ông Tapie với nhiều nhân vật chính trị cao cấp, kể cả cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, người lãnh đạo nước Pháp trong thời gian xảy ra vụ án.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận phán quyết phải hầu tòa.

Theo quyết định của tòa án, bà Lagarde bị cáo buộc đã hành động một cách vô ý khi giám sát việc phân xử một vụ án mang tính chất chính trị vào năm 2007, trong đó nhà nước phải bồi thường cho ông Tapie số tiền tương đương 441 triệu USD. Lập luận của tòa án là, khi giám sát việc phân xử vụ án Tapie, với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc Hội đồng Trọng tài đưa ra quyết định không đúng thực chất vấn đề.

Cụ thể, vào năm 2007, bà Lagarde đã ra lệnh rằng vụ tranh chấp giữa ông Tapie - một người bạn thân của Tổng thống Sarkozy - với Ngân hàng quốc doanh Crédit Lyonnais phải được chuyển cho một hội đồng trọng tài kinh tế giải quyết. Và sau đó, chính hội đồng này đã quyết định Crédit Lyonnais bồi thường cho ông Tapie số tiền trên.

Tapie là ông chủ cũ của đế chế sản xuất quần áo, dụng cụ thể thao Adidas và là cựu Bộ trưởng Công chánh Pháp, theo đảng Xã hội, về sau chuyển sang theo đảng Cấp tiến cánh tả, ủng hộ ông Sarkozy trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Cùng năm đó, ông Tapie đã đâm đơn kiện Ngân hàng Crédit Lyonnais buộc ngân hàng này bồi thường trách nhiệm gây thất thoát số tiền lớn khi giám sát vụ chuyển nhượng cổ phần của ông tại Adidas vào năm 1993.

Sau vụ chuyển nhượng cổ phần, Crédit Lyonnais đã được chuyển thành ngân hàng nhà nước quản lý. Năm 1999, ông Strauss-Kahn làm Bộ trưởng Tài chính, đã ra quyết định rằng nhà nước phải có trách nhiệm xử lý vụ kiện của ông Tapie.

Người ta nghi ngờ, chính ông Sarkozy, khi đó là Tổng thống Pháp, đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính là ông Jean-Louis Borloo chuyển vụ việc sang Hội đồng Trọng tài kinh tế. Tuy nhiên, khi ông Borloo đang triển khai yêu cầu của Tổng thống Sarkozy thì chức Bộ trưởng Tài chính đã được bà Lagarde tiếp quản, và chính bà Lagarde giám sát việc chuyển vụ việc sang Hội đồng Trọng tài kinh tế.

Như trên đã nói, Hội đồng Trọng tài quyết định Crédit Lyonnais phải bồi thường cho ông Tapie số tiền 441 triệu USD. Vụ bồi thường đã khiến cho dư luận bị sốc. Không lâu sau đó, các cố vấn của bà Lagarde đã khuyến nghị bà kháng nghị quyết định của Hội đồng Trọng tài nhưng bà đã không làm theo, do đó dư luận bắt đầu "soi" về vai trò của bà trong vụ bồi thường.

Cuối cùng thì bà Lagarde cũng bị điều tra với cáo buộc "lạm dụng quyền hành" vì đã không nghe theo lời các cố vấn kháng nghị quyết định bồi thường của Hội đồng Trọng tài, nhưng cáo buộc đó đã nhanh chóng bị hủy bỏ. Vụ việc đã chìm vào quên lãng một thời gian khi bà Lagarde nhậm chức Tổng Giám đốc IMF cho đến đầu tháng 12-2015, một tòa án phúc thẩm ở Paris ra phán quyết "đè" lên quyết định dàn xếp bồi thường cho ông Tapie của Hội đồng Trọng tài.

Ông Bernard Tapie.

Thay vào đó, Tòa phán quyết rằng, Ngân hàng Crédit Lyonnais đã không lừa gạt ông Tapie, và ra lệnh nhà triệu phú phải trả lại số tiền đã nhận bồi thường của Crédit Lyonnais. Ông Tapie than, phán quyết của Tòa sẽ khiến ông phá sản.

Ở Pháp, Tòa án Tư pháp chỉ dành để xét xử các bộ trưởng và thứ trưởng, kể cả Thủ tướng trong Chính phủ Pháp. Tòa gồm 12 thành viên là các nghị sĩ Quốc hội Pháp đương nhiệm và 3 thẩm phán địa phương do Tòa Thượng thẩm Tối cao bổ nhiệm. Tòa án này ít khi mở phiên xét xử, nhưng mỗi khi xét xử thì các vụ án thường là án nổi cộm và mang tính chất chính trị cao, vì bị cáo là các chính khách đương nhiệm hoặc đã rời nhiệm.

Năm 1999, ông Laurent Fabius, đương kim Ngoại trưởng Pháp, từng bị xét xử cùng với hai vị bộ trưởng khác trong Chính phủ Pháp với cáo buộc "giết người", vì một chi nhánh của Bộ Y tế Pháp bị phát hiện đã truyền máu có nhiễm virút HIV cho bệnh nhân. Ông Fabius cùng một vị bộ trưởng được tha bổng, vị còn lại lĩnh án.

Riêng trường hợp của bà Lagarde, có thể Tòa án cũng sẽ xem xét lại nếu bà có đủ chứng cứ chứng minh mình vô can trong việc chuyển vụ kiện của ông Tapie sang Hội đồng Trọng tài. Tuy nhiên, giới luật sư Paris cho rằng, nếu kháng cáo của bà Lagarde không được xem xét và phán quyết của Tòa án Tư pháp vẫn được giữ nguyên, có nghĩa là địa vị công việc của bà tại IMF sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nếu phải hầu tòa, bà Lagarde có thể bị phạt một năm tù giam kèm số tiền phạt tương đương 16.400USD. Hiện luật sư của bà Lagarde đã nộp đơn kháng cáo.

An Châu (tổng hợp)
.
.