Tổng thống Algeria Bouteflika: Trở về giữa “tâm bão”

Thứ Năm, 14/03/2019, 11:24
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, người vừa trở về sau 2 tuần chăm sóc sức khỏe tại Geneva (Thụy Sĩ), đang là tâm điểm của các cuộc biểu tình lan rộng khắp cả nước sau khi ông tuyên bố tranh cử cho nhiệm kỳ cầm quyền thứ 5 vào tháng 4 tới.

Hàng triệu thanh thiếu niên và luật sư người Algeria đã tham gia nhiều cuộc biểu tình tại thủ đô Algiers và các thành phố trong những ngày qua, cộng với các cuộc đình công của công nhân tại nhiều khu vực, khi quốc gia đang chờ xem liệu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, người vừa về nước ngày 10-3, có đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào trước các cuộc biểu tình chưa từng có.

Bắt đầu từ ngày 22-2, cuộc nổi dậy chưa từng có bắt nguồn từ những lời kêu gọi ẩn danh trên mạng xã hội sau khi Phủ Tổng thống Algeria ngày 10-2 chính thức thông báo ông Bouteflika ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18-4 tới. Sự vắng mặt của tổng thống trong 2 tuần tại bệnh viện Thụy Sĩ đã càng chứng kiến sự gia tăng các cuộc biểu tình, yêu cầu ông rút lại việc tái tranh cử.

Chính phủ đã phải ban hành một kỳ nghỉ đại học sớm kéo dài 2 tuần, trong một nỗ lực để xoa dịu các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo chống lại Tổng thống Bouteflika. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, học sinh trung học cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình ở một số thị trấn.

Các luật sư mặc áo choàng đen cũng đã tập trung ngày 11-3 vừa qua trước các tòa án để tham gia kêu gọi ông Bouteflika từ bỏ việc tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 tại đất nước Bắc Phi giàu tài nguyên khí đốt này. Một số thẩm phán cũng tham gia cuộc biểu tình của luật sư tại thành phố Bedjaia ở Kabylie, một khu vực trong lịch sử đối lập với giới cầm quyền ở Algiers. Theo quy định, các thẩm phán thường bị cấm biểu tình công khai, giống như cảnh sát và binh lính.

Đặc biệt, hơn 1.000 thẩm phán phản đối việc tái tranh cử của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika và tuyên bố từ chối giám sát cuộc bầu cử tháng 4 nếu ông Bouteflika tham gia. Quyết định này được đưa ra ngày 10-3 sau hơn hai tuần của các cuộc biểu tình chống Bouteflika trên khắp đất nước Bắc Phi. Các thẩm phẩm nói rằng họ sẽ khôi phục công lý và quyết không chống lại ý chí của người dân - nguồn sức mạnh duy nhất của đất nước.

Người Algeria hầu như không nhìn thấy vị Tổng thống Bouteflika quyền lực kể từ khi ông bị đột quỵ vào năm 2013 và sự tức giận đã gia tăng bởi cơ cấu quyền lực bí mật của đất nước. Tổng thống Bouteflika đã rất hiếm khi xuất hiện trực tiếp trước công chúng kể từ năm 2013 và ông chỉ được thấy qua những hình ảnh ngồi trên xe lăn trong một số sự kiện được báo chí chính thức đăng tải. Hình ảnh ốm yếu của ông là lý do khiến người dân, đặc biệt là đông đảo tầng lớp trẻ lo ngại về người đang thực sự điều hành đất nước.

Tổng thống Bouteflika (82 tuổi) phải sử dụng xe lăn sau cơn đợt quỵ năm 2013.

Được ca ngợi là người mang lại hòa bình cho đất nước, sự nghiệp chính trị lâu năm của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika gắn liền với những thăng trầm của Algeria. Năm 27 tuổi, ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử của đất nước. Nhưng phải đến năm 1999, (khi 62 tuổi), ông Bouteflika lên đến đỉnh cao quyền lực, được bầu làm Tổng thống Algeria ngay trong lần ra ứng cử đầu tiên.

Liên tiếp các nhiệm kỳ sau đó, nhà lãnh đạo Bouteflika tái đắc cử ngay vòng đầu với số phiếu cao: 85% (năm 2004), 90% (năm 2009) và 81% (năm 2014). Trong 20 năm qua, ông đã mang tới cho đất nước sự ổn định chính trị và kinh tế.

Với người Algeria, Tổng thống Bouteflika hiện thân cho nền hòa bình tìm lại sau hàng thập kỷ đen tối nội chiến, khủng bố, gây ra bởi các cuộc nổi dậy Hồi giáo, khiến hơn 200.000 người chết. Là nhân vật trung tâm của hòa giải dân tộc, ông đã tạo dựng được một nền hòa bình lâu bền cho đất nước.

Đối mặt với cuộc chiến khó khăn nhất trong 20 năm cầm quyền của mình, trong một thông cáo ngày 4-3, Tổng thống Bouteflika đã đề nghị giới hạn nhiệm kỳ sắp tới nếu thắng cử và tuyên bố sẽ cho bầu cử sớm cũng như thay đổi hệ thống điều hành đất nước. Chính quyền của ông Bouteflika cũng đang cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách gợi lại những ký ức về cuộc nội chiến năm 1991-2002 của Algeria, khiến ít nhất 200.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, những nỗ lực đã thất bại trong việc xoa dịu sự tức giận của công chúng về nạn thất nghiệp và tham nhũng, gây ra sự bất mãn trong nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là sinh viên và những người trẻ tuổi.

Hãng tin AP cho biết, các cuộc biểu tình đã gây ngạc nhiên cho giới lãnh đạo của Algeria và giải phóng người Algeria để công khai chỉ trích tổng thống. Người Algeria cũng đang trút cơn giận dữ dồn nén vào nạn tham nhũng đã khiến cho tài nguyên dầu khí của đất nước này rơi vào tay một số người trong khi hàng triệu người trẻ đấu tranh để tìm việc làm.

Một số đồng minh lâu năm của ông Bouteflika, bao gồm các thành viên của đảng Mặt trận Dân tộc giải phóng (FLN) cầm quyền, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người biểu tình, cho thấy các vết nứt trong giới cầm quyền.

Trong một động thái thay đổi đáng kể, Tham mưu trưởng quân đội, Trung tướng Ahmed Gaid Salah, ban đầu đe dọa những người biểu tình, đã nói rằng “người dân và quân đội chia sẻ tình hữu nghị, tình đoàn kết và tầm nhìn tương lai cho Algeria”.

“Quân đội quốc gia tự hào là một phần của đất nước đang gặp thách thức, và trân trọng chia sẻ những giá trị và nguyên tắc tương tự với người dân”, ông Ahmed Gaid Salah nói trong bài phát biểu trước các sinh viên kỹ thuật hôm 10-3.

Bình luận viên Hashem Ahelbarra của mạng lưới truyền thông Al Jazeera, người phụ trách tin tức về khu vực này, cho rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra rất khác biệt. Theo đó, “nhiều người tin rằng nếu đà này tiếp tục trong hai tuần tới, nó có thể làm thay đổi cuộc chơi”, ông Ahelbarra nói.

Đặc biệt, ngày hôm nay (13-3) sẽ là một ngày đặc biệt quan trọng đối với đất nước Algeria, khi Ủy ban Hiến pháp của quốc gia này được thiết lập để xác định tính hợp pháp của các ứng cử viên được đưa ra cho cuộc bầu cử vào ngày 18-4 tới.

Việt Thùy
.
.