Tổng thống Barack Obama: “Chúng ta sẽ xây dựng lại !”

Thứ Tư, 04/03/2009, 17:35
Ngày 24/2/2009, tại Hạ nghị viện, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu đầu tiên dài 52 phút trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ (không phải là Thông điệp liên bang mặc dù nghi thức hoàn toàn giống). Nội dung bài phát biểu đề cập nhiều vấn đề khác nhau trong chương trình hành động mà ông Obama hứa sẽ thực hiện ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Trong đó bao gồm các lĩnh vực năng lượng, môi trường, chăm sóc y tế, giáo dục và quan trọng nhất là kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng.

Một chương trình hành động đa dạng

Ngay từ đầu bài phát biểu, Tổng thống Obama đã phác họa một bức tranh không mấy sáng sủa của tình trạng nước Mỹ hiện tại khi tuyên bố rằng "nhiều thứ đã hoàn toàn đi trật đường ray".

Ông thừa nhận nền kinh tế Mỹ đã lún sâu trong khủng hoảng với quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay. "Chúng ta sẽ xây dựng lại!". Thông điệp này được Tổng thống Obama nhấn mạnh với cả nước Mỹ chứ không chỉ gói gọn trong khuôn khổ Quốc hội. Ông Obama cho rằng "ngày phán xét" đã đến, và "thời điểm để chúng ta có trách nhiệm với tương lai chính là đây".

Và ông đã dành gần trọn bài phát biểu dài cả tiếng đồng hồ để thuyết phục nghị sĩ đảng Cộng hòa và toàn thể dân chúng Mỹ - vốn đang giận dữ và chán nản, lo lắng vì khủng hoảng kinh tế - về một triển vọng lạc quan, tươi sáng của nước Mỹ mà ông đã nhìn thấy được; thời gian khủng hoảng cũng là lúc để tìm thấy niềm lạc quan, hứng khởi mới chứ không chỉ nhìn thấy một chân trời u tối.

Ông so sánh tình trạng mà nước Mỹ hiện nay đang đối mặt với những thời điểm khó khăn từng xảy ra trong quá khứ, dưới thời các tổng thống Abraham Lincoln và Franklin D.Rooservelt. Ông nhắc lại ưu điểm của các tổng thống này khi đối mặt những khó khăn chồng chất thời đó là luôn luôn "tìm thấy triển vọng trong khó khăn".

Nước Mỹ ngày nay cũng có thể học hỏi các vị tiền nhân như thế để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang đến đỉnh điểm. Ông Obama nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ hồi phục, và nước Mỹ sẽ trở lại mạnh hơn trước đây!".

Để làm được điều đó, ông Obama cho rằng nước Mỹ cần cải tổ sâu rộng trong tất cả những chính sách kinh tế, xã hội sau hàng thập niên bị hư hỏng do tính trì trệ và thiếu nhiệt huyết của cả xã hội lẫn chính quyền trong việc mạnh dạn đưa ra các quyết định táo bạo cũng như không dám đặt các lợi ích dài hạn lên trên các lợi ích ngắn hạn.

Ông lý giải tình trạng hiện tại của nước Mỹ là do bấy lâu nay bộ máy cầm quyền nước Mỹ đã không chịu động chạm đến vấn đề phụ thuộc vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu, không xử lý tốt tình trạng gia tăng chi phí chăm sóc y tế, không tìm giải pháp cho nền giáo dục đang có chiều hướng yếu đi.

Và ông Obama đưa ra giải pháp quyết liệt cho từng lĩnh vực khác nhau. Về chăm sóc y tế, ông Obama đề xuất áp dụng phương án "y tế cho mọi người", theo đó bất kể là người giàu hay nghèo đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, sẽ không còn tình trạng người nghèo bị bỏ rơi như hiện nay.

Về năng lượng, ông yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật nhằm hạn chế việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên và sử dụng khoảng 15 tỉ USD/năm từ chương trình hành động năng lượng để triển khai các nguồn năng lượng tái sinh, năng lượng xanh.

Ngoài ra, ông Obama tuyên bố sẽ xóa sổ những chương trình giáo dục không hiệu quả, chấm dứt tình trạng bao biện tài chính quá mức cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, và sẽ cải tổ lại ngân sách quân sự để tiết kiệm cho ngân sách.

Đề cập những vấn đề liên quan dự toán ngân sách sắp được công bố, ông Obama phát biểu: "Dự toán ngân sách của tôi không nhằm giải quyết mọi vấn đề. Nó chỉ phản ánh một thực tế khắc nghiệt mà chúng ta đang thừa hưởng - đó là khoản thâm hụt ngân sách nghìn tỉ, một cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng".

Ông nói thêm: "Với những thực tế này, mọi người có mặt tại đây, thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, trong đó có tôi, đều sẽ phải hy sinh một số ưu tiên của mình".

Sau một tháng đầu tiên làm Tổng thống, với tất cả những gì ông đã làm cho nước Mỹ, tỉ lệ ủng hộ ông Obama vẫn ở mức cao.

Theo một cuộc thăm dò công bố trên báo chí Mỹ hồi tuần trước, tỉ lệ dân Mỹ hài lòng về cách thức điều hành đất nước của ông Obama đạt trên 69%.

Trong tình hình này, bài phát biểu hôm 24/2 được giới phân tích đánh giá là sẽ tạo thêm một cơ hội cho ông Obama làm chủ công việc điều hành đất nước theo cách riêng của mình, hé lộ cho mọi người thấy một khả năng điều hành vượt bậc so với những gì mà ông đã thể hiện từ trước tới nay.

Đây chính là "bài tập" đầu tiên ông Obama triển khai trước toàn thể người dân Mỹ cũng như lưỡng đảng trong Quốc hội, nhất là đảng Cộng hòa, để thuyết phục sự ủng hộ của họ đối với từng bước đi trong các chính sách điều hành đất nước sau này của ông. 

Kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong phát biểu đầu tiên của Tổng thống Obama trước toàn thể nước Mỹ hôm 24/2 chính là phần ông đề cập kế hoạch phục hồi kinh tế nước Mỹ sẽ được tiến hành ngay trong năm nay và có thể kéo dài hơn một nhiệm kỳ.

Với một kế hoạch dài hạn như thế, ông Obama đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho từng năm và cho cả nhiệm kỳ đầu tiên, trong đó ông nhấn mạnh đến chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách. Đây là một chỉ tiêu quan trọng sẽ đóng vai trò quyết định giúp kinh tế Mỹ sớm thoát ra khỏi suy thoái và phục hồi nhanh hơn.

Ông Obama đang "thừa hưởng" một khoản thâm hụt ngân sách 1.200 tỉ USD và theo dự báo còn có thể tăng lên đến 1.500 tỉ USD. Ông Obama đặt mục tiêu đến năm 2013, thâm hụt ngân sách nước Mỹ sẽ giảm còn 533 tỉ USD, tức giảm hơn 2/3 do với năm 2009.

Và để đạt được mục tiêu giảm thâm hụt này, Tổng thống Obama đã vạch ra nhiều kế hoạch hành động khác nhau, trong đó bao gồm cả gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỉ USD vừa được ông ký thành luật hôm 17/2 và dự toán ngân sách hằng năm có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Ngày 26/2, ông Obama đã công bố kế hoạch thu chi ngân sách quốc gia cho tài khóa 2009-2010 (bắt đầu từ ngày 1/10/2009). Mục tiêu được ông Obama và bộ sậu cố vấn của ông đặt ra là làm sao đạt mức tăng ngân sách bình quân 318 tỉ USD trong thời gian 10 năm. Việc tăng thuế là phương án được ông Obama đề cập nhằm tạo nguồn thu này.

Trong các khoản chi ngân sách, ông Obama sẽ dành riêng một quỹ đặc biệt trị giá khoảng 634 tỉ USD cho việc cải tổ hệ thống y tế. Và ông Obama đề xuất phương án "tăng thuế đối với người giàu để chi chăm sóc y tế cho người nghèo" nhằm đảm bảo mọi người dân Mỹ, kể cả người nghèo, đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Song song đó là chương trình "tín dụng thuế" bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4/2009. Ông Obama hy vọng chương trình tín dụng đặc biệt này sẽ giúp cho các hộ nghèo, công nhân độc thân và các cặp vợ chồng trẻ thu nhập trung bình có thể giảm  bớt khó khăn khi ông áp dụng chính sách thuế tăng.

Cùng tham gia phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 24/2 Tổng thống Obama, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) Ben Bernanke đã đưa ra dự báo đầy lạc quan, cho rằng, có thể đến cuối năm nay, nền kinh tế Mỹ sẽ thoát ra khỏi tình trạng suy thoái và bắt đầu quá trình hồi phục vào đầu năm 2010, và đầu năm 2011 tình trạng thất nghiệp sẽ bắt đầu giảm.

Đây có vẻ như là một thông điệp ủng hộ mà ông Ben Bernanke dành cho Tổng thống Obama trong chương trình phục hồi kinh tế đầy tham vọng của ông

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.