Tổng thống Iran Hassan Rouhani gặp rắc rối sau vụ em trai bị giam

Thứ Tư, 26/07/2017, 18:49
Ngày 16-7, Cơ quan Tư pháp Iran thông báo bắt giữ và tạm giam Hossein Ferydoun sau khi lãnh đạo Tổ chức Tổng Thanh tra Naser Seraj (GIO) tố cáo - vào 1 năm trước đó - Ferydoun dính líu đến vài vụ bê bối trong lĩnh vực tài chính.

Vụ việc được cho là ảnh hưởng vô cùng xấu đến uy tín anh trai của Ferydoun là tổng thống đắc cử nhiệm kỳ 2 Hassan Rouhani hiện nay. Tuy nhiên, Ferydoun được thả ngay hôm 17-7 sau khi đóng khoản tiền bảo lãnh cao ngất đến 500 tỷ rial (khoảng 15,3 triệu USD).

Theo quan điểm từ một số nhà bình luận, việc tạm giam Hossein Ferydoun có thể được coi là một phần trong mối quan hệ “căng thẳng” giữa Tổng thống Rouhani và hệ thống tư pháp Iran. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 vừa qua, Rouhani - nhà lãnh đạo được thế giới đánh giá là tương đối ôn hòa - đã công khai tấn công hệ thống tư pháp bảo thủ của Iran cũng như các tổ chức an ninh nước này.

Rouhani chỉ trích những vụ bắt giữ một số tù nhân chính trị không dựa trên bằng chứng đáng tin cậy và yêu cầu thả họ ngay. Sau khi được thả, Ferydoun không sẵn sàng trả lời những câu hỏi của giới truyền thông trong nước. Trong khi đó Gholamhossein Nohseni-Ejeie, người phát ngôn cho Cơ quan Tư pháp Iran, tuyên bố Ferydoun là đối tượng của “nhiều cuộc điều tra”.

Hai anh em quyền lực Rouhani và Ferydoun luôn ở bên cạnh nhau.

Theo cáo buộc từ lãnh đạo GIO Naser Seraj, Ferydoun dính líu đến “vụ bê bối tiền lương” hồi năm 2016, trong đó một số quan chức trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm nhà nước được phát hiện nhận tiền lương quá cao so với mặt bằng chung của công chức.

Ngoài ra, Ferydoun cũng bị buộc tội tác động đến việc bổ nhiệm chức vụ giám đốc trong hệ thống ngân hàng và liên quan đến một số khoản vay ngân hàng không lãi suất.

Ferydoun là người đã cùng sát cánh với Hassan Rouhani trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ quân chủ Iran trước khi nổ ra cuộc cách mạng Hồi giáo ở nước này. 

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Hassan Rouhani, Ferydoun được giới truyền thông trong nước giới thiệu là cố vấn đặc biệt về những vấn đề đối ngoại của Rouhani, luôn đi theo tổng thống đến một số sự kiện quan trọng và cùng tham gia cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ).

Mặc dù không chính thức nắm giữ bất cứ vị trí nào trong chính quyền Rouhani, song Ferydoun vẫn có mặt trong những cuộc đàm phán quốc tế cấp cao về chương trình hạt nhân Iran. Đó là lý do mà giới truyền thông Iran gọi Ferydoun là “tai và mắt” của Tổng thống Rouhani. Ferydoun thường xuyên là mục tiêu của những cáo buộc về tội tham nhũng, nhất là khi Rouhani tái đắc cử tổng thống hồi tháng 5-2017.

Theo các nhà quan sát bên trong Iran, vụ bắt giữ Ferydoun tác động cực kỳ xấu đến kế hoạch 4 năm sắp tới của Tổng thống Hassan Rouhani. Trong đó, Rouhani hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế “trơ ì” của Iran, mở rộng quyền tự do về chính trị cũng như cá nhân cho người dân, đưa đất nước rời xa khỏi những tư tưởng cực đoan, bảo đảm quyền bình đẳng giới, cho phép người dân quyền tiếp cận Internet nhiều hơn,...

Vụ bê bối của Ferydoun chắc chắn là cơ hội cho các chính trị gia bảo thủ Iran mở cuộc tấn công quyết liệt hơn nhằm vào Rouhani với tuyên bố tham nhũng là “điểm yếu” trong chính phủ của ông. Nếu vụ án tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho Ferydoun và bản án được tuyên thì có lẽ ngay đến Rouhani cùng với một số quan chức cao cấp khác trong chính phủ của ông sẽ phải đối mặt với những sự buộc tội khác.

Ngay sau khi Rouhani tái đắc cử tổng thống, nhà báo và blogger lưu vong Nikahang Kowsar liền công bố trên blog cá nhân lời buộc tội Ferydoun lợi dụng quyền lực từ người anh mà quấy rối tình dục nhiều phụ nữ làm việc dưới quyền ông. Kowar nhấn mạnh cáo buộc của mình dựa trên một “nguồn an ninh” phục vụ trong tổ chức quốc phòng Iran hồi thập niên 1980.

Di An (tổng hợp)
.
.